Học nghề bếp, không lo thất nghiệp

GD&TĐ - Nghề bếp trong giai đoạn hiện nay được nhận định là rất cấp thiết do những yêu cầu về phát triển du lịch. 

Học nghề bếp, không lo thất nghiệp

Theo học nghề đầu bếp và nỗ lực không ngừng để có tay nghề vững vàng cộng kinh nghiệm có được trong quá trình làm việc sẽ giúp cho người làm bếp vững vàng và không bao giờ lo thất nghiệp. Công việc mơ ước ở những nhà hàng, khách sạn lớn là khá rộng mở cho những đầu bếp có tay nghề cao và nhiệt huyết với công việc.

Thường xuyên thiếu nhân lực

Đầu bếp chuyên nghiệp là một trong 6 nghề của ngành du lịch có nhu cầu nhân lực cao. Theo Bộ VH, TT&DL, dự báo đến năm 2020, ngành này sẽ cần tới 870.000 lao động, trong đó lao động nghề bếp mỗi năm tăng khoảng 7%. Chỉ tính riêng TPHCM đã có hơn 1.600 nhà hàng, khách sạn, nhiều đơn vị này hiện phải thuê nhiều đầu bếp nước ngoài với chi phí rất cao, do nguồn đầu bếp trong nước vẫn còn đang thiếu hụt.

Số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển thị trường lao động TPHCM cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực nhóm ngành nhà hàng - khách sạn tăng 15%/năm. TPHCM chiếm 8%, khoảng 25.000 người, trong đó nhóm ngành ẩm thực chiếm 5.000 người.

Là một công việc gần gũi hàng ngày, nghề bếp tương đối dễ học, dễ kiếm tiền nhưng không phải ai cũng theo đuổi bền lâu. Theo các chuyên gia về nhân lực thì ngành quản trị bếp và ẩm thực là một nghề hái ra tiền thật sự vì độ “nóng” về nhân lực. Ngành công nghiệp ăn uống luôn mang lại siêu lợi nhuận, thu nhập của bếp trưởng là những con số đáng mơ ước.

Khảo sát sơ bộ chỉ ra rằng, hiện nay thu nhập của nhân viên bếp và đầu bếp thường dao động từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, sau 1 - 2 năm làm việc, thu nhập có thể đạt đến 10 triệu đồng/tháng. Đầu bếp tại các khách sạn, nhà hàng lớn còn đạt mức lương tới vài chục triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ thị trường lao động trong nước, nhiều nhà tuyển dụng cũng đang rất “sốt sắng” tìm kiếm lao động nghề bếp cho các thị trường lao động tại Úc, Nhật… với mức lương có thể lên đến 40.000 USD/năm. Số lượng cần tuyển cũng tới cả trăm nhân sự. Tất nhiên, mức lương bao giờ cũng đi kèm theo những yêu cầu về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ... Chính vì vậy, nhân sự nghề bếp được dự báo sẽ còn tiếp tục thiếu hụt trong tương lai.

Nên bắt đầu từ “phụ bếp”

Dù nhu cầu cao, thu nhập hấp dẫn nhưng thực tế sự “bắt nhịp” giữa nhu cầu và lực lượng lao động nghề đầu bếp vẫn chưa đồng đều. Bằng chứng là hàng năm có hàng nghìn lao động tốt nghiệp nghề đầu bếp từ các trường nghề, cao đẳng ẩm thực… vẫn thất nghiệp.

Tình trạng này được cho là xuất phát từ việc khá dễ dàng trong tìm kiếm việc làm, tuy nhiên đa số nhân sự học nghề đầu bếp ra lại không muốn bắt đầu từ “phụ bếp” mà chỉ mong muốn làm bếp trưởng ngay với mức thu nhập cả chục triệu mỗi tháng trở lên. Đây là nguyên nhân khiến nghề đầu bếp dù có thu nhập cao, nhu cầu lớn song các doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển dụng, về phía doanh nghiệp hầu như không tuyển vị trí đầu bếp mới ra trường, họ cần người có kinh nghiệm, quãng thời gian làm “phụ bếp” chính là kinh nghiệm quý báu mà doanh nghiệp mong muốn.

ThS Nguyễn Quốc Y, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Dạy nghề ẩm thực NetSpace cho biết: Từng là đầu bếp đi nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy rằng nếu muốn hành nghề đầu bếp thì không chỉ phải giỏi tay nghề mà còn phải có những kỹ năng mềm, xử lý tình huống… Vì vậy, sinh viên không chỉ được đào tạo chương trình ẩm thực theo định hướng dạy nghề tiêu chuẩn quốc tế, mà các em còn cần được hướng dẫn những kỹ năng mềm cần thiết thông qua các buổi giao lưu với đầu bếp nổi tiếng, các cuộc tranh tài nấu nướng.

Cũng theo ThS Nguyễn Quốc Y, ẩm thực Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh, được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ từ các món ăn: Phở bò, bánh mì thịt, chả giò... Nhu cầu về kinh doanh và tìm kiếm nguồn nhân lực trong ngành là rất lớn, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Rất nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn tìm kiếm nhân sự để khai thác sự bùng nổ kinh doanh ẩm thực Việt. Đây là cơ hội lớn cho những người yêu thích ẩm thực Việt Nam có thể kinh doanh hay tìm cơ hội việc làm tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Đầu tư phát triển các đầu bếp tài năng cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua ẩm thực. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và khả năng, các đầu bếp và bếp trưởng hoàn toàn có thể tự mở nhà hàng kinh doanh cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.