Năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song các hoạt động kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi động hơn và có nhiều chuyển biến tích cực.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương và sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh; toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành Kế hoạch năm học 2023 - 2024.
Một số bài học kinh nghiệm được Bộ GD&ĐT rút ra từ việc triển khai nhiệm vụ năm học này.
Thứ nhất, công tác xây dựng kế hoạch là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý và là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Do đó, kế hoạch năm học cần được xây dựng một cách linh hoạt, có tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành để tạo khung pháp lý và kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giải đáp các vướng mắc để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Tích cực và chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp, đề xuất những chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với từng địa phương.
Thứ ba, ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có năng lực phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; có chính sách đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng để nhà giáo yên tâm cống hiến, tận tụy với nghề.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho GD-ĐT; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục theo lộ trình, phù hợp với việc cân đối, bố trí các nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kết luận của thanh tra, kiểm tra phải chính xác, khách quan, kiến nghị xử lý phải có tính khả thi; các sai phạm được phát hiện phải xử lý nghiêm, theo quy định pháp luật; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế để phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm, vi phạm.
Thứ sáu, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn là hết sức quan trọng, nhất là khi có sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy và các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Thực tiễn cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục địa phương thì ở đó chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.