64,3% cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2023-2024, các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và quy định để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia; sử dụng kết quả làm cơ sở cho các hoạt động cải tiến chất lượng, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư nguồn lực (bố trí giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị) và gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn mới.
Tính đến ngày 31/5/2024, có 97,9% cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá; 64,3% cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục; 58,9% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.
Trong đó, có nhiều địa phương đã đạt được kết quả cao trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước năm học 2023 - 2024 tăng hơn so với năm học trước.
Đặc biệt là tỷ lệ trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2022 - 2023 rất thấp nhưng đến năm học 2023 - 2024 đã có sự gia tăng nhanh chóng.
Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng như sự quyết tâm, cố gắng của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia năm học 2023 - 2024 cũng tăng nhanh so với năm học trước; trong đó tăng nhanh nhất là cấp tiểu học (tăng 19,5%) và THCS (tăng 17,1%).
Thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm định
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc triển khai thực hiện đánh giá ngoài đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương.
Một số địa phương tỷ lệ đánh giá ngoài còn thấp như Bắc Kạn, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Tháp, Phú Yên, Thừa Thiên Huế (tỷ lệ đánh giá ngoài trung bình chung cả nước là 64,7%).
Chất lượng của báo cáo tự đánh giá, báo cáo đánh giá ngoài của một số địa phương chưa tốt. Công tác kiểm định chất lượng đối với các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ công cụ dành riêng cho lĩnh vực đánh giá.
Vẫn còn tình trạng triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng mang tính đối phó trong một bộ phận lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục các cấp học, công tác kiểm định và cải tiến chất lượng sau kiểm định chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Đội ngũ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn ít, thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. Cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tự đánh giá tại các đơn vị tập trung nhiều cho việc giảng dạy nên không có nhiều thời gian thực hiện công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng một cách thực chất, hiệu quả.
Việc đầu tư kinh phí cho giáo dục của nhiều địa phương còn hạn chế; một số trường học có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, thiết bị các phòng chức năng, thiết bị hư hỏng chưa được trang bị bổ sung; các trường được thiết kế trước đây không còn phù hợp với quy định mới gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng như chất lượng giáo dục của các nhà trường. Công tác kiểm tra trước, trong và sau kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT thực hiện chưa được thường xuyên.