Giải mã về 'Hoan hảo sứ' Khúc Thừa Mỹ

GD&TĐ - Câu chuyện về Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ sang Phiên Ngung từ thế kỷ thứ X làm 'Hoan hảo sứ' sẽ được tái hiện trên sân khấu kịch hát dân tộc.

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở tuồng lịch sử 'Lửa cháy Phiên Ngung'. Ảnh: Bình Thanh.
Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở tuồng lịch sử 'Lửa cháy Phiên Ngung'. Ảnh: Bình Thanh.

Đó là câu chuyện được kể trong vở tuồng lịch sử “Lửa cháy Phiên Ngung” vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam khởi công dàn dựng.

Khai thác điểm mờ lịch sử

“Vở tuồng lịch sử “Lửa cháy Phiên Ngung” (tác giả tiểu thuyết: Khúc Minh Tuấn, kịch bản tuồng: Nguyễn Sỹ Chức, biên tập làn điệu tuồng: Tạ Văn Sốp, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) được dàn dựng và tập luyện trong khoảng 45 ngày.

Dự kiến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2023 vở tuồng lịch sử này sẽ công diễn đến khán giả. Hy vọng, “Lửa cháy Phiên Ngung” sẽ tiếp nối thành công của “Tam Khúc chúa” (vở diễn giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, đã tổ chức được nhiều đêm diễn; tới đây phát trên chương trình Nhà hát truyền hình - kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam), và đáp ứng lòng mong mỏi của dòng họ Khúc, niềm mến mộ của khán giả yêu nghệ thuật tuồng truyền thống” - Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Là người Hồng Châu (nay là làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, Hải Dương), Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ là cháu nội của Tiên chúa - hào phú Khúc Thừa Dụ - người đầu tiên đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng tự chủ của nước Việt ở những năm đầu thế kỷ thứ 10.

Trước khi trực tiếp kế nghiệp cha ông, Khúc Thừa Mỹ từng được cha là Trung chúa Khúc Thừa Hạo - người có những cải cách quan trọng về hành chính, thuế khóa, ngoại giao… nhằm xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cử sang Phiên Ngung, Quảng Châu (Trung Quốc) làm “Hoan hảo sứ”.

Cũng bởi, dù công nhận họ Khúc là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân cai trị Giao Châu (từ Khúc Thừa Dụ) song chưa khi nào phương Bắc, từ bỏ ý đồ chiếm lại để cai trị, nhất là khi Lưu Nghiễm xưng đế, lập nước Nam Hán.

Biết rõ những nguy cơ ấy, để thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, trung lập của buổi đầu họ Khúc đứng lên tự chủ song thế lực còn mỏng, Khúc Thừa Hạo đã tin tưởng giao cho con trai sứ mệnh đặc biệt này.

Hẳn rằng, khi phải đơn thương độc mã giữa kẻ thù, Khúc Thừa Mỹ đã rất khôn khéo, mưu trí; bên ngoài tỏ ra là người biết điều để “kết mối hòa hiếu” song bên trong phải tìm cách dò xét tình hình thực hư của địch để mật báo về quê hương?...

“Trong chính sử, câu chuyện này không được ghi chép cụ thể. Như ở “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.201), chỉ nhắc: “Năm ấy, nhà Đường mất (…). Đinh Sửu (917), (…).

Khúc Hạo sai con là Thừa Mỹ làm “Hoan hảo sứ” sang Quảng Châu để thăm dò tình hình (Nam Hán) hư thực thế nào”. Đây là điểm mờ lịch sử về công lao của Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ khi làm “Hoan hảo sứ” (sinh gián và dụng dán) đã góp sức không nhỏ để củng cố nền tự chủ và giữ yên bờ cõi giang sơn mà vở diễn “Lửa cháy Phiên Ngung” có thể khai thác, giải mã, hư cấu.

Việc này không dễ vì vừa phải sáng tạo sao cho vở diễn có kịch tính, hấp dẫn, truyền cảm, ý nghĩa bằng những lát cắt đặc sắc về nội tâm nhân vật song vẫn phải đảm bảo logic và sát với chính sử”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết.

Vở tuồng lịch sử “Lửa cháy Phiên Ngung” được dàn dựng từ kịch bản chuyển thể tiểu thuyết của TS Khúc Minh Tuấn - một người con dòng họ Khúc đã dành nhiều thời gian và tâm sức để viết nên những bộ tiểu thuyết đồ sộ về cha ông.

Theo ông Khúc Thế Độ, đại diện dòng họ Khúc dự lễ khởi công vở diễn, cuốn tiểu thuyết đó được tác giả viết theo tư liệu lịch sử có thật, không hư cấu. Tác giả đã dành nhiều thời gian, công sức để thu thập tài liệu cũng như tham khảo ý kiến của các học giả.

Ông Nguyễn Thành Vạn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Hải Dương cũng bày tỏ niềm tự hào về vùng đất Ninh Giang là nơi phát tích của dòng họ Khúc, nơi tam chúa đã khởi nghiệp bằng tài trí thông minh, sự cương quyết và khôn khéo “Tam chúa họ Khúc là những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền tự chủ của dân tộc Việt.

Dấu mốc lịch sử quan trọng này đã từng được Nhà hát Tuồng tái hiện, tôn vinh trong một vở diễn về ba vị chúa xúc động, ấn tượng. Nối tiếp dòng chảy lịch sử ấy, năm nay, Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục dàn dựng vở diễn về Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ - “Lửa cháy Phiên Ngung”.

Chúng tôi rất xúc động khi được chứng kiến nhà hát dành thời gian dài để phối hợp với dòng họ Khúc chuẩn bị một cách công phu khâu kịch bản cũng như biên chế ê kíp sáng tạo tài năng và đầy nhiệt huyết. Chúng tôi kỳ vọng vào sự thành công của vở diễn vì nó được thực hiện bằng trách nhiệm và tình cảm lớn lao của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân”, ông Nguyễn Thành Vạn bày tỏ.

“Bằng cả tấm lòng biết ơn”

Trước đó, vở tuồng 'Tam Khúc chúa' đã khắc họa ba vị chúa họ Khúc. Ảnh: Bình Thanh.

Trước đó, vở tuồng 'Tam Khúc chúa' đã khắc họa ba vị chúa họ Khúc. Ảnh: Bình Thanh.

Năm 2020, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã công diễn vở tuồng lịch sử “Tam Khúc chúa” hay “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam”. Vở diễn kể về ba vị chúa dòng họ Khúc: Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo và Khúc Thừa Mỹ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về chính sách đối ngoại “khoan giản an lạc” cũng như ý thức tự chủ của các vị chúa trước sự lăm le cai trị, đồng hóa của thế lực phương Bắc.

Bên cạnh việc khắc họa đậm nét các hình tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ và Trung chúa Khúc Thừa Hạo, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai còn dành nhiều tâm huyết dàn dựng lớp diễn đặc biệt ấn tượng tái hiện việc Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ dâng lễ vật ở Phiên Ngung.

Khi đó, ông đã có thái độ ứng xử bên ngoài rất mềm mỏng, đẹp lòng người song bên trong lại là tinh thần không chịu khuất phục, quyết không để bị đồng hóa về văn hóa, phong tục.

Vì vậy, lễ vật cống nạp không phải là những lụa là châu báu mà là vũ điệu múa guốc trong âm hưởng múa xoan của người Việt cổ. Lớp diễn này đã để lại trong lòng khán giả những cảm xúc khó quên.

Theo đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, chị rất hứng thú với chi tiết lịch sử Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ được cha tin tưởng giao sứ mệnh sang Phiên Ngung làm “Hoan hảo sứ” ngay từ lúc dàn dựng vở tuồng “Tam Khúc chúa”.

Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ từng xuất hiện ở lớp diễn ấn tượng trong vở tuồng 'Tam Khúc chúa'. Ảnh: Bình Thanh.

Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ từng xuất hiện ở lớp diễn ấn tượng trong vở tuồng 'Tam Khúc chúa'. Ảnh: Bình Thanh.

Tuy nhiên, vì là vở diễn kể chuyện cả 3 vị chúa nên chị chỉ có thể đề cập đến chi tiết ấy trong một lớp diễn. Sau 3 năm, dịp này, chị và các nghệ sĩ trẻ Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam thêm một lần được đắm chìm vào hình tượng những nhân vật lịch sử cách đây hơn nghìn năm được người đời ngưỡng mộ, quan tâm.

Thế nhưng, có những nhân vật vẫn còn nhiều điểm mờ, nhất là với Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ khiến hậu thế chưa được tỏ tường. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện của người xưa bằng cả tấm lòng biết ơn về thế hệ cha ông đi trước, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết giữ vững ý chí tự lập, tự cường để gầy dựng nền tự chủ.

Những sáng tạo và thăng hoa trong nghệ thuật; những chỉn chu, nghiêm túc trong lao động là điều tôi và các nghệ sĩ trẻ luôn hướng tới. Chúng tôi mong muốn, sau hơn một tháng, khi “Lửa cháy Phiên Ngung” được công diễn, vở tuồng lịch sử này có thể đem đến cho khán giả những phút giây thưởng thức tràn ngập cảm xúc trước cách yêu nước và xây nền tự chủ của cha ông ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ 10”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai xúc động chia sẻ.

Còn với nghệ sĩ trẻ, được hóa thân vào các nhân vật lịch sử để tái hiện khí phách, tinh thần yêu nước của người xưa là niềm vinh dự lớn lao và cũng là cơ hội để tri ân, học hỏi.

“Chúng tôi rất đỗi vinh dự và tự hào khi được lãnh đạo nhà hát tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này. Qua đây, nghệ sĩ trẻ chúng tôi được ôn lại những trang sử hào hùng của dòng họ Khúc Việt Nam nói riêng, của lớp lớp thế hệ cha ông ta nói chung. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi được làm việc cùng NSND Hoàng Quỳnh Mai - một đạo diễn tài năng, tâm huyết với nghề và luôn quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ.

Mỗi lần hợp tác cùng chị, các nghệ sĩ trẻ được học hỏi nhiều kinh nghiệm, được tiếp nguồn năng lượng, nỗ lực phát triển bản thân để quyết tâm giữ gìn nghệ thuật truyền thống quý giá này. Còn nhớ, năm 2019, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã dàn dựng vở “Trung thần” với sự tham gia biểu diễn của dàn nghệ sĩ trẻ mới mười chín, đôi mươi của nhà hát mà rất chững chạc, trưởng thành.

Vở diễn đã thành công hơn cả sự mong đợi, được thế hệ đi trước ghi nhận và tin tưởng để chúng tôi thêm vững tin bước tiếp. Vở “Lửa cháy Phiên Ngung” sẽ tiếp tục là các nghệ sĩ trẻ ấy”, nghệ sĩ tài năng trẻ Lộc Huyền - Trưởng Đoàn Thể nghiệm nói.

Đại diện cho thế hệ trẻ dòng họ Khúc, nhà báo Khúc Hồng Thiện chia sẻ niềm xúc động khi nhớ lại những thịnh tình, sự trân trọng của lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam đã ra tận cửa đón khán giả và bà con dòng họ Khúc đến thưởng thức vở tuồng “Tam Khúc chúa”.

Vì vậy, thêm một lần nhà hát tiếp tục dàn dựng vở diễn về một trong ba vị chúa họ Khúc đã đem đến cho anh những hồi hộp, mong chờ. Theo anh Thiện, trong chính sử có ít tư liệu ghi chép về Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ.

Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ từng xuất hiện ở lớp diễn ấn tượng trong vở tuồng 'Tam Khúc chúa'. Ảnh: Bình Thanh.

Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ từng xuất hiện ở lớp diễn ấn tượng trong vở tuồng 'Tam Khúc chúa'. Ảnh: Bình Thanh.

Nhưng chính độ… “sương khói” này lại càng đem đến cho văn học và các loại hình diễn xướng như nghệ thuật tuồng có không gian khai thác. “Tác phẩm mang đậm tính sử thi này lựa chọn tuồng để chuyển tải là hợp lý.

Mong rằng, khi được ra mắt, “Lửa cháy Phiên Ngung” sẽ cuốn hút mọi lứa tuổi bằng cách truyền tải thông điệp sâu sắc, sinh động, hiện đại về hình thức thể hiện giống như “Tam Khúc chúa” đã từng cuốn hút, hấp dẫn trong nhiều đêm diễn không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Qua đây, một giai đoạn lịch sử cách đây hơn nghìn năm được tái hiện với ba nhân vật tiêu biểu của dòng học Khúc để thế hệ hôm nay hiểu hơn về mạch nguồn ý thức tự cường của dân tộc”, anh Thiện mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ