Tăng vọt
“Sự tăng vọt trong thời điểm cuối năm khiến nhiều người lo ngại” - Bộ trưởng Di trú Vương quốc Anh, bà Caroline Nokes nói - “Một số nhóm di cư rõ ràng được tổ chức bởi các tổ chức tội phạm, trong khi những nỗ lực khác dường như là cơ hội may rủi”.
Bà Nokes cũng nhấn mạnh những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt khi cố gắng vượt qua một trong những tuyến đường vận chuyển tấp nập nhất thế giới. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh, ông Sajid Javid cũng tuyên bố tình trạng gia tăng người di cư qua eo biển Manche đang là một “vấn đề đáng lo ngại”. Ông đã có một cuộc điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Pháp vào cuối tuần qua để khẳng định Anh và Pháp cần hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề này.
Đối với nhiều người di cư và buôn lậu, giai đoạn giao thời giữa hai năm được xem là khoảng thời gian hấp dẫn nhất để đến Anh. Leonard Doyle, phát ngôn viên của Tổ chức Di trú Quốc tế, cho biết: “Những kẻ buôn người tính toán rằng, vào giai đoạn giao thời giữa 2 năm, việc kiểm soát đường biên có thể kém chặt chẽ hơn các thời điểm khác trong năm”.
Lựa chọn ngày càng hẹp
Thực tế, các lựa chọn của những người di cư hy vọng tìm đường đến Anh đang thu hẹp. Lâu nay, phương thức phổ biến của những người di cư trái phép vào Anh là chui vào những chiếc xe vận tải thường xuyên qua lại eo biển Manche bằng phà; hoặc ẩn mình trong những toa hàng, thậm chí là container hàng hóa được chuyên chở bằng tàu hỏa từ Pháp sang Anh. Nhưng chi phí cho cung đường này ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, nhà chức trách cũng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn các tuyến vận tải, do đó xác suất lọt được vào Anh vô cùng khó khăn.
Nando Sigona, một giáo sư chuyên nghiên cứu về di cư quốc tế tại Đại học Birmingham (Anh quốc) cho biết: “Chính phủ Anh đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc bảo vệ các tuyến đường xe tải để giảm thiểu số lượng người di cư qua đây. Có thể nói, tất cả các tuyến vận tải đều bị phong tỏa, rất tốn kém và mạo hiểm để di cư theo cách này”.
Rất nhiều người di cư đến Anh bị phát giác gần đây, khi được thẩm vấn đã khai rằng đến từ Iran, cho dù thực tế có thể không phải như vậy. Số liệu của chính phủ Anh cho thấy rằng, một khi đến được Anh, người Iran có cơ hội được tị nạn tương đối tốt. Trong số 2.500 đơn xin tị nạn của người Iran trong năm 2017, hơn 1.000 trường hợp đã thành công; trong khi chỉ hơn 200 đơn xin tị nạn của người Iraq trong tổng số 2.300 đơn đăng ký cùng kỳ được chấp thuận.
Những khó khăn về đời sống kinh tế, đối lập chính trị ở Iran, tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến tình hình kinh tế đi xuống, thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, đã thôi thúc những con người này tìm cách rời khỏi đất nước, bất chấp mọi hiểm nguy để mong tới được “vùng đất hứa”.
Brexit cùng góp phần
Các chuyên gia cho biết, lượng người di cư trái phép vào Anh tăng vọt thời gian gần đây, một phần cũng do những lo ngại về Brexit. Những kẻ môi giới di cư đã tận dụng việc Anh sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 29/3 và tương lai không chắc chắn của nước Anh thời “hậu Brexit” để tìm ra một con đường “làm ăn”. Họ thuyết phục những người có nhu cầu di cư rằng giai đoạn giao thời này sẽ có vô vàn kẽ hở từ cơ quan chức năng, tạo ra cơ hội di cư thuận tiện hơn bao giờ hết..
Thêm vào đó, sự quyết liệt của các nước châu Âu trong ngăn chặn dòng người di cư những năm gần đây cũng khiến người di cư tìm kiếm cơ may trên eo biển Manche, bởi ít nhất ở Anh, khi bị bắt thì người di cư vẫn được đối đãi tử tế và chỉ bị trả về nơi họ rời đi gần nhất, thay vì bị tống cổ ngay về quê hương.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Ý, đã đóng cửa các biên cảng vốn được sử dụng để tiếp nhận người di cư. Khi số lượng người di cư qua eo biển Manche tăng lên, rất có thể sẽ tạo thành một tuyến đường di cư mới, với ngày càng nhiều nỗ lực mạo hiểm hơn nữa, bất chấp mọi hiểm nguy của những người đang cố gắng trong tuyệt vọng để tìm kiếm cuộc sống mới.