Giải pháp chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, giảng viên

GD&TĐ - Đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho giảng viên, sinh viên trong các trường đại học đang được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Còn khó khăn

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại ngữ đóng vai trò then chốt và là chìa khóa để phát triển hội nhập. Kinh nghiệm của các nước phát triển và các nước công nghiệp mới nổi trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chỉ rõ, trong những điều kiện cần thiết để hội nhập và phát triển thì ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết, là phương tiện đắc lực và hữu hiệu trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Giáo dục nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng cũng đang trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới. Có thể khẳng định việc đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho giảng viên trong các cơ sở đào tạo và trong trường đại học đang được coi là ưu tiên hàng đầu.

Từ khi triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trên cả nước, nhiều trường đại học đã đưa ra chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên, tăng cường cơ sở hạ tầng trang thiết bị dạy ngoại ngữ và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.  Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025.

Hiên tại, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức giảng dạy môn Tiếng Anh như một ngoại ngữ bắt buộc cho tất cả sinh viên với quy định sĩ số lớp không quá 40 sinh viên. Tổ Tiếng Anh – Khoa Ngoại ngữ đảm nhiệm giảng dạy học phần Tiếng Anh 5 tín chỉ cho sinh viên không chuyên hệ đại học.

Trước khi bắt đầu học phần, phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục kết hợp với Tổ Tiếng Anh tổ chức thi khảo sát đầu vào cho toàn bộ sinh viên năm nhất. Bài thi bao gồm 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Sinh viên đạt điểm trên 5 được tham gia vào học phần Tiếng Anh nói trên.

Tuy đã xây dựng được kế hoạch dạy và học nâng cao chuẩn đầu ra Tiếng Anh cho sinh viên, qua quá trình triển khai đi vào hoạt động đã nảy sinh một số vấn đề trong giảng dạy tiếng Anh của nhà trường, cũng như tình trạng chung của giảng dạy ngoại ngữ cho đối tượng sinh viên không chuyên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội:

Thứ nhất, hầu hết người học nhìn nhận ngoại ngữ là một môn học kiến thức chứ không phải là quá trình tập luyện để đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh phù hợp. Với một số chuyên ngành ngoài sư phạm hay chuyên ngành ngoài tiếng Anh, sinh viên chưa thực sự nhận thức được sự quan trọng của tiếng Anh, do đó chưa tập trung vào bài giảng cũng như có phương pháp học tập hiệu quả.

Thứ hai, giáo viên vẫn là trung tâm của quá trình giảng dạy, điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên là đối tượng thụ động tiếp thu thông tin, họ chỉ làm theo những yêu cầu của giáo viên mà ít có sáng tạo trong việc sử dụng kiến thức mà họ đã tích lũy được.

Thứ ba, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học này mà ít quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp. Do đó, các kỹ năng chưa được sinh viên thực hành và sử dụng nhuần nhuyễn.

Thứ tư, chương trình và giáo trình còn chú trọng nhiều đến ngôn ngữ hơn là phát triển kỹ năng, lấy giáo trình thay cho chương trình, thiếu thốn trang thiết bị, nếu có lại không có phần mềm hoặc người biết khai thác, sử dụng.

ThS Nguyễn Thị Huyền Châu và sinh viên trong giờ học trực tuyến.
ThS Nguyễn Thị Huyền Châu và sinh viên trong giờ học trực tuyến.

Chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho cả người dạy và người học

Trước thực tế trên, giải pháp đưa ra là cần chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho sinh viên

Với giải pháp chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên: Nhà trường nên mở các lớp học ngắn hạn để bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho cán bộ giảng viên có nhu cầu học tập.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn ngắn hạn (trong nước), tạo điều kiện để giáo viên có thể đi học tập phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà trường nên khuyến khích các cán bộ phục vụ đào tạo thi chứng chỉ quốc tế như TOEIC hoặc IELTS, Cambridge ESOL, TOEFL do các đơn vị khảo thí  quốc tế tổ chức.

Về giải pháp chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Thứ nhất, nhà trường phối hợp với khoa sắp xếp lại chương trình đào tạo để đảm bảo tính liên tục trong giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên.

Thứ hai, bổ sung thời lượng cho chương trình chính khóa bằng các lớp ngắn hạn bằng việc mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đối với các khóa đang thực hiện chương trình hiện tại.

Thứ ba, tăng cường đổi mới phương pháp đào tạo ngoại ngữ. Nhà trường tiến hành tổ chức kiểm tra, phân loại năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên mới tuyển trên cơ sở đó xếp lớp học ngoại ngữ cho các sinh viên có cùng năng lực trình độ.

Thứ tư, thay đổi về phương pháp kiểm tra đánh giá: Thiết kế bài thi học kỳ đảm bảo đo lường được năng lực ngoại ngữ của sinh viên, đảm bảo sinh viên thi qua học phần I tiếng Anh cơ sở đạt trình độ A2. Các bài thi của học phần sau đó phải đo lường chính xác mức độ tích lũy về năng lực ngoại ngữ để sau khi học xong học phần cuối cùng của môn tiếng Anh, sinh viên có kiến thức và kỹ năng tương đương trình độ 1 và có thể thi đạt chuẩn đầu ra.

Cuối cùng, nhà trường chú trọng đầu tư trang bị cơ sở vật chất để hỗ trợ công tác giảng dạy và kiểm tra ngoại ngữ: Mua sắm thêm công cụ hỗ trợ giảng dạy như loa đài, tăng âm, phòng thực hành tiếng. Mua sắm thêm thiết bị hỗ trợ chấm thi như máy chấm thi trắc nghiệm, máy chủ để tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ