Cơ hội song hành thách thức
Cô Hà Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) cho biết, những kết quả nhà trường đạt được trong dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế tại trường được thể hiện qua nhiều mặt.
Trước hết, trường đã và đang chú trọng việc học ngoại ngữ, trau dồi các kĩ năng ngoại ngữ cho học sinh; Liên tục thay đổi, hoàn thiện chương trình giảng dạy; cải tiến phương pháp cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Cùng đó các lớp chuyên Anh của nhà trường cơ bản đều có kĩ năng tốt về nghe, nói, đọc, viết. Tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Khả năng nghe, nói (những kĩ năng trước đây còn yếu) được cải thiện rõ rệt thời gian gần đây. Đặc biệt, trong năm học vừa qua trường đã có nhiều quyết sách để đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ nhà trường.
Hiện nay trường đã phối hợp với trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội dạy chương trình bổ trợ 1 buổi/1 tuần cho các lớp không chuyên là người bản ngữ; tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình học kỳ IELTS, chinh phục IELTS…
Còn với Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) những thuận lợi cũng được cô Đỗ Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng chia sẻ: Học ngoại ngữ được xã hội và các cấp quản lý quan tâm chú trọng. Môn Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3, là môn thi bắt bắt buộc trong thi tốt nghệp THPT; Mặt khác, học sinh Trường THPT chuyên được tuyển chọn đầu vào thông qua thi tuyển nên cơ bản học sinh có tư duy và năng lực nhận thức tốt hơn.
Về đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên tiếng Anh đã được tuyển chọn với yêu cầu cao hơn về năng lực ngoại ngữ. Chương trình sách giáo khoa đã có sự thay đổi về nội dung dạy học, chú trọng hơn vào việc dạy kĩ năng giáo tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong lớp học; hình thức dạy học đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh giao tiếp bằng Tiếng Anh nhiều hơn...
Tuy nhiên bên canh thuận lợi, những khó khăn trong dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế tại trường chuyên cũng được chỉ ra. Cô Trương Thị Thu Hương, tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh Trường THPT chuyên Hạ Long cho biết: Tuy sĩ số các lớp học trường chuyên giới hạn là 35 học sinh nhưng vẫn đông so với lớp học giao tiếp môn Tiếng Anh. Trình độ năng lực học sinh không đồng đều về ngoại ngữ do được tuyển chọn thi đầu vào theo chuyên môn.
Mặt khác, học sinh có xu hướng học tập trung cho các môn thuộc tổ hợp các môn dùng để xét tuyển đại học, nếu học sinh không chọn môn Tiếng Anh để xét tuyển đại học thì nhiều em còn lơ là với việc học môn này. Cùng đó, học sinh các đội tuyển (trừ đội tuyển Tiếng Anh) thường đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc học chuyên sâu các môn chuyên của mình.
Về phía giáo viên Ngoại ngữ ít có cơ hội giao tiếp, thực hành tiếng với người nước ngoài, lâu dần dẫn đến thiếu tự tin trong việc dạy Nghe, Nói với học sinh có trình độ cao.
Thực tế cũng cho thấy, trình độ sử dụng ngoại ngữ trong dạy học và giao tiếp hàng ngày của các giáo viên bộ môn khác chưa tốt dẫn đến việc thiếu tự tin khi dạy các môn khác bằng Tiếng Anh…
Nâng “chất” dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế
Cô Hà Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đề xuất: Trong các kỳ thi bán kỳ, học kỳ do nhà trường tổ chức cần đưa các kĩ năng nghe nói vào để tăng cường kĩ năng nghe, nói cho học sinh. Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên để nâng cao trình độ giáo viên.
Việc thành lập ban quan hệ quốc tế để phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ trong nước, quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời và hiệu quả công tác dạy và học của giáo viên, học sinh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng cần thiết.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tích lũy kinh nghiệm để có thể tổ chức nhiều kỳ thi lấy chứng chỉ cho học sinh của trường và của tỉnh. Trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết nhất để hội nhập quốc tế. Cải tiến chương trình giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường, hướng tới tiệm cận sâu xu hướng dạy quốc tế để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của học sinh và xã hội…
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long lại đề xuất: Sở GD&ĐT cần tham mưu với UBND tỉnh các địa phương về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ của học sinh để có các cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ hợp lý, thiết thực, trang bị cho trường các cơ sở vật chất đầy đủ cho việc học ngoại ngữ.
Đặc biệt, yêu cần cán bộ quản lý của các trường THPT chuyên phải sử dụng tốt ngoại ngữ để có thể giám sát, đo lường được chất lượng việc dạy học và học ngoại ngữ tại trường.
Vấn đề tuyển chọn giáo viên có đủ trình độ đạt chuẩn quốc tế hoặc đào tạo nâng cao thường xuyên cho giáo viên ngoại ngữ, tăng cường cho giáo viên ngoại ngữ tham gia các khóa học về thực hành tiếng và phương pháp dạy học tiên tiến, tăng tính tích cực và tập trung vào giao tiếp cho học sinh.
Có thể tìm kiếm, hợp tác với các chương trình giáo viên xuất sắc ngắn hạn như của Fulbright- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để có giáo viên bản xứ đến tập huấn ngắn hạn cho giáo viên Việt Nam một cách thiết thực, mang tính thực hành cao.
Cô Đỗ Thị Diệu Thúy còn cho rằng giáo viên giảng dạy ngoại ngữ phải là người chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về các kỳ thi quốc tế, nắm được các yêu cầu cốt lõi, các kỹ năng đòi hỏi học sinh phải có để từng bước trang bị cho học sinh.
Phát huy các đề án tăng cường kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh tại các trường THPT chuyên, xã hội hóa việc đưa giáo viên người bản xứ vào giảng dạy trong các lớp học. Có thể hợp tác với ác trung tâm ngoại ngữ để có nguồn giáo viên tốt, xây dựng các nội dung giảng dạy tập trung cao trong việc nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh.
Hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức các lớp học luyện thi các kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC, hay kỳ thi theo thang 6 bậc châu Âu của Cambridge… có sự tham gia của giáo viên Tiếng Anh nhà trường, giáo viên nước ngoài của trung tâm.
Thường xuyên phối hợp với các đơn vị khảo thí quốc tế để tổ chức thi thử, lấy chứng chỉ quốc tế cho học sinh tại trường. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho học sinh trong việc học ngay tại trường và khiến học sinh tích cực hơn trong việc học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.
Kinh nghiệm rút ra trong quá trình dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế tại Trường THPT chuyên Hạ Long cũng được cô Trương Thị Hường đúc rút: Cần phối hợp với các tổ chức tư vấn du học, tư vấn tuyển sinh của các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế để có các buổi hội thảo giúp học sinh có hiểu biết, nhận thức tốt hơn về lợi ích, tác dụng của việc học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế đối với cá nhân.
Xây dựng phong trào học ngoại ngữ trong giáo viên và học sinh của nhà trường thông qua các câu lạc bộ nói Tiếng Anh, các khóa học Tiếng Anh, các cuộc thi, dự án học tập có thi đua trong nhà trường, phòng đọc ngoại văn trong thư viện, khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi Olympic Tiếng Anh, hùng biện, tranh biện bằng Tiếng Anh của các cấp tổ chức nhằm tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ cho các em, khơi gợi hứng thú trong việc học của học sinh…