Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn” (LEHE 2022)

GD&TĐ - Hội thảo là một diễn đàn khoa học cho các giảng viên, nhà nghiên cứu... để trao đổi về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ tại bậc đại học nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu trong giảng dạy ngoại ngữ.

Sáng ngày 13/5, tại Hưng Yên, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền và trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn” (Foreign Language Teaching and Learning in Higher Education: Voices of Practitioners – LEHE 2022)

Hội thảo diễn ra với mục đích tạo ra một diễn đàn khoa học cho các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, người học và các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy ngoaị ngữ tại bậc đại học nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Dự hội thảo có các đồng chí: PGS.TS. Chu Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; TS. Nguyễn Thị Lan Phương - Trưởng khoa Tiếng Anh Đại học Thương Mại; TS Nguyễn Thị Việt Nga - Trưởng khoa Tiếng Anh Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Đỗ Phúc Hường – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; PGS.TS Hoàng Tuyết Minh – Giảng viên cao cấp, Khoa Các Ngôn ngữ Ứng dụng, trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và gần 100 đại biểu đến từ 9 trường Đại học khu vực phía Bắc tham dự Hội thảo.  

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn chia sẻ: Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, có rất nhiều công ty nước ngoài đầu tư, mở ra cở hội cũng như thách thức cho nguồn nhân sự của Việt Nam. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chung sử dụng trong giao tiếp và công việc với người nước ngoài. Bởi vậy, việc học ngoại ngữ tại các trường Đại học hiện nay đang là một vấn đề rất quan trọng, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chính là chiều khóa “vàng” mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên phát biểu tại hội thảo.

Bản thân các trường Đại học hiện nay đã cập nhật các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và các cơ sở vật chất đáp ững tốt với nhu cầu người học. Hơn nữa chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đều yêu cầu về năng lực ngoại ngữ tối thiểu có trình độ trên 450 TOEIC trở lên, vì vậy việc học tốt ngoại ngữ và có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau tốt nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Tuyết Minh có bài phát biểu bằng tiếng anh về chủ đề: “Trang bị cho giáo viên ngoại ngữ trong thời đại đa phương thức: Bài học rút ra từ thực tiễn”.

PGS.TS Hoàng Tuyết Minh cho biết: Thời đại ngày nay, đang chuyển từ công nghiệp 4.0 sang thời đại đa phương thức, kết hợp các văn bản giấy, in với các phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, học sinh được tiếp cận nhiều về công nghệ thông tin. Nếu giáo viên ngoại ngữ không thay đổi cách dạy ứng dụng công nghệ, các bài học sẽ trở nên nhàm chán với các em. Bản thân mỗi giáo viên cần phải thay đổi phương thức giảng dạy, không chỉ sử dụng các bài giảng giấy truyền thống mà phải sử dụng phương thức cho học sinh nghe, xem hình ảnh và âm nhạc kết hợp.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn”.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn”.

Hội thảo được tổ chức gồm 1 phiên tổng thể cùng các phiên chuyên đề ở 3 tiểu ban: Tiểu ban 1: Phương pháp dạy ngoại ngữ ở bậc đại học; Tiểu ban 2: Kinh ngiệm dạy học các phần học ngoại ngữ ở bậc đại học; Tiểu ban 3: Khó khăn, thách thức trong quá trình giảng dạy phần ngoại ngữ ở bậc đại học. Hội thảo đã ghi nhận tổng 63 báo cáo khoa học, trong đó có 15 báo cáo được lựa chọn trình bày tại 3 tiểu ban chuyên môn.

Thông qua các báo cáo, các giảng viên, diễn giả có được kinh nghiệm quý báu cho mình về các kỹ năng giảng dạy ngoại ngữ của mình tại nơi làm việc cũng như có cơ hội được chia sẻ những kinh nghiệm khác của mình để hướng tới mục đích chung biến học ngoại ngữ trở thành niềm yêu thích của tất cả các sinh viên.

PGS.TS Hoàng Tuyết Minh phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Hoàng Tuyết Minh phát biểu tại hội thảo. 

Kết luận hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Trưởng Khoa Tiếng Anh, Đại học Thương Mại cho biết, BTC đánh giá cao các bài nghiên cứu khoa học đến từ các trường Đại học khác nhau.

Chương trình Hội thảo này kết thúc sẽ mở ra một chuỗi khởi đầu mới. Ba trường Đại học: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Thương Mại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thống nhất đồng tổ chức chuỗi hội thảo về giảng dạy ngoại ngữ luân phiên và thường niên. Trong năm tới, Hội thảo khoa học quốc gia sẽ diễn ra tại trường Đại học Thương Mại. Dự kiến diễn ra vào tháng 3/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ