Giấc mơ của cậu bé khiếm thị sống một mình giữa Thủ đô

GD&TĐ - Cha mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tích, đôi mắt mỗi ngày một mờ dần rồi tối hẳn… nhưng, tất cả những thử thách đau đớn đó của cuộc đời vẫn không làm cậu học trò Phùng Văn Minh – trường THPT Trần Nhân Tông gục ngã. Vượt quá số phận khắc nghiệt, cậu bé Minh vẫn vững vàng một mình vừa trọ học vừa làm thêm để mỗi ngày bước gần hơn với ước mơ của mình.

Giấc mơ của cậu bé khiếm thị sống một mình giữa Thủ đô

Khi bóng tối không khép lại cuộc đời

Căn phòng trọ nơi cậu học trò Phùng Văn Minh sinh sống nằm tít trên tầng cao nhất của ngôi nhà cho thuê ở ngõ 108 phố Lò Đúc (Hà Nội). Những bậc cầu thang dẫn lên căn phòng nhỏ chỉ 6 mét vuông cũng nhỏ hẹp và gấp khúc liên tục khiến việc đi lại khó khăn ngay cả với những người bình thường, chứ không nói gì đối với một cậu bé khiếm thị phải dò dẫm mỗi ngày.

Minh cho biết, chỉ sống một mình, nên em chọn căn phòng nhỏ và cao tít này cho bớt chi phí. Vật dụng trong phòng cũng không có gì đáng giá ngoài chiếc máy tính xách tay Minh được tặng và chiếc quạt điện đã cũ đang rè rè chạy, cố xua đi cái nắng nóng gay gắt của ngày hè. Tôi tin rằng bất kỳ một người nào từng đến đây đều không thể hình dung nổi, đó lại là nơi một học sinh khiếm thị sinh sống hàng ngày, không bạn bè, không người thân chăm sóc, không sự hỗ trợ...

Giấc mơ của cậu bé khiếm thị sống một mình giữa Thủ đô - ảnh 1

Chủ nhân của căn phòng trọ là Minh- cậu học trò xuất sắc của trường THPT Trần Nhân Tông (sinh năm 1994). Minh quê ở Ba Vì (Hà Nội), ngay từ khi lọt lòng em đã không được may mắn như những đứa trẻ khác vì một bên mắt không thể nhìn thấy gì. Với 1  mắt sáng, em vẫn vượt qua 3 năm tiểu học, nhưng trớ trêu thay, đó cũng là thời điểm bên mắt còn lại của Minh không hiểu sao cứ mờ dần.

“Dần dần, em không còn nhìn được những gì cô viết trên bảng nữa. Chữ trong vở em cũng phải viết to gấp nhiều lần so với bình thường mới có thể nhìn thấy được. Nhưng, mọi cố gắng cũng cùng cũng thất bại khi đến cuối lớp 3, những nguồn sáng cuối cùng tắt lịm, em không còn nhìn thấy gì nữa và buộc phải nghỉ học” – Minh nhớ lại.

Buồn bã vì phải nghỉ học, cậu bé 9 tuổi chỉ biết tha thẩn ở nhà nghe tiếng lũ bạn ríu rít gọi nhau đến lớp mà tủi thân. Con bệnh tật, gia đình khó khăn, một ngày nọ, mẹ của minh cũng dứt áo ra đi biệt tích không một lời từ biệt. Bố Minh phải gà trống nuôi con, là chỗ dựa tinh thần, là ánh mắt soi đường cho Minh.

Nhưng, số phận nghiệt ngã cứ như trêu đùa với cậu bé khiếm thị hết lần này đến lần khác. Năm Minh 13 tuổi, bố em đột ngột qua đời trong một tai nạn lao động. Mất cha, không còn mẹ, đất trời như sụp đổ trước mắt Minh. Hai anh em Minh côi cút, tật nguyền phải ly tán mỗi đứa một nơi để nhờ người thân cưu mang. Em trai Minh về nhà bác còn Minh ở lại với bà.

Minh cho biết, đó là những tháng ngày đau khổ và tuyệt vọng nhất của em. Nhưng cũng từ những biến cố, đau đớn đó, em càng hiểu ra những giá trị thực sự của sống, biết trân trọng hơn cuộc đời và cô gắng mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

“Em luôn cố gắng rèn cho mình cách chấp nhận những gì mình đang có và suy nghĩ một cách tích cực nhất có thể để vươn lên, khẳng định bản thân” – Minh nói.

Những bước chân không mỏi

Sau 3 năm nghỉ học, may mắn Minh được nhận vào học tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Em phải học chữ nổi mất 1 năm rồi học lại từ lớp 2. Chính vì thế, nên mặc dù sinh năm 1994 nhưng hiện minh phải học cùng lớp với lứa học sinh sinh năm 2.000, kém cậu hẳn... 6 tuổi.

Tuy nhiên, không vì thế mà Minh buồn phiền hay nản chí. Đối với Minh, việc được trở lại trường lớp, được đi học là một sự “hồi sinh” thực sự sau những tháng ngày tăm tối phải vò võ ở nhà. Niềm vui được đi học đã khiến cậu học trò khiếm thị nhanh chóng hòa nhập lại được với trường lớp bằng điềm say mê kỳ lạ. Minh không chỉ học chữ rất tốt, em còn học vẽ, học làm gốm, học xoa bóp bấm huyệt...

Mùa hè cuối lớp 5, Minh bắt đầu đi làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống của mình. Công việc xoa bóp bấp huyệt đã giúp em lần đầu tiên trong đời nhận được những đồng lương ít ỏi nhưng đầy ý nghĩa. Bắt đầu từ năm lớp 8, Minh không còn phải xin tiền từ gia đình nữa mà có thể tự lo cho cuộc sống của mình.

Giấc mơ của cậu bé khiếm thị sống một mình giữa Thủ đô - ảnh 2

Hết cấp 2, Minh quyết định nộp hồ sơ xin học cấp 3 tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Chưa kịp vui vì trúng tuyển vào trường, em lại phải đối mặt với không ít những khó khăn chồng chất khi phải tự đi thuê nhà và phải tự lo cho cuộc sống sinh hoạt cá nhân của mình ở thủ đô.

Khâm phụ nghị lực của cậu học trò khiếm thị, nhiều phụ huynh, thầy cô của trường đã góp tiền hỗ trợ em mỗi năm từ 5  - 7 triệu đồng để Minh lo tiền ăn học. Các bạn cùng trường cũng thường thay nhau đưa đón em đến lớp, về nhà và hỗ trợ em bài vở. Tuy vậy, không dựa dẫm vào sự giúp đỡ của mọi người, Minh vẫn cần mẫn đi làm thêm vào những lúc không phải lên lớp.

 Dù khiếm thị và phải vất vả mưu sinh, Minh vẫn luôn là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt ở lớp. Năm học 2017-2018, em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện với các môn đều trên 8 điểm, là một trong những học sinh tiêu biểu được Sở GD ĐT Hà Nội vinh danh.

Chia sẻ về mơ ước của mình, Minh cho biết em rất mong muốn sau này sẽ xây dựng dược một trung tâm hỗ trợ cộng đồng cho người khuyết tật. “Đó sẽ là nơi người khuyết tật được chăm sóc, dạy nghề, tạo công ăn việc làm và hòa nhập xã hội một các tốt nhất đề không phải là gánh nặng cho gia đình, người thân mà tự mình cũng có thể xây dựng được cuộc sống tốt đẹp cho mình” – Minh nói.

Theo Minh, có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, người khuyết tật có thể làm được nhiều hơn những gì mà xã hội nghĩ. Để thực hiện ước mơ này, Minh đang chuẩn bị làm hồ sơ để xét tuyển vào ngành Công tác xã hội của các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội); ĐH Sư phạm và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Em cho biết, hoàn cảnh của em được xét đặc cách tốt nghiệp và không được dự thi THPT quốc gia như các bạn khác. Tuy nhiên, dù không được cạnh tranh xét tuyển vào các trường ĐH bằng điểm của kỳ thi này nhưng Minh vẫn rất tự tin và đang cố gắng để bước chân vào giảng đường ĐH bằng cách riêng của mình.

“Em sẽ phải mang hồ sơ đến gặp hội đồng tuyển sinh của từng trường để thuyết phục, xin đặc cách tuyển thẳng. Số học sinh khiếm thị như em không nhiều, nhưng số trường nhận học sinh khiếm thị cũng rất hạn chế, vì thế, cuộc cạnh tranh hồ sơ của em cũng sẽ không kém phần quyết liệt” – Minh chia sẻ.

Em cũng cho biết, nguyện vọng lớn nhất của em là trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội để sau này có thể giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn như em nhiều hơn.

Tuy nhiên, em vẫn dự phòng phương án nếu như không vào được ĐH, em sẽ theo học một khóa chuyên sâu về bán hàng online để có một công việc ổn định lo cho cuộc sống của mình, tiếp tục theo đuổi ước mơ.

“Em luôn phải tính đến những tình huống xấu nhất để khi có bất cứ điều gì xảy ra cũng không bị động và sẵn sàng đối diện. Em sẽ cố gắng để đi đến đích mà mình đã vạch ra mặc dù có thể sẽ phải đi đường vòng” – Minh nói.

Theo Ngaynay.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số tang vật chuyên án 324C mà lực lượng cảnh sát ma túy triệt phá.

Triệt phá gần 30.000 vụ án về ma túy

GD&TĐ - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025.

Người dân tất bật ép mía để lấy nước nấu mật. (Ảnh: T.H)

Làng mật mía đỏ lửa nấu vị ngọt cho Tết

GD&TĐ - Có truyền thống hơn 50 năm làm nghề nấu mật mía, thời điểm những tháng giáp Tết, người dân xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh), lại tất bật vào vụ với nhiều niềm vui, hương vị ngọt ngào.