Giải 'bài toán' cung ứng nhân lực nghề bếp

GD&TĐ - Kỹ thuật chế biến món ăn cùng một số ngành học thuộc danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực chế biến món ăn ngày một tăng cao.
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực chế biến món ăn ngày một tăng cao.

Theo Thông tư 05/2023/TT- BLĐTBXH thì kỹ thuật chế biến món ăn cùng một số ngành học thuộc danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trình độ trung cấp, cao đẳng thì người theo học được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí.

Nguyên do “khát” nhân lực

Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh luôn rơi vào cảnh thiếu nhân lực nghề bếp. Vì vậy để “săn” nhân lực chất lượng, họ sẵn sàng trả mức lương cao cho những người có tay nghề.

Anh Đặng Ngọc Sơn (30 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn đang chật vật tìm bếp trưởng cho cơ sở kinh doanh của mình. Anh Sơn cho biết, dù vị trí đang tuyển có mức lương khá cao so với mặt bằng chung (17 triệu đồng/tháng) nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua vẫn không tìm được người phù hợp.

“Tôi mở hàng ăn, cụ thể là chuyên món ăn Thái Lan nên đầu bếp là một trong những vị trí quan trọng nhất cần phải setup. Tôi có yêu cầu nhất định về sức khoẻ và tay nghề của họ. Thực tế khi bắt tay vào kinh doanh nhà hàng, tôi mới thấu hiểu nghề bếp vô cùng vất vả, phải đảm bảo có sức khoẻ tốt để đứng bếp liên tục nhiều giờ đồng hồ, ngoài ra những việc như kiểm tra nguyên liệu, thu mua thực phẩm, sơ chế, làm nước sốt, cho đến chế biến món ăn,… cũng đều đến tay họ.

Không khí trong gian bếp luôn trong tình trạng căng thẳng do đến từ sức nóng bếp và sức ép thời gian để phục vụ thực khách. Thao tác nhanh nhưng phải khéo léo, chế biến nhiều nhưng phải kịp thời gian”, anh Ngọc Sơn chia sẻ.

Anh Vũ Ngọc Lập (23 tuổi, quê Thái Bình) hiện đang làm vị trí phụ bếp ở chuỗi nhà hàng Nhật Bản cũng có những cảm nhận riêng về ngành nghề đang theo đuổi. Từ góc nhìn của bản thân, anh Lập cho rằng, hiện nay nhiều học viên lựa chọn theo học nghề bếp tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn, được tiếp cận nhanh với thực tế, đôi khi chỉ vài tuần là ra nghề.

Khi học tại những khoá đào tạo đó, giáo viên chỉ thường tập trung vào việc dạy cho người học những kỹ năng của nghề bếp, hoặc cách nấu một số món ăn,… mà bỏ qua những chia sẻ “đời thường” về góc khuất của nghề đầu bếp.

“Sẽ không mấy ai nói rằng nghề đầu bếp rất vất vả. Nhưng người học sẽ phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải bắt đầu con đường theo đuổi đam mê của mình từ những vị trí tạp vụ, phụ việc vặt. Bản thân tôi cũng đang phấn đấu từ vị trí phụ bếp. Ban đầu tôi khá ngỡ ngàng và tủi thân khi chỉ được giao cho những việc vặt như mài dao, nhặt rau, sơ chế củ quả…”, anh Vũ ngọc Lập tâm sự.

Công việc đơn giản, nhưng thực tế khối lượng lớn. Vì đó, để hoàn thành công việc tốt nhất, anh Lập thường rơi vào tình cảnh “đầu tắt mặt tối”. Thời gian đầu do chưa quen, anh thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ, người mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, rất dễ mắc lỗi trong công việc, bị khiển trách.

Tuy nhiên, anh Lập không chán nản hay có ý định buông xuôi. Anh biết, nếu không chấp nhận đương đầu với khó khăn thì sẽ không thể “leo” lên vị trí cao hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ngành đặc thù

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ThS Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, kỹ thuật chế biến món ăn là ngành học hết sức hấp dẫn dành cho những người có đam mê với ẩm thực và nấu nướng. Đây là một ngành học chuyên sâu về quá trình chế biến món ăn. Người học được hướng dẫn về các kỹ thuật nấu ăn, xử lý thực phẩm và tạo ra các món ăn ngon, hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu về hương vị và thị giác.

Tuy là ngành học đầy thú vị và sáng tạo, nhưng nghề đầu bếp nói riêng và kỹ thuật chế biến món ăn nói chung lại có tính chất đặc thù. Theo Thông tư 05/2023/TT- BLĐTBXH được ban hành ngày 15/6/2023, có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, kỹ thuật chế biến món ăn cùng một số ngành học thuộc danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trình độ trung cấp, cao đẳng thì người theo học được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí.

Là ngành nghề đặc thù, nhu cầu lao động luôn khan hiếm, được hỗ trợ học phí là điều vô cùng thuận lợi đối với các bạn trẻ mong muốn theo đuổi ngành học này. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính đối với sinh viên và cung cấp cơ hội học tập chất lượng cao với mức học phí phù hợp.

Đáng chú ý, tầm quan trọng của ngành kỹ thuật chế biến món ăn không chỉ nằm ở việc đáp ứng nhu cầu về ẩm thực ngày càng đa dạng và phong phú của xã hội, mà còn ở khả năng góp phần tạo nên nền văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú của quốc gia. Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành du lịch và khách sạn, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng cao. Do đó, ngành kỹ thuật chế biến món ăn hiện nay đã trở thành nghề học “hot”, thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Theo ThS Trịnh Cao Khải, nghề bếp không chỉ đơn giản là đứng ở trong bếp, nấu một món ăn có hương vị thơm ngon mà còn chú trọng tới tính tương tác, sự chuyên nghiệp tự tin.

“Hiện nay, mô hình bếp mở đang được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Bếp của nhà hàng được đặt ngay trong tầm nhìn của khách hàng. Thay vì ẩn mình ở phía sau cánh cửa nhà bếp, đầu bếp làm việc trực tiếp trước mặt khách hàng. Khách hàng có thể thấy được quá trình chế biến món ăn từng bước một, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến việc thêm gia vị và trình bày món ăn trên đĩa. Điều này tạo ra một trải nghiệm tương tác độc đáo và thú vị cho khách hàng.

Vì thế ngoài chú trọng đào tạo kiến thức từ cơ bản nhất về ẩm thực, cách chế biến món ăn, sinh viên theo học tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội còn được dạy nhiều kỹ năng mềm khác như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,... để có thể đảm nhận được nhiều vị trí việc làm, có mức thu nhập tương xứng sau khi ra trường”, ông Trịnh Cao Khải cho biết.

“Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình đào tạo là rất cần thiết, giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều về định hướng nghề nghiệp sau này. Chúng ta tránh “tô vẽ” bức tranh màu hồng để rồi sinh viên bị “sốc”, chán nản khi tiếp cận thị trường lao động vì thiếu kiến thức và trải nghiệm thực tế”, ông Trịnh Cao Khải nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ