Sau đó, ngôn ngữ có thể đã được sử dụng trong xã hội cách đây 100.000 năm. Các chuyên gia ước tính ít nhất phải mất vài nghìn năm để con người bắt đầu khai thác hoàn toàn khả năng nói, giúp ngôn ngữ trở thành một trong những hiện tượng độc đáo và mạnh mẽ nhất của tự nhiên.
Theo dấu tổ tiên
Các ước tính về thời điểm ngôn ngữ xuất hiện khác nhau rất nhiều, dựa trên nhiều hình thức bằng chứng từ hóa thạch đến di sản văn hóa. Mới đây, một số tác giả khi phân tích về đề tài này đã tiếp cận theo một cách khác. Họ lý luận rằng, vì tất cả ngôn ngữ con người có thể cùng một nguồn gốc nên câu hỏi chính là các nhóm khu vực bắt đầu lan rộng ra thế giới từ khi nào.
Theo Shigeru Miyagawa - Giáo sư thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), mọi nhóm dân cư trên toàn cầu đều có ngôn ngữ và tất cả có liên quan với nhau. Dựa trên dữ liệu di truyền cho thấy về sự phân nhánh địa lý của các quần thể con người, ông cho biết: “Có thể nói với một mức độ khá chắc chắn rằng, sự phân chia đầu tiên xảy ra khoảng 135.000 năm trước, vì vậy khả năng ngôn ngữ của con người đã xuất hiện vào thời điểm đó, hoặc trước đó nữa”.
Trong khi đó, nghiên cứu “Khả năng ngôn ngữ đã tồn tại trong quần thể Homo sapiens cách đây 135.000 năm”, trên tạp chí Frontiers in Psychology của các tác giả Rob DeSalle - nhà nghiên cứu chính tại Viện Di truyền so sánh thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Ian Tattersall - chuyên gia về nguồn gốc con người, cùng một số nhà khoa học khác đã gây chú ý nơi cộng đồng khoa học.
Bài báo xem xét 15 nghiên cứu di truyền khác nhau, được công bố trong suốt 18 năm qua, gồm 3 nghiên cứu sử dụng dữ liệu về nhiễm sắc thể Y di truyền, 3 nghiên cứu xem xét DNA ty thể, và 9 nghiên cứu toàn bộ bộ gen.
Tất cả dữ liệu từ những nghiên cứu này cho thấy, sự phân nhánh ban đầu của con người xảy ra khoảng 135.000 năm trước. Nghĩa là, sau khi Homo sapiens xuất hiện, các nhóm người sau đó đã di chuyển xa về địa lý và một số biến thể di truyền đã phát triển theo thời gian ở các phân nhóm khu vực khác nhau.
Vai trò ngôn ngữ trong tiến hóa

Mức độ biến thể di truyền được hiển thị trong các nghiên cứu, cho phép các nhà khoa học ước tính thời điểm Homo sapiens còn là một nhóm chưa bị chia tách theo khu vực. GS Shigeru Miyagawa đã cung cấp bằng chứng ngày càng hội tụ về thời điểm những phân tách địa lý bắt đầu diễn ra.
Đầu tiên là khảo sát được thực hiện bởi một số học giả vào năm 2017 nhưng khi đó họ có ít nghiên cứu di truyền để tham khảo. Giờ đây, nhiều dữ liệu được công bố hơn, chỉ ra rằng 135.000 năm trước là thời điểm có khả năng diễn ra sự phân tách đầu tiên. Theo GS Shigeru Miyagawa, phân tích tổng hợp mới này đáng tin và ông nhấn mạnh, “về số lượng, chúng tôi có nhiều nghiên cứu hơn, và về chất lượng, đó là một khoảng thời gian hẹp hơn”.
Giống như nhiều nhà ngôn ngữ học khác, GS Shigeru Miyagawa tin rằng tất cả các ngôn ngữ con người đều có mối quan hệ rõ ràng với nhau, điều mà ông đã nghiên cứu trong công việc của mình. Ví dụ, trong cuốn sách năm 2010 của GS Shigeru Miyagawa, Why Agree? Why Move?, ông đã phân tích những điểm tương đồng chưa từng được khám phá giữa tiếng Anh, tiếng Nhật và một số ngôn ngữ Bantu. Trên toàn cầu có hơn 7.000 ngôn ngữ con người được xác định.
Một số học giả đã đề xuất rằng khả năng ngôn ngữ có thể đã xuất hiện từ hàng triệu năm trước, dựa trên các đặc điểm sinh lý của các loài linh trưởng khác. Tuy nhiên, theo GS Viện Công nghệ Massachusetts, câu hỏi không phải là khi nào các loài linh trưởng có thể phát ra những âm thanh nhất định, mà là khi nào con người có khả năng nhận thức để phát triển ngôn ngữ như chúng ta biết, kết hợp từ vựng và ngữ pháp thành một hệ thống tạo ra một lượng biểu đạt vô hạn dựa trên quy tắc.
“Ngôn ngữ con người khác biệt về chất lượng vì có hai yếu tố, từ và cú pháp, hoạt động cùng nhau để tạo ra hệ thống rất phức tạp này. Không có loài nào khác có cấu trúc tương tự trong hệ thống giao tiếp như vậy”, GS Shigeru Miyagawa nói.
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể biết khi nào ngôn ngữ đặc trưng cho con người được sử dụng lần đầu? Hồ sơ khảo cổ học cho thấy khoảng 100.000 năm trước đã xuất hiện hoạt động biểu tượng rộng rãi, từ các dấu hiệu có ý nghĩa trên các đối tượng, đến việc sử dụng lửa để sản xuất màu đất son, một màu đỏ trang trí.
Giống như ngôn ngữ phức tạp của chúng ta, những hoạt động biểu tượng này chỉ được con người tham gia và không có loài nào khác. Các hành vi tương thích với ngôn ngữ và việc thực hành tư duy biểu tượng nhất quán chỉ có thể phát hiện trong hồ sơ khảo cổ học của Homo sapiens.
Như các nhà khoa học đã thừa nhận trong bài báo kể trên, một số học giả tin rằng đã có một sự phát triển từ từ và rộng rãi hơn về các hoạt động mới xung quanh 100.000 năm trước, liên quan đến vật liệu, công cụ và phối hợp xã hội, với ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng.
GS Shigeru Miyagawa cho biết: “Ngôn ngữ là yếu tố kích thích cho hành vi hiện đại của con người. Theo cách nào đó, nó đã kích thích suy nghĩ của con người và giúp tạo ra những hành vi như vậy. Nếu chúng tôi đúng, mọi người đã học hỏi từ nhau (nhờ ngôn ngữ) và khuyến khích những đổi mới cách đây hơn 100.000 năm”.