Về Thổ Hà xem tuồng cổ

GD&TĐ - Ở các làng quê xứ Bắc rất ít nơi còn duy trì được nghệ thuật tuồng cổ.

Một diễn viên tuồng ở Thổ Hà. Ảnh: TG.
Một diễn viên tuồng ở Thổ Hà. Ảnh: TG.

Và làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong số nơi hiếm hoi ấy còn sự hiện diện của loại hình nghệ thuật truyền thống này. 

Tình yêu đối với tuồng của những người dân nơi đây vẫn vẹn nguyên, ăn sâu vào tâm hồn và chính điều ấy sẽ là cơ sở để chúng ta tin tiếng trống tuồng sẽ còn vang mãi trên mảnh đất cổ kính Bắc sông Cầu.

Nơi hiếm hoi yêu tuồng

Ngày nay, những tưởng cuộc sống hiện đại sẽ khiến cho nghệ thuật tuồng bị chìm vào quên lãng nhưng với người dân Thổ Hà, tuồng chính là di sản, là niềm tự hào và kiêu hãnh.

Theo như cách nói của trưởng thôn Thổ Hà, Cáp Trọng Việt: “Cả tỉnh Bắc Giang chẳng còn làng quê nào giữ được tuồng như chúng tôi và càng hiếm nơi nào người ta lại yêu tuồng như dân Thổ Hà. Bởi lẽ đó mà tuồng như một “đặc sản” của làng mà hiếm nơi nào có được”.

Dù đã trải qua biết bao thăng trầm nhưng tuồng vẫn được các thế hệ ở Thổ Hà trân trọng, gìn giữ một cách gần như nguyên vẹn. Người Thổ Hà từ lâu đã mặc định câu: “Phi tuồng bất thành hội” để nói rằng, lễ hội làng là phải diễn tuồng, là một sự bất di bất dịch không thể nào khác hàng trăm năm qua.

Vì vậy, năm nào làng mở hội (vào ngày 20, 21 tháng Giêng) đều tổ chức diễn tuồng kín cả hai đêm, rất đông khán giả trong và ngoài vùng đến thưởng thức.

Những “nghệ sĩ chân đất”

Dù tuổi cao nhưng cụ Nguyễn Bá Lam làng Thổ Hà vẫn thuộc nằm lòng nhiều nhiều câu tuồng cổ.

Dù tuổi cao nhưng cụ Nguyễn Bá Lam làng Thổ Hà vẫn thuộc nằm lòng nhiều nhiều câu tuồng cổ.

Cuộc sống thực đằng sau cái “mặt nạ” được bôi trát bởi tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo chính là nghề làm bánh đa nem, nuôi lợn và nấu rượu truyền thống. Trong đời thường họ là những nông dân quanh năm lam lũ với nghề làm bánh tráng nhưng khi bước lên sân khấu các “nghệ sĩ chân đất” đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử một cách chuyên nghiệp như các nghệ sĩ thực thụ.

Đặc biệt hơn, trong làng có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Lam, 101 tuổi có nhiều tâm huyết gìn giữ, phát triển tuồng đã được xướng tên. Cụ Lam là nghệ nhân về lĩnh vực tuồng duy nhất của tỉnh này.

Sau bao năm tháng gắn bó, cống hiến và cả những trăn trở, cụ Lam đã có những đóng góp không nhỏ để môn nghệ thuật ấy được trao truyền, tiếp nối, để tiếng trống, tiếng phách vẫn có thể vang ngay giữa sân đình.

Cụ bảo: Tuồng của làng có từ rất lâu rồi, và cụ đã sống ngót thế kỷ nhưng cũng chẳng biết nó có từ hồi nào. Từ khi lên 10 tuổi, cụ Lam đã được người cậu ruột là trùm trưởng phường tuồng tên là Nguyễn Bách Cốc ưu ái chọn vào phường tuồng của làng.

Tuy tất cả “diễn viên” tuồng của làng không được đào tạo qua trường lớp nào cả, chủ yếu là đi theo những bậc tiền bối và “học lỏm” rồi truyền lại cho nhau nhưng họ diễn rất chuẩn mực và giữ được “khuôn vàng thước ngọc” của các cụ xưa.

Từ thuở thiếu thời, cụ Lam đã từng sắm nhiều vai chính diện và thuộc diện “hát hay, diễn đẹp” trong các vở tuồng cổ: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tống Địch Thanh, Tam nữ đồ vương, Chinh Đông chinh Tây... Cụ bảo: “Cao tuổi rồi nhưng hễ thấy người ta diễn là tôi phấn khích lắm. Với tuồng ngày xưa, mỗi lời nói, cử chỉ, động tác, mỗi bước chân đi đều phải theo bộ, có bộ mới ra tuồng.

Diễn viên luôn phải nhìn theo hướng tay vung ra thì mới “khôn tuồng”. Do vóc dáng nhỏ, sức bé nên tôi không thể đóng kép tướng mang đai, mang giáp mà thường được giao vai hoàng tử, giáo đầu hay vai kép con”.

Cũng theo cụ Lam, sau năm 1945, tuồng ở Thổ Hà phát triển mạnh, các phường tuồng không chỉ phục vụ cho bà con trong làng, mà còn được mời đi biểu diễn ở các nơi quanh vùng.

Song, do ảnh hưởng của chiến tranh, một thời gian tuồng Thổ Hà bị gián đoạn, đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, đội tuồng Thổ Hà được thành lập lại, cụ Lam cùng những nghệ nhân gạo cội đã tâm huyết truyền dạy, vun đắp với mong muốn Thổ Hà phải có lớp kế cận tiếp nối truyền thống của quê hương.

Những người già ở Thổ Hà đều cho rằng, nghệ thuật tuồng ở đây còn giữ được nhiều yếu tố truyền thống do quá trình phát triển không bị “đứt quãng”. “Tre già măng mọc” lớp trước dạy lớp sau nên hầu hết những lối diễn cổ chưa bị mai một.

Những cụ diễn tuồng có tiếng ở đây phải kể đến là các kép hạng như: Nguyễn Đức Dĩ, Trịnh Xuân Tiện, Nguyễn Đình Xuyến… Trước khi quy tiên các cụ ấy đều đã kịp trao gửi lại cho hậu thế các bí quyết về tuồng, tích cực dìu dắt cho câu lạc bộ tuồng của làng.

Gìn giữ và đam mê với tuồng

Ngày nay, CLB Tuồng Thổ Hà vẫn duy trì được với hơn chục thành viên. Ngoài diễn trong tỉnh, CLB còn được một số nơi ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) mời diễn vào dịp lễ hội mùa xuân.

Theo ông Nguyễn Công Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Tuồng Thổ Hà: Nếu xưa kia người Thổ Hà biểu diễn tuồng quanh năm phục vụ nhu cầu giải trí, văn hóa tinh thần của người dân thì ngày nay loại hình nghệ thuật ấy chỉ được công diễn vào những dịp đặc biệt của làng như tết, lễ hội, kỷ niệm sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, khánh thành công trình lớn của cộng đồng...

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật tuồng ở đây còn là “điểm nhấn” trong nghi lễ rước của lễ hội Thổ Hà hàng năm. Tuồng trong lễ hội thường có hơn hai mươi vai đóng thế được trang điểm khá cầu kỳ như: Tổng cờ, Tổng Kiếm, Tam Đa, Tiên đồng, Ngọc nữ… Ông Nguyễn Công Sơn cho biết thêm: Diễn tuồng vất vả, nếu không có sức khỏe thì không thể diễn được và ngược lại, nếu diễn thường xuyên thì thấy người cường tráng.

Từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng rất khó thể hiện, đơn cử như động tác vuốt râu, trèo cây, múa kiếm, chèo đò cưỡi ngựa… phải thể hiện sao cho thật giống để người xem liên tưởng như thật ngoài đời. Làm sao câu hát dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên”.

Ngôn ngữ tuồng đa phần là âm Hán - Việt hoặc những từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ. Hầu hết các tích xoay quanh các đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, trong đó chiếm được cảm tình của người xem nhất vẫn là các đề tài “phò vua diệt ngụy”; “trung thành - phản nghịch”…

Ngoài ra, những ngôn từ đều dùng các thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn Đường luật, thơ lục bát và phú khá chặt chẽ lên không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Đã vậy, mỗi khi lên sân khấu, là phải bôi mặt, trang điểm, mất cả tiếng đồng hồ, tẩy trang, sắp đồ đạc, cùng ngần ấy thời gian nữa.

Đây chính là khó khăn nhưng cũng là nút thắt trong công tác gìn giữ tuồng ở Thổ Hà, vì với những câu từ cổ ấy và cả lối hóa trang cầu kỳ, nhiều người trẻ sẽ không thể hiểu được. Và chúng tôi hiểu rằng, việc giữ được tuồng ở Thổ Hà đã khó, để phát triển, nâng tầm và tạo sức lan tỏa cho nó còn khó khăn hơn.

Tất nhiên, nhiều người vẫn tin rằng, người dân Thổ Hà có đủ độ đam mê, tình yêu và tâm huyết để tuồng nơi đây mãi là “đặc sản” khiến người ta phải nhớ khi đặt chân đến ngôi làng cổ bên sông Cầu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.