Vở tuồng kể chuyện người Việt xưa giữ phong hóa

GD&TĐ - Vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” không chỉ thành công trong việc kể chuyện xưa, mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc...

Cuộc quyết đấu giữ phong hóa của người Việt xưa được tái hiện đặc sắc trong vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân”. Ảnh: Bình Thanh
Cuộc quyết đấu giữ phong hóa của người Việt xưa được tái hiện đặc sắc trong vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân”. Ảnh: Bình Thanh

Không run sợ và cũng chẳng hành lễ. Dám cả gan khảng khái khẳng định với kẻ cai trị về đất trời xứ Việt rằng: “Bao đời nay, so với nước ngài, phong hóa Việt dân tôi rất khác”. Đó là câu chuyện người Việt giữ phong hóa được kể trong vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” đầy tự hào, lẫm liệt...

Đất trời xứ Việt

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa công diễn vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” (tác giả: Lê Công Phượng; Đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn Cường; Biểu diễn: Đoàn Thể nghiệm). Vở diễn đưa khán giả trở về giai đoạn lịch sử cách đây mấy nghìn năm (khoảng năm 36 đến năm 41 sau Công nguyên). Đó là khoảng thời gian 1.000 năm Bắc thuộc khi người dân đất Việt đang phải sống dưới sự cai trị của thái thú Tô Định.

Những tưởng đó sẽ là câu chuyện mang màu sắc u ám, buồn thương về nỗi thống khổ của người Việt khi phải sống trong cảnh áp bức của nhà cầm quyền phương Bắc, nhưng không, vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” tái hiện lát cắt lịch sử rất đỗi tự hào của con Lạc cháu Hồng, dù bị đè đầu, cưỡi cổ nhưng không bao giờ chịu khuất phục.

Đó là phân cảnh hội làng của người dân làng Vẻn ở huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đầy náo nhiệt, tưng bừng.

Những người nông dân ấy dù ngày ngày vẫn phải lam lũ một nắng hai sương trên ruộng đồng, bị bắt phu phen, tạp dịch nhưng đến ngày hội làng họ dám hát câu hát dân gian, dám múa đường võ cổ truyền của người Việt. Khi thái thú Tô Định xuất hiện, họ chẳng hề sợ hãi và chẳng thèm khom lưng, quỳ gối…

Cảnh hội làng được tái hiện đặc sắc trong vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân”. Ảnh: Bình Thanh.

Cảnh hội làng được tái hiện đặc sắc trong vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân”. Ảnh: Bình Thanh.

Nhất là, Lê Chân – người con gái mới ở độ tuổi trăng tròn mà văn võ song toàn và Hào Nam – học trò của thầy Lê Đạo, cha Lê Chân, dám lên án lũ quan tham tàn ác, bá đạo vì “tróc nã dân bất kể đêm ngày”.

Trước lệnh bắt đi phu của quan cai trị, Lê Chân dám chỉ vào mặt hào trưởng mà rằng: “Thưa ông hào trưởng, ông nghĩ mà coi, đi phu là thiệt hại giống nòi, non nước ngày càng khánh kiệt đó. Ông cũng là người Việt, sao chịu kiếp tôi đòi?”.

Khi tên thái thú Tô Định quát nạt chúng dân bắt hành lễ, Lê Chân không những không chịu làm theo, mà còn cùng với chàng Hào Nam đanh thép, gan góc đấu khẩu với hắn. Được dịp xưng danh, Lê Chân liền hãnh diện “khoe” nguồn cội của mình “quê quán ở đất trời xứ Việt”. Mặc cái cả cười nham hiểm, kẻ cả của tên thái thú, coi xứ Việt cũng là “của thiên triều” phương Bắc, chàng Hào Nam thêm một lần nữa gằn giọng hỏi lại: “Đã là đất trời xứ Việt, sao là của thiên triều?”…

Bằng việc nhấn mạnh tình tiết xưng tên, xưng quê của Lê Chân, vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” đã bồi đắp thêm cho khán giả hôm nay niềm tự hào về về khí phách của cha ông thuở trước dù đang phải sống trong cảnh Bắc thuộc nhưng luôn nêu cao tinh thần tự tôn, dám đấu tranh để khẳng định chủ quyền đất Việt. Mạch nguồn này luôn chảy trong huyết quản mỗi người và được bền bỉ dưỡng nuôi…

Quyết liệt giữ gìn phong hóa Việt

Thật thú vị khi vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” còn thể hiện đậm nét câu chuyện quyết liệt bảo vệ, giữ gìn phong hóa (phong tục, tập quán, bản tính…) của người Việt xưa.

Vẫn bắt đầu từ hội làng truyền thống, thiếu nữ Lê Chân cùng Hào Nam mang chí lớn: “Dùng phong hóa cha ông để lại để khơi dậy lòng yêu nước trong dân”. Bởi vậy, đến với hội làng, hai người vừa động viên dân chúng không đi phu, không nghe theo sự sai bảo của quan cai trị vừa sắc sảo vạch mặt hào trưởng: “Dân Việt ta con Hồng cháu Lạc, với Hán triều vốn khác giống nòi, ông chẳng thể ý thức cội nguồn lại còn nói điều bại hoại”.

Với kẻ thù, Lê Chân có cuộc đối đáp thông minh, táo bạo, quả cảm. Nếu Tô Định dè bỉu dân Nam có phong tục, tập quán lạc hậu và yêu cầu phải học theo phong hóa của người Hán để “Bắc - Nam liền đất, liền trời không về một nơi một chốn” thì Lê Chân cao giọng quả quyết: “Phong hóa Việt dân tôi rất khác”.

Không chỉ thế, trước âm mưu nham hiểm của Tô Định khi đưa ra yêu cầu quyết đấu để tên thái thú lấy đó làm giao kèo bắt dân Việt phải “từ nay bỏ tục xứ Nam” và chúng dân phải nghe lệnh hắn ban rồi “phong hóa phải học theo người Hán”, Lê Chân chẳng ngại ngần giao đấu và giành chiến thắng, vừa làm cho hắn bẽ mặt vừa đập tan ý đồ đen tối đồng hóa dân Việt của tên cai trị độc ác.

Cùng với đó, ông đồ Lê Đạo – cha của Lê Chân cũng khảng khái khước từ việc gả con gái cho Tô Định dù ông và gia quyến phải chịu cảnh đầu rơi, máu chảy. Nhất là, khi cuốn sử thư đến tay, ngay trước mặt lũ bán nước cầu vinh, ông mừng rỡ, tự hào cất lời ngợi khen: “Ôi hay, văn chương uyên bác, khí chất hào hùng, ôi sử thư quý. Người viết cuốn sử thư là bậc cao minh, lạc hồng nhân tài đất Việt…”.

Có thể thấy, cùng với những phân cảnh khắc họa rõ nét nữ tướng Lê Chân mưu trí hơn người, biến nỗi đau riêng thành mối thù chung mà khoác chiến bào lãnh đạo nhân dân cùng đứng lên chống giặc rồi trở thành tướng tiên phong của Hai Bà Trưng (theo như chính sử), vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” còn có những tình tiết khá mới mẻ xoay quanh vấn đề chủ quyền và phong hóa.

Khi đó, chất bạo liệt và bi hùng về anh hùng liệt nữ trong vở tuồng được khai thác khá đặc biệt, ấn tượng và logic với bối cảnh lịch sử cũng như sự phát triển tính cách nhân vật để từ đó góp phần lý giải vì sao phải trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, song người Việt vẫn luôn giữ được phong hóa, không bị đồng hóa và luôn là một dân tộc mang ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước bất cứ cuộc xâm lăng ngoại quốc nào. Bởi vậy, vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” không chỉ thành công trong việc kể chuyện xưa, mà còn có những phân cảnh là mạch nối thời đại khi góp phần khơi dậy niềm tự hào cùng tinh thần dân tộc Việt hôm qua – hôm nay và mai sau.

Vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Lộc Huyền (vai nữ tướng Lê Chân), nghệ sĩ Mạnh Linh (vai ông đồ Lê Đạo), nghệ sĩ Tuấn Hiệp (vai Hào Nam), Quỳnh Liên, Ngọc Quân… sẽ tiếp tục được Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn đến khán giả trong năm mới 2023.

“Vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” chỉ là lát cắt cuộc đời nữ tướng Lê Chân trong khoảng 4 đến 5 năm, khi bà khoảng 16 – 21 tuổi nhưng phục vụ cái tứ: Tinh thần yêu nước bất diệt của dòng giống Lạc Hồng để từ đó khẳng định vị trí, vai trò của lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng. Ở đây, vai trò lịch sử của văn hóa, phong hóa cha ông ngàn đời là cái căn cốt để giữ, phát triển và để kéo dài sự trường tồn của dân tộc cả ngàn năm cho đến bây giờ và mai sau”. -Tác giả Lê Công Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ