Giải mã những bí ẩn của thiên tài

Giải mã những bí ẩn của thiên tài

(GD&TĐ) - Ngoài thiên phú bẩm sinh, gene di truyền và đặc điểm não bộ, một số nhân tố khác có vai trò không kém, cũng được các nhà khoa học nêu ra, nhằm lý giải hiện tượng gần như “bất khả” … Và vấn đề không chỉ nhằm giải thích đâu là bí ẩn, quan trọng hơn là làm thế nào để có thể xuất hiện nhiều thiên tài? 

Tài năng như một hệ quả từ bệnh lý

Giáo sư Vladimir Efroimson (1908-1989), Trưởng khoa Di truyền của Viện Tâm thần học Moskva, đã công phu nghiên cứu hầu hết các trường hợp bệnh tật của những nhân vật lừng danh trong lịch sử thế giới. Và ông đã làm thiên hạ gần như bị sốc khi công bố rằng: những con người vĩ đại đó thường mắc những căn bệnh trầm kha hơn nhiều so với những người bình thường khác. Thật đúng câu ông bà đã đúc kết “Có tài có tật”, theo đúc kết của nhà bác học  khi V. Efroimson ngoài sáu mươi tuổi, thì có năm loại hình bệnh tật thường ghé thăm, rồi thích “đánh đu” trọn đời với các thiên tài (?)...

Căn bệnh đầu tiên được kể tới chính là bệnh Gout. Căn bệnh này thường làm tăng mức độ acid uric máu - công thức này rất gần với công thức của các phân tử có trong chất caffeine. Vì vậy, loại acid này vô hình trung đã “tích cực” kích thích não bộ làm việc trong trạng thái “hưng phấn” dài dài… Những nhân vật đạt được danh hiệu “thiên tài” nhờ Gout phải kể đến là Alexander Đại đế của Macedonia, Họa sỹ-điêu khắc gia thiên tài Michel Angelo; các nhà bác học vĩ đại như Newton, Darwin; các triết gia hàng đầu thế giới như E. Kant, Schopenhauer… 

Căn bệnh thứ hai thích thăm viếng các thiên tài là “Hội chứng Marfan”– khi chất adrenaline được tăng cường trong máu, tác động mạnh tới hệ thống thần kinh tạo nên nguồn hưng phấn, khiến các thiên tài “tỉnh thức” nhiều hơn say ngủ. Kết quả khảo sát cho thấy, các vĩ nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau từng bị bệnh này như: Tổng thống Mỹ, A.Lincoln, văn hào Đan Mạch Andersen, Tổng thống Pháp De Gaulle, Nhà bác học-dịch giả lừng danh, Chukovsky…

Đại thi hào J.W. Goethe
Đại thi hào J.W. Goethe

Loại bệnh lý thứ ba được gọi là “Hội chứng nam hóa” - nguyên văn là ‘ Hội chứng Morris’ chỉ hiện tượng chuyển đổi giới tính, lấy tên nhà văn Anh, Jan Morris (người chuyển đổi giới tính từ đàn ông thành đàn bà). Trong ngữ cảnh này, các nhà khoa học chỉ những phụ nữ có nam tính mạnh, biểu hiện ở ý chí, nghị lực và trí tuệ của những bóng hồng khiến chính các đấng mày râu cũng phải tâm phục khẩu phục. Tiêu biểu cho trường hợp này là những nữ anh hùng lịch sử như nữ thánh Jeanne d’Arc (Pháp) hay bà Trưng, Bà Triệu ở Việt Nam...

Căn bệnh thứ tư là bệnh bùng phát tính dục. Nhu cầu tình dục tăng cao là do mức tiết xuất androgen - hormon steroid tăng cao. Hợp chất này có tác dụng kích thích cơ thể như những liều doping, khiến đầu óc luôn trong cơn hưng phấn. Loại này thường tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo mãnh liệt và bất tận cho các thiên tài, nên không lạ khi không ít nghệ sỹ hoặc những vĩ nhân có máu nghệ sỹ thuộc tuýp người này: Hoàng đế Caesar, Pie Đại Đế… hay các thiên tài tận tụy phục vụ Nàng Thơ như Byron, Pushkin, Lermontov, Heine, Esenin...

Thứ năm là căn bệnh được gọi là “trầm cảm Hypomanic”, thể hiện ở tính khí rất thất thường. Sau những cơn loạn động tâm thần và suy thoái của hoạt động trí tuệ, sự phục hồi rất nhanh và chủ thể cảm thấy lạc quan, phấn hứng lại tăng vùn vụt như để bù lại những gì đã mất trước đây. Đó chính là thời điểm ra đời những tác phẩm lớn của các tác giả như Gogol, Saint-Simon, Dickens, Hemingway, Maupassant… Mức độ đặc biệt của dạng này có thể biểu hiện như bệnh động kinh (epilepsy) mà các thiên tài như Dostoevsky, Van Gogh…

Dù khoa học đã tiến bộ rất cao, song các căn bệnh trên vẫn thuộc những trường hợp “botay.com” như những thách thức thực sự các nhà khoa học. Người ta chỉ khẳng định đựoc rằng, không phải tất cả những người bị các chứng bệnh trên đều là các tài năng, song đại đa số các thiên tài đều mắc phải một trong năm loại tật bệnh mà Vladimir Efroimson đã khái quát. Nhiều vấn đề người ta vẫn chưa giải thích được, như tại sao các thiên tài lại dễ bị những bệnh đó? Có cách nào hoá giải những căn bệnh đó mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ, tài năng và cống hiến của các thiên tài? Trong chừng mực hiểu biết của chúng ta về các căn bệnh ấy, về tâm thần, tính dục, bệnh Gout, hội chứng Marphan hay trầm cảm…, những kết luận và phương án ấy không dẫn tới bất cứ thay đổi nào đáng kể, không tạo ra bất cứ điều gì mới! Thông thường, tật bệnh dường như một thử thách, một cái giá cần trả cho ân huệ mà Tạo Hoá ban riêng cho một số người?!

Nữ thánh Jeanne d’Arc
Nữ thánh Jeanne d’Arc

Thuyết “thiên tài sinh vào mùa đông”

Chẳng những các khoa tử vi, tứ trụ, tử bình của Á Đông rất trọng ngày tháng năm sinh, ngành chiêm tinh Ấn Độ cổ và phương Tây hiện đại cũng rất coi trọng thời điểm ra đời của mỗi cá nhân, ứng với ngôi sao nào, toạ độ nào so với cung Hoàng Đạo. Cách đây không lâu, THT đã giới thiệu công trình nghiên cứu mới của nhà bác học Nga Evgeny Vinogradov, liên quan tới thời điểm và những vùng quê của các thiên tài. Sau khi đã đã thống kê ngày sinh tháng đẻ và cuộc đời của hầu hết các thiên tài kim cổ đông tây, phân tích tiểu sử hơn 20.000 nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nhà khoa học nổi tiếng sinh trong khoảng từ năm 801 – 1950, đồng thời nghiên cứu 757 nhân vật được trao giải thưởng Nobel thuộc 61 quốc gia, Vinogradov đã phát hiện ra quy luật: phần lớn các thiên tài sinh tập trung vào mùa đông.

Cao điểm là vào tháng Hai, thấp nhất vào tháng Tám. Mô hình này được áp dụng cả ở Nam bán cầu, nhưng nó ngược lại với Bắc bán cầu ở chỗ: tài năng phía Nam bán cầu sinh tập trung nhiều hơn vào tháng sáu (khi nơi đó có mùa đông) và dĩ nhiên, sẽ ít hơn trong tháng hai. Vinogradov giải thích sở dĩ có điều này là do ảnh hưởng của mặt trời, như ở Bắc bán cầu từ tháng Giêng đến tháng Ba, ảnh hưởng mặt trời tăng mạnh. Vinogradov cho rằng, năng lượng mặt trời hoạt động thời gian này ảnh hưởng tích cực đến não trẻ sơ sinh do việc tăng cường dòng bức xạ ion hóa. Không chỉ với trẻ, ngay các loài động, thực vật… dưới ảnh hưởng của dòng bức xạ này, cũng phát triển tốt hơn bình thường: dê cừu phấn chấn hơn, các hạt giống nảy mầm nhanh hơn và con người cảm thấy lạc quan hơn…

Nhưng nếu chỉ theo thuyết này, sẽ giải thích thế nào những hiện tượng như Đại thi hào A. Pushkin (sinh tháng 6), danh họa Repin (sinh tháng 5), "Alexander Đại đĐế xứ Macedonia (sinh tháng 7), J.W. Goethe và E. Rutherford (đều sinh tháng 8) – nghĩa là đều sinh ra vào mùa hè? Mặt khác, hoạt động của Mặt trời không cứng nhắc như Vinogradov nêu, nó bùng phát theo nhiều chu kỳ dài ngắn khác nhau, không thể đoán định hết được. Bởi vậy, thuyết “thiên tài sinh ra vào mùa đông " vẫn là vấn đề còn để ngỏ, cho dù không thể phủ định ảnh hưởng to lớn của Mặt trời tới cuộc sống thế gian.

Malcolm Gladwell
Malcolm Gladwell

Thiên tài là kết quả của 10.000 giờ lao động

Nhà xã hội học Malcolm Gladwell – một trong 25 diễn giả hàng đầu thế giới hiện nay, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất (best-selling author), đã nêu một quan điểm có vẻ rất thực tiễn trong cuốn sách Outliers (Những người xuất chúng, 2008).

Malcolm Gladwell lần lượt đề cập 2 lý thuyết mà ông cho là mới. Đầu tiên là hiệu ứng Mathew. Trong đó ông tổng hợp những nghiên cứu về ảnh hưỡng của thời điểm ra đời của các vận động viên khúc côn cầu hay cầu thủ bóng đá trong thành công của họ. Quả thật các dữ liệu là thuyết phục khi hầu hết tuổi và tháng sinh của các vận động viên hàng đầu phụ thuộc vào cách thức và thời điểm tuyển chọn của nhà tổ chức. Và thế là những người có thời điểm sinh thích hợp sẽ hưởng lợi hơn những kẻ khác và càng giỏi thì lại càng hưởng lợi nhiều hơn. Đây cũng chính là ý trong kinh Tân ước với lời dạy của thánh Mathew rằng “ai đã có sẽ được cho thêm, còn phàm kẻ nào không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi”.

Tiếp đó tác giả đề cập tới Quy tắc 10.000 giờ. Theo thống kê, đây dường như là cái “Ngưỡng” của số giờ mà một tài năng cần phải bỏ ra để đạt tới đẳng cấp thế giới. Không gì khác hơn là tác giả đang nhấn mạnh tới nỗ lực cá nhân và những giot mồ hôi đổ xuống là điều kiện tiên quyết dẫn đến mọi thành công.

Và một điều thú vị là thời điểm sinh cùng việc đạt 10.000 giờ lao động đúng ở thời điểm cần thiết đã được các nghiên cứu ghi nhận ở nhiều cá nhân xuất sắc.

Lâu nay, IQ là thước đo mức độ thông minh của một người. Tuy nhiên việc có IQ cao vẫn không đồng nghĩa với đạt tới thành công. Tác giả nói tới “trí thông minh thực tiễn”, cái đo mức độ khôn ngoan trong việc áp dụng kiến thức vào đời sống. Ở nhiều người, sự hài hòa cuả IQ và loại thông minh này đã giúp họ thăng hoa.

Tuy nhiên, lý thuyết của Gladwell cũng không thể giải thích được những thiên tài nổi tiếng về tính “lười biếng” hoặc n hững thiên tài mất sớm (chưa đủ thời gian sống để lao động 10 000 giờ) như các đai thi hào Byron, A. Pushkin, Lermontov, triết gia Hegel, nhà bác học Pierre Curie hay Norbert Wiener, Chaplin, Andrei Bely, Alexander Borodin... Ngay cả cho đến cuối đời, họ không thể đạt được thời lượng 10 000 giờ làm việc, sáng tác hoặc nghiên cứu. Như vậy, các lý thuyết trên đã cố gắng lý giải những điều bí ẩn như những nhân tố tạo nên thiên tài. Song, là những quan điểm khoa học, chúng có xác suất của mình và không thể bao quát hết những chiều sâu bí ẩn của hiện tượng thiên tài.

Tam Dương

(Theo Komsmolskaya Pravda và Internet)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.