Nước Anh hậu Brexit: Thăng hoa hay bế tắc?

GD&TĐ - Vương quốc Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3/2019. Việc rút khỏi khối mà không có thỏa thuận hợp lý đẩy Anh đến tình trạng hỗn loạn. Ngược lại, nếu Anh đạt được một thỏa thuận hài hòa với châu Âu, chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Năm 2019, Anh đang đứng trước một lựa chọn rõ ràng: Suy thoái hay giải thoát.

Viễn cảnh đối với kinh tế nước Anh sau khi rời EU vẫn là dấu hỏi lớn
Viễn cảnh đối với kinh tế nước Anh sau khi rời EU vẫn là dấu hỏi lớn

Khó đoán định

Thủ tướng Theresa May đã đàm phán một thỏa thuận chia tay với EU, nhưng bà đang phải đối mặt với sự phân chia rõ rệt trong quốc hội. Các nhà lập pháp Vương quốc Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận vào tháng tới. Các nhà kinh tế của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) do Arend Kapteyn dẫn đầu cho biết khó mà nói chắc về tương lai của nền kinh tế Anh sau Brexit. Sự gián đoạn thương mại do những rắc rối từ Brexit gây ra sẽ “đẩy nước Anh vào suy thoái”, họ cảnh báo. Một thỏa thuận sẽ trì hoãn các quyết định khó khăn và mang lại sự chắc chắn cho doanh nghiệp.

Việc đột ngột rời khỏi EU mà không có thỏa thuận tại chỗ sẽ gây ra thảm họa cho các công ty tại Vương quốc Anh. Họ sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại mới và môi trường pháp lý không chắc chắn. Các nhóm vận động hành lang kinh doanh đã cảnh báo rằng, nhiều công ty không chuẩn bị để đối phó với hoàn cảnh của một Brexit hỗn loạn.

“Vương quốc Anh sẽ chỉ có thời gian để thiết lập lại những gì quan trọng nhất trong số hàng trăm hiệp ước thương mại và pháp lý quốc tế mà nước này đang tham gia thông qua tư cách thành viên EU” - Andrew Goodwin, Phó Giám đốc tại Oxford Econom nói. Như vậy, sẽ còn rất nhiều thỏa thuận khác bị bỏ qua, hoặc chưa được xem xét để điều chỉnh một cách hợp lý. Các nghiên cứu của chính phủ dự đoán sau 15 năm của Brexit, nền kinh tế Anh sẽ thu hẹp hơn 7,7% so với khi nó mắc kẹt với các thỏa thuận giao dịch hiện tại. Thiệt hại sẽ còn lớn hơn nếu lượng người nhập cư từ Liên minh châu Âu vào Anh giảm xuống.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, những thiệt hại sẽ xuất hiện nhanh chóng. Công ty nghiên cứu Capital econom dự báo rằng, một Brexit rối loạn sẽ khiến nền kinh tế giảm 0,2% trong năm 2019; đồng bảng có thể sẽ giảm mạnh xuống còn 1,12 USD, từ mức hiện tại là 1,26 USD. Theo Tạp chí Kinh tế Oxford, nền kinh tế sẽ giảm hơn 2,1% vào cuối năm 2020 so với kịch bản của thỏa thuận đã được hoàn tất.

Chờ đợi và hy vọng

Trong khi nền kinh tế Anh sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tất cả các kịch bản Brexit do chính phủ nghiên cứu, việc đồng ý một thỏa thuận sẽ mang lại sự chắc chắn cho các công ty đã phải trải qua hai năm qua trong sự mù mờ về các điều khoản thương mại trong tương lai với EU. Các nhóm kinh doanh đã thúc giục các nhà lập pháp Vương quốc Anh phê duyệt thỏa thuận của bà May.

Sự không chắc chắn đã góp phần làm suy giảm đáng kể nền kinh tế Anh trong nửa cuối năm nay. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh cũng đã bị ảnh hưởng.

“Trong khi rủi ro dài hạn đối với tăng trưởng tiềm năng của Anh từ Brexit là rất lớn, thì triển vọng của một thỏa thuận thể hiện tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Anh trong trung hạn”, Kallum Pickering, một nhà kinh tế cấp cao tại Berenberg nói. Theo ông Pickering, các công ty từng gặp rủi ro cao nhất, như các nhà sản xuất ô tô, sẽ thấy những lợi ích lớn nhất từ một thỏa thuận. Tiền lương cũng sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn.

Không chỉ thế, việc nước Anh sẽ rời khỏi EU theo các điều khoản thỏa thuận của bà May, hoặc chia tay mà không thỏa thuận gì, không phải là những lựa chọn duy nhất. Có hai kịch bản nữa sẽ khiến nền kinh tế Anh trở nên tốt hơn so với một Brexit hỗn loạn: Trì hoãn quá trình Brexit, hoặc hoàn toàn xóa bỏ quá trình này. Tất nhiên, khả năng cuối cùng gần như là điều không khả thi, dù là mong manh, nhưng chắc chắn không ít người dân nước Anh vẫn đang ấp ủ niềm hy vọng đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ