Được công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín là cơ sở để trường đại học khẳng định chất lượng đào tạo, sự phát triển và hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thế giới. Tuy nhiên, để thực sự mang lại lợi ích cho người học và xã hội, đạt được kiểm định chất lượng quốc tế chưa phải là tất cả.
Nỗ lực đạt chuẩn quốc tế
Cuối tháng 4/2024, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn FIBAA (2024 - 2030) và thêm 18 chương trình đào tạo được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế FIBAA, ASIIN, AUN-QA. Tính đến nay, 37 chương trình đào tạo của trường được kiểm định chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT được giao tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo dục đại học đã có đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cơ chế tự chủ đại học, từ đó tạo ra sự phát triển năng động của hệ thống giáo dục nước nhà. Với kiểm định chất lượng giáo dục, nếu 10 năm trước rất ít trường đạt chuẩn quốc tế và số lượng kiểm định trong nước ít, thì đến nay, số lượng trường đại học đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế ngày càng nhiều.
TS Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, từ năm học 2015 - 2016, nhà trường bắt đầu đưa vào giảng dạy các chương trình đào tạo cập nhật mới, được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, chương trình đào tạo được rà soát và đối sánh với chương trình của các trường đại học uy tín (thuộc top 100 của thế giới).
Đến nay, nhà trường đã hoàn tất chuyển đổi chương trình giáo dục bậc đại học theo chương trình top 100, xây dựng xong đề cương chi tiết các ngành bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Hầu hết ngành thuộc bậc đại học hiện nay có chương trình dạy - học hoàn toàn bằng tiếng Anh, đưa sơ đồ trực quan các chương trình giáo dục vào sử dụng, đặc biệt đã triển khai xây dựng đề cương chi tiết theo chuẩn AUN-QA, FIBBA, ASIIN. Việc được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn FIBAA (giai đoạn 2024 - 2030) là minh chứng rõ ràng cho cam kết của nhà trường trong việc cung cấp chất lượng giáo dục hàng đầu theo chuẩn quốc tế đối với người học.
Có thể thấy xu hướng kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến ở nhiều trường đại học thời gian gần đây. Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, phần lớn chương trình đào tạo đã được kiểm định, trong đó nhiều chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Đáng chú ý, nhà trường có 6 chương trình đạt chuẩn ABET; 16 chương trình đạt chuẩn AUN-QA.
Trường Đại học Công nghiệp TPHCM là đơn vị đầu tiên trong các trường thuộc Bộ Công Thương có nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định khu vực Đông Nam Á. Sắp tới, trường tiến hành các thủ tục để đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo còn lại. Còn tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, phần lớn chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Đây là 1 trong 5 trường trên toàn quốc có 100% chương trình được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội Các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và Bộ GD&ĐT (MOET).
Tương tự, cuối năm 2023, Đại học Kinh tế TPHCM tiếp tục kiểm định thành công 8 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn FIBAA, nâng tổng số chương trình đào tạo đạt chất lượng châu Âu lên 13.
Với thế mạnh là trường đại học kỹ thuật hàng đầu phía Nam, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng để hướng đến các kiểm định khu vực và thế giới từ năm 2009.
Tháng 4/2024, Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu & Giáo dục đại học Pháp (HCERES) chính thức công nhận Trường Đại học Bách khoa đạt tái kiểm định cấp cơ sở giáo dục với hiệu lực trong vòng 5 năm, không kèm theo điều kiện. Hiện, Trường Đại học Bách khoa dẫn đầu cả nước với 64 chương trình đào tạo (trong đó 8 chương trình đào tạo thạc sĩ) đạt chuẩn kiểm định của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế như AUN-QA, ASIIN, CTI, ABET, AQAS, FIBAA.
Số lượng chương trình đào tạo tham gia đánh giá ngoài theo chuẩn quốc tế năm 2023 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: ĐHQG-HCM |
Khẳng định chất lượng, hội nhập quốc tế
Nhắc lại quá trình kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế, TS Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, tháng 4/2018, nhà trường đón Hội đồng quốc gia cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục đại học Cộng hòa Pháp (HCERES) đến kiểm định và đánh giá các hoạt động như: Chiến lược và quản trị đại học, nghiên cứu và giảng dạy, dịch vụ sinh viên, quan hệ đối ngoại, quản lý, kiểm định chất lượng và đạo đức học thuật.
Cũng tháng 7 năm này, nhà trường chính thức trở thành thành viên liên kết của Mạng lưới bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á (AUN - QA), khởi đầu cho việc thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Một năm sau đó, nhà trường kiểm định thành công 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA.
Năm 2021, 2022, trường được công nhận thêm 15 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA và FIBAA, bắt đầu mở rộng tầm đối sánh chất lượng với tiêu chuẩn quốc tế. Công tác kiểm định vẫn được tiếp tục với mục tiêu 100% chương trình được công nhận kiểm định quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2026.
“Các kết quả kiểm định, công nhận và xếp hạng quốc tế là bước tiến quan trọng của nhà trường trong quá trình quốc tế hóa và phát triển nhà trường thành đại học đẳng cấp quốc tế. Việc nhà trường đạt chuẩn quốc tế về chất lượng đào tạo, nghiên cứu và các dịch vụ khác làm gia tăng cơ hội nghề nghiệp, học tập lên các trình độ cao hơn ở các nước tiên tiến trên toàn thế giới cho người học”, TS Trần Trọng Đạo cho hay.
Năm 2023, toàn hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM có 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế, nâng tổng số chương trình đạt chuẩn này lên 125. Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Việt Nam về số lượng chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Số liệu thống kê cũng cho thấy bước đột phá trong hoạt động kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế tại hệ thống này so với những năm trước, không chỉ tăng về số lượng chương trình đánh giá/đạt chuẩn mà Đại học Quốc gia TPHCM đã tiếp cận, mở rộng hoạt động kiểm định với nhiều tổ chức quốc tế khác như AQAS, ASIIN, FIBAA bên cạnh AUN-QA.
Theo báo cáo thường niên của Đại học Quốc gia TPHCM, kết quả trên nằm trong định hướng chung của đơn vị khi sớm tiếp cận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế. Việc tham gia kiểm định và đạt được sự công nhận của các tổ chức quốc tế mang lại nhiều lợi ích và thể hiện trách nhiệm giải trình đối với cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan.
Việc tham gia kiểm định quốc tế cũng nằm trong chiến lược quốc tế hóa của nhiều trường đại học. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, các chứng nhận kiểm định chương trình đào tạo thể hiện cam kết về chất lượng của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, đặc biệt các đơn vị sử dụng lao động.
Đạt chuẩn kiểm định quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho người học, đội ngũ giảng viên và nhà trường. Theo đó, mục tiêu hợp tác quốc tế của nhà trường thuận lợi hơn. Với sinh viên, việc học tập chuyển đổi tín chỉ với các trường quốc tế, cơ hội việc làm cũng cao hơn.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trong lễ tốt nghiệp tháng 4/2024. Đây là trường dẫn đầu cả nước với 64 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Ảnh: Như Quỳnh |
Quan trọng là “tự đảm bảo chất lượng”
Theo các chuyên gia giáo dục, kiểm định chất lượng được áp dụng tại Việt Nam từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21 với mô hình đánh giá ngoài thử nghiệm cho 40 cơ sở giáo dục đại học (theo Quyết định số 38/2004/QĐ-BGDĐT năm 2004).
Sau hơn 10 năm thử nghiệm đánh giá ngoài đối với cơ sở giáo dục đại học, đồng thời học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các nước cho thấy, kiểm định chương trình đào tạo có tác động trực tiếp đến người dạy, người học - vốn là đối tượng quan trọng nhất làm nên chất lượng của một trường đại học.
Trong 10 năm gần đây, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học. Hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo tiếp tục được hoàn thiện tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi (năm 2018).
TS Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn cho rằng, trước khi quyết định tham gia kiểm định chất lượng quốc tế hay trong nước, các trường đại học đều xác định mục tiêu của việc kiểm định, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ra sao. Từ góc độ mục tiêu, sứ mạng, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nhà trường sẽ lựa chọn đơn vị kiểm định cho phù hợp.
Chẳng hạn, bộ tiêu chuẩn kiểm định của ABET (là tổ chức của Mỹ) thường được áp dụng kiểm định cho các chương trình về kỹ thuật, công nghệ. Nếu nhà trường có mục tiêu cung cấp nguồn kỹ sư chất lượng cao, có thể làm việc toàn cầu, theo tiêu chuẩn của Mỹ, lựa chọn ABET là phù hợp. Tuy nhiên, một số trường có mục tiêu đào tạo theo hướng truyền thống, việc “chạy theo” các tiêu chuẩn quốc tế chưa hẳn tốt cho trường.
“Thực tế, nhiều trường sau thời gian kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế đã phải dừng lại, quay về các tiêu chuẩn của Việt Nam vì không theo nổi. Quan trọng hơn, trong vấn đề này là, người học sẽ được hưởng lợi gì từ việc kiểm định chất lượng đó. Do đó, lựa chọn được kiểm định phù hợp mới phục vụ được mục tiêu này chứ không hẳn là kiểm định trong nước hay quốc tế”, TS Nguyễn Kim Dung nhận định.
Theo TS Nguyễn Kim Dung, kiểm định chất lượng là quá trình xem xét chất lượng giáo dục từ bên ngoài, để khảo sát, đánh giá, từ đó giúp cơ sở giáo dục đại học cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là yếu tố khách quan, giúp việc đánh giá chất lượng.
Tuy nhiên, theo TS Dung, điều quan trọng hơn là khâu tự đánh giá, đảm bảo chất lượng của nhà trường. Các trường phải nỗ lực đầu tư để phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Điều này mới đảm bảo cho chất lượng đào tạo luôn bền vững.
Phát biểu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng cuối tháng 4/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, hoạt động kiểm định giáo dục hiện được Bộ GD&ĐT quan tâm với mục tiêu đặt ra là đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn chương trình học, cho nhà tuyển dụng tuyển chọn lao động.
“Kiểm định chất lượng giáo dục là quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự đầu tư thực chất, tâm huyết và nhiều yếu tố phối hợp. Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, động lực cũng là thách thức để trường cần tiếp tục phấn đấu, không ngừng phát triển trên tầm cao mới”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn sẵn sàng quan tâm, hỗ trợ các trường trong công tác kiểm định chất lượng; phát triển chuyên môn để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát huy cơ chế tự chủ theo quy định.
Từ việc tiếp cận 1 - 2 bộ tiêu chuẩn kiểm định trong giai đoạn 2017 - 2020 (trong đó phổ biến là bộ tiêu chuẩn AUN-QA), giai đoạn 2021 - 2023, Đại học Quốc gia TPHCM đã mở rộng hoạt động kiểm định ở nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế khác nhau như: CTI, AQAS, ASIIN, FIBAA, HCERES, ACBSP. Đối với cấp cơ sở giáo dục, đến hết năm 2023, 100% trường thành viên của hệ thống này thực hiện kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) theo bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Trong đó, Trường Đại học Quốc tế kiểm định theo ASIIN, Trường Đại học Bách khoa kiểm định theo HCERES.