Nhà báo thêm hiểu cống hiến của thầy cô qua Giải báo chí Vì sự nghiệp GD VN

GD&TĐ - Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam giúp tôi có động lực phấn đấu, yêu và hiểu những cống hiến của thầy cô cho Giáo dục nước nhà.

Phóng viên Lê Tường Vân – hai lần đạt giải Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Ảnh NVCC.
Phóng viên Lê Tường Vân – hai lần đạt giải Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của phóng viên Lê Tường Vân – hai lần đạt giải Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Không ngại xông pha

Lê Tường Vân là một phóng viên trẻ của Báo Lao động. Chị tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngày đầu về nhận công tác, phóng viên Tường Vân được phân công theo dõi mảng Giáo dục. Vì vậy, chị luôn cố gắng bám đuổi, sát sao với các vấn đề nóng.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, ổ dịch lớn đầu tiên của cả nước ở tỉnh Bắc Giang. Để có thể ghi nhận được thực tế nhất cảnh thầy cô cùng học sinh ở tỉnh Bắc Giang vượt khó khăn vừa dạy, vừa học nhằm hoàn thành mục tiêu kép của năm học mới chị và đồng nghiệp của mình xin đi đến tâm dịch để tác nghiệp.

“Tháng 7/2021, tôi và đồng nghiệp xin về huyện Việt Yên - tâm dịch của cả nước lúc đó. Thời điểm đó, xe khách hay các phương tiện đi lại gần như không có bởi tỉnh đã bị cách ly. Chúng tôi phải tự đi xe máy từ Hà Nội lên, trên đường đi vừa đi vừa hỏi đường.

Vì dịch, các nhà trọ đóng cửa, những ngày chúng tôi tác nghiệp phải ở nhờ tại Trường mầm non Quảng Minh – đây cũng là khu cách ly. Ngoài bộ đội, nhân viên y tế tại khu cách ly này thì các thầy cô giáo hàng ngày thay phiên nhau hỗ trợ nấu cơm và đưa đi phát cho người dân”, phóng viên Tường Vân kể lại.

Chị Tường Vân cho biết thêm, trong thời gian công tác tại đây, tôi đã thấy được sự linh hoạt của ngành giáo dục để đảm bảo an toàn cho học sinh. Các điểm được chọn đặt thi tốt nghiệp THPT năm đó được phòng dịch rất cẩn thận.

Đặc biệt với các điểm dành cho thí sinh F0, đội ngũ thầy cô ngày đêm túc trực, khử khuẩn sau mỗi buổi thi, hệ thống y tế được bố trí rất cẩn thận nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh tham dự kỳ thi, đề phòng trong quá trình thi các em có vấn đề gì về sức khoẻ có thể xử lý ngay.

Không những vậy, năm học 2020-2021, thời điểm khi bắt đầu triển khai chương trình GDPT 2018, Báo Lao Động đã từng về 1 loạt các tỉnh thành ghi nhận quá trình triển khai trong đó có Bắc Giang.

“Vì vậy lần này, tôi muốn quay lại chính những địa phương đó để đánh giá sau thời gian triển khai chương trình GDPT 2018, vừa chống dịch, vừa phòng dịch, vừa dạy học, chất lượng giáo dục giáo dục ra sao?. Thầy trò nơi đây đã nỗ lực ra sao để hoàn thành mục tiêu kép ra sao”, phóng viên Tường Vân kể lại.

Phóng viên Lê Tường Vân tác nghiệp tại tâm dịch. Ảnh NVCC.

Phóng viên Lê Tường Vân tác nghiệp tại tâm dịch. Ảnh NVCC.

Vượt qua sợ hãi

Khi xin đi thực tế ở tâm dịch Bắc Giang, gia đình, bạn bè đều khuyên không nên đi vì lo lắng mình sẽ mắc.

“Lúc đó, bạn bè người thân tôi nhắc đến Covid-19 rất sợ hãi, hoang mang bởi số ca tử vong trên thế giới quá lớn. Chưa kể, lúc đó tôi chỉ mới tiêm một mũi vắc xin. Những ngày trên đó, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm. Nhưng vì bận, cộng thêm trên người lúc nào cũng có những bộ đồ bảo hộ có những hôm đến tận tối muộn tôi mới mở điện thoại ra để xem.

Tuy nhiên nhờ có trải nghiệm làm việc, sống cùng các thầy cô giáo, bộ đội, thật sự rất vui và sẽ là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình”, phóng viên Tường Vân trải lòng.

Cũng nhờ những góc hình ảnh chân thực đó tác phẩm "Trường học thời COVID-19: Thích ứng để đổi mới" của Tường Vân và các đồng nghiệp đã giành giải khuyến khích.

“Đây là giải thưởng đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi”, Tường Vân chia sẻ.

Theo đánh giá của phóng viên Tường Vân, Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là giải thưởng lớn, nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Những năm gần đây, theo thống kê của ban tổ chức số lượng bài tăng. Như vậy cho thấy, tầm ảnh hưởng của giải cũng như đòi hỏi các tác phẩm tham gia phải có sự đầu tư về việc lựa chọn đề tài, cách viết.

“Nhiều tác phẩm của các anh chị đồng nghiệp khiến tôi ấn tượng sâu sắc bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Mỗi tác phẩm có 1 dấu ấn riêng, nhưng điểm chung là chúng tôi – những phóng viên theo dõi giáo dục luôn mong muốn truyền cảm hứng về hình ảnh người thầy, và những cống hiến của họ để xã hội hiểu và luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục của đất nước”, nhà báo Lê Tường Vân, Báo Lao động chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.