Giấc mơ của nam sinh xứ Nghệ có mẹ là "fan cứng" Đường lên đỉnh Olympia

GD&TĐ - Nguyễn Đình Duy Anh tự nhận mình lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021 nhờ... may mắn. Nhưng sau vẻ hài hước đó là nỗ lực thi đấu như thể “đó là lần cuối cùng mình được đứng ở S14”.

Nam sinh xứ Nghệ - Nguyễn Đình Duy Anh là 1 trong 4 nhà leo núi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2021
Nam sinh xứ Nghệ - Nguyễn Đình Duy Anh là 1 trong 4 nhà leo núi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2021

Trước trận đấu cuối cùng, nam sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay cơ hội chia cho cả 4 bạn, và tất cả đều xuất sắc. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức, để thực hiện thật đẹp giấc mơ của mình, cũng là của mẹ, và không hối tiếc.

Khóa Facebook cá nhân vì sợ... nổi tiếng

Sau 2 năm, kể từ khi Trần Thế Trung – nam sinh Nghệ An đầu tiên giành vị trí quán quân đầu tiên chương trình Đường lên đỉnh Olympia, cầu truyền hình trực tiếp lần nữa được đưa về quê hương Bác. Và người tiếp bước này là Nguyễn Đình Duy Anh, hiện học lớp chuyên Vật lý 12A3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Là 1 trong 4 thí sinh giành giải Nhất cuộc thi Quý, lọt vào vòng chung kết năm, nhưng tìm kiếm thông tin của Duy Anh trên mạng xã hội lại vô cùng ít ỏi. Điều được xem là lạ lùng với học sinh thế hệ 2000. Nhưng đây lại là chủ ý của cậu học trò chuyên Phan.

Duy Anh cho biết, vòng thi Quý là thử thách khó khăn, khi "lọt qua cửa hẹp" với vị trí là thí sinh Nhì vòng thi Tháng điểm cao nhất.
Duy Anh cho biết, vòng thi Quý là thử thách khó khăn, khi "lọt qua cửa hẹp" với vị trí là thí sinh Nhì vòng thi Tháng điểm cao nhất.

“Ngay sau khi kết thúc trận thi đấu vòng loại quý 4, em đã khóa toàn bộ trang facebook cá nhân của mình vì em muốn dành trọn thời gian để chuẩn bị cho trận chung kết. Em thi quý 4, nên thời gian chuẩn bị sẽ eo hẹp hơn so với các bạn nhất Quý 1, 2, 3. Cũng bởi vậy mà cuộc sống của em suốt 2 tháng qua rất bình thường và không có thay đổi nhiều”, Duy Anh cho biết.

Tuy nhiên, em vẫn duy trì việc liên lạc, trao đổi thông với bạn bè, các thầy cô qua Messenger, Intargram, Zalo và trong các nền tảng học trực tuyến.

Việc không để chế độ công khai trên Facebook để “không nhận lời chúc mừng”, Duy Anh muốn giữ bình tĩnh, với tâm lý thoải mái, bình thường nhất trước trận chung kết.

Nguyễn Đình Duy Anh - HS lớp 12A3 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An giành vòng nguyệt quế Quý 4, lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021.
Nguyễn Đình Duy Anh - HS lớp 12A3 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An giành vòng nguyệt quế Quý 4, lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021.

Nhớ lại hành trình leo Olympia, Nguyễn Đình Duy Anh chia sẻ vòng thi Quý quả thật là thử thách khó khăn đối với mình, khi 3 bạn chơi đều có thành tích nổi bật. Và phần khởi động, em chỉ đạt 50 điểm, thấp nhất trong cả 4 thí sinh. 

“Ở 2 phần thi Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc, em chỉ cứ thế tập trung vào các câu hỏi để trả lời. Đến nỗi không đếm và không nhớ mình đạt bao nhiêu điểm, thậm chí không nhìn cả điểm của 3 bạn cùng chơi. Phải đến phần thi Về đích em mới sực nhớ là mình cần phải tính điểm để chọn gói câu hỏi. Khi nhìn thấy số điểm của mình lúc bấy giờ em rất bất ngờ khi mình bứt lên”, nam sinh nhớ lại.

Nam sinh khóa Facebook trước trận chung kết vì sợ là người nổi tiếng, nhận nhiều lời chúc mừng.
Nam sinh khóa Facebook trước trận chung kết vì sợ là người nổi tiếng, nhận nhiều lời chúc mừng.

Ở phần thi Về đích, Nguyễn Đình Duy Anh tiếp tục duy trì phong độ và vị trí của mình. Tuy nhiên, trước khi công bố người chiến thắng, phần thi phải dừng lại vì có khiếu nại của một thí sinh.

Thí sinh O21 cho biết, đây cũng là luật chơi được BTC đưa ra trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Tức là thí sinh có băn khoăn về câu hỏi, hoặc đáp án, thì có quyền khiếu nại nhưng phải ngay trong thời gian của phần thi đó. Vì thế, dù thời gian phát sóng chỉ gần 1 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian thi thực tế của Quý 4 kéo dài hơn 3 tiếng, từ khoảng 17h đến hơn 20h.

“Dù phần khiếu nại của bạn chơi không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc và bản thân em, nhưng thời gian chờ đợi khiến em cũng bớt hồi hộp hơn. Đến khi nhận vòng nguyệt quế, em không còn quá bất ngờ, nhưng rất vui mừng, sung sướng. Cảm xúc đó kéo dài suốt hơn 1 tuần liền sau đó khi đã trở về”, Duy Anh nhớ lại.

Thành nhà leo núi vì mẹ là “Fan cứng” của Olympia

Nguyễn Đình Duy Anh kể: “Từ khi còn rất bé, em đã biết đến Đường lên đỉnh Olympia do mẹ em là “fan cứng” của chương trình này. Từ mùa đầu tiên vào năm 1999 đến nay, hơn 20 năm qua mẹ em chưa bỏ bất cứ một trận chung kết nào. Các trận vòng loại mẹ em cũng xem đến khoảng 90%. Vì vậy, em đã xem Olympia từ khi mình còn chưa biết chữ”.

Duy Anh quyết tâm quay lại giấc mơ Olympia từ năm lớp 10 và trang bị cho mình kiến thức ở nhiều lĩnh vực
Duy Anh quyết tâm quay lại giấc mơ Olympia từ năm lớp 10 và trang bị cho mình kiến thức ở nhiều lĩnh vực

Đến khi học lớp 4, Duy Anh bắt đầu trả lời được một số câu hỏi của chương trình. Ước mơ được đứng trong trường quay, trở thành nhà leo núi cũng nhen nhóm. Nhưng đến năm lớp 8, thì Duy Anh quyết định bỏ Olympia. Lý do em đặt mục tiêu thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và dành toàn bộ thời gian của mình cho việc ôn thi. Dù chương trình phát sóng vào cuối tuần, nhưng vào khung giờ 13h, mà Duy Anh chọn... đi ngủ trưa vì buổi đêm đã thức quá khuya.

Quyết định quay trở lại giấc mơ Olympia của em chính thức bắt đầu từ khi vào lớp 10, khi đã trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đó là thời điểm Trần Thế Trung vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019.

Nguyễn Đình Duy Anh (áo phông trắng) và các bạn cùng lớp
Nguyễn Đình Duy Anh (áo phông trắng) và các bạn cùng lớp

“Giống như ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong em được thổi bùng lên. Em bắt đầu tập trung ôn luyện để thi Olympia từ đó. Đây không chỉ là mục tiêu của em, mà còn là ước mơ của mẹ - mong con trai một lần được đứng trong trường quay, trở thành thí sinh Olympia”, Duy Anh chia sẻ.

Nhớ lại hành trình đã trải qua, Duy Anh tự nhận mình “gặp nhiều may mắn”. Nhưng cậu học trò xứ Nghệ đã phải rất quyết tâm từ vòng loại ở trường, và giành chiến thắng khi chỉ hơn bạn về Nhì chỉ 5 điểm, chứ không cách biệt quá lớn. Cho đến khi chính thức được chương trình gọi tên. Và mỗi vòng thi, Duy Anh đều tập trung nỗ lực với tâm niệm “đây có thể là lần cuối cùng được đứng ở trường quay S14”.

“Vòng thi tháng cũng rất đáng nhớ, đặc biệt là phần thi về đích bởi bạn Trần Công Minh đã có sự bứt phá ở phần Về đích. Sau đó, em cũng phải chời đợi khá hồi hộp và được vào thi Quý với cơ hội dành cho thí sinh về Nhì cuộc thi tháng cao điểm nhất. Em nghĩ mình đã gặp may mắn”, Duy Anh nói.

Trải nghiệm đáng quý

Trong gian phòng nhỏ ở trên gác của Duy Anh, thứ nhiều nhất chính là sách. Ngoại trừ sách giáo khoa các môn học, còn có nhiều tài liệu ở các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, khoa học, thiên văn học...  Nam sinh trường chuyên Phan cho biết, chuẩn bị cho hành trình leo núi Olympia, em đã ôn luyện rất kỹ.

Ngoài học tập, Duy anh còn đam mê cờ vua, thích nghe nhạc, học đàn.
Ngoài học tập, Duy anh còn đam mê cờ vua, thích nghe nhạc, học đàn.

Trước hết là nhớ toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa vì rất nhiều câu hỏi của chương trình là nằm trong chương trình học phổ thông, nhất là ở các vòng thi Tuần, Tháng. Ngoài ra, còn phải tập phản ứng nhanh, giải nhiều bài toán số học, toán tư duy... Duy Anh cũng đọc và mở rộng thêm hiểu biết từ thông tin trên mạng Internet, xem thời sự để cập nhật tình hình trong nước, thế giới. Bởi nhiều câu hỏi, nhất là phần Vượt chướng ngại vật sẽ có từ khóa liên quan đến sự kiện thời sự.

Chiếm một phần lớn trong gia tài sách của Duy Anh, là của Trần Thế Trung dành tặng cho đàn em khóa sau. Duy Anh cho hay: “Anh Thế Trung là người đã song hành với em ngay từ những ngày đầu và có ảnh hưởng rất lớn đối với em khi đến với cuộc thi này. Anh đã chia sẻ cho em rất nhiều về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu và truyền động lực cho em để em có thể đến với cuộc thi với tâm thế tốt nhất”.

Với Duy Anh, Đường lên đỉnh Olympia là trải nghiệm đáng giá và em không hối tiếc trong hành trình thực hiện giấc mơ của chính mình và của mẹ.
Với Duy Anh, Đường lên đỉnh Olympia là trải nghiệm đáng giá và em không hối tiếc trong hành trình thực hiện giấc mơ của chính mình và của mẹ.

Trước trận chung kết, Duy Anh cho rằng, cả 3 bạn thí sinh còn lại tham gia chung kết đều rất xuất sắc. Việt Thái có bản lĩnh thi đấu, Hoàng Khánh là người có tốc độ trả lời câu hỏi rất nhanh, còn Hải An có nền tảng kiến thức rộng và sâu.

Nam sinh trường Phan tâm sự: “Khi đi đến vòng thi này, em không nghĩ gì cả, tạo cho mình tâm thế thoải mái nhất. Em cũng đã nghĩ đến tất cả tình huống có thể xảy ra, nhưng đến với cuộc thi, em đã trưởng thành hơn, có trải nghiệm đáng giá, có thêm cơ hội lựa chọn cho tương lai. Vì thế, em sẽ cố gắng hết sức để không hối tiếc, để thực hiện ước mơ của mình, của mẹ một cách đẹp nhất. Và để không phụ công thầy cô, gia đình, bạn bè và khán giả Nghệ An”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ