(GD&TĐ) - Sáng nay (8/4), Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo sở, ban, ngành, các cơ sở GD&ĐT về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Đến nay, tỉnh có 238 trường MN, 260 trường TH, 230 trường THCS, 41 trường THPT; 15 TTGDTX, 189 TTHTCĐ; 01 trường Cao đẳng, 03 trường trung cấp nghề. Mạng lưới trường, lớp bậc MN và PT đảm bảo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được hơn 1000 phòng học mới, cơ bản xóa được các lớp học “ca ba” và các loại phòng học tạm thời bằng tranh tre nứa lá.
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GD&ĐT với tỉnh Gia Lai |
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Thạch cho biết: Khoảng cách về chất lượng GD&ĐT tạo giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước đã được rút ngắn. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, đến nay, toàn tỉnh có 52 trường đạt chuẩn. Gia Lai cũng đã thành lập được 14 trường PTDTBT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở chuyển đổi từ trường TH và THCS. Công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số tiếp tục được chú trọng. Hiện tỉnh đã có 97 trường tổ chức dạy tiếng Jrai và tiếng Bahnar với 10.093 học sinh được học. Triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với việc tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả GV Tiếng Anh TH, THCS và THPT.
Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Việc triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp được chú trọng. Thực hiện việc liên thông, liên kết đào tạo các ngành để học sinh có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên nhưng sự nghiệp GD&ĐT và dạy nghề của tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm: Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia còn ít. Nhiều trường phổ thông cơ sở còn phải ghép chung các bậc học. Số trường học thiếu sân chơi, bãi tập, phòng thư viện, thí nghiệm, phòng học bộ môn vẫn còn nhiều. Phân cấp quản lý chưa đồng nhất nên việc quản lý chỉ đạo chuyên môn theo ngành dọc không phù hợp và có nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng GDTX; Đội ngũ làm công tác GDTX tại các trung tâm chưa được bố trí đủ về số lượng, chất lượng. Cơ sở vật chất của một số Trung tâm GDTX vừa mới thành lập chưa được ổn định. Năm học 2011-2012, trên địa bàn tỉnh còn 15 xã chưa có trường MN, 53 trường liên cấp học (trong đó có 5 trường TH ghép MN, 1 trường liên cấp II &III, 47 trường TH ghép với THCS) và 564 phòng học còn mượn tạm (trụ sở thôn, trụ sở cơ quan) ở 10 huyện, thị xã.
Quy mô và chất lượng học sinh dân tộc tăng đáng kể |
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thế Dũng có ý kiến: Gia lai có diện tích rộng, dân số đông, hệ thống hạ tầng cơ sở còn yếu kém. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao (trên 24%), toàn tỉnh có 61 xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 45,5% tổng dân số, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ trung ương nên hệ thống CSVC của ngành GD&ĐT đã được phát triển đáng kể. Tuy có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư cho ngành GD&ĐT nhưng thiếu nguồn kinh phí để triển khai xây dựng. Tỉnh Gia Lai có tỉ lệ học sinh DTTS rất đông (26.451 HS bậc MN, 118.377 HS bậc PT). Vấn đề nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho HS DTTS ở bậc học MN hết sức quan trọng. Bởi vậy, ngành GD&ĐT cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa trong thời gian đến.
Ông Phùng Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị: Chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012, địa phương đã hoàn thành nhiều công trình và đưa vào sử dụng nhưng chưa có nguồn kinh phí để chi trả cho đơn vị thi công. Hiện tỉnh còn nợ các nhà thầu hơn 30 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chia sẻ những khó khăn mà chính quyền, ngành GD&ĐT đang phải đối mặt; đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của lạnh đạo UBND tỉnh Gia Lai. Theo đó, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã giải đáp một số vấn đề được lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT&DL, các trường phản ánh liên quan đến các nội dung như: Những vần đề khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HS-SV và chính sách hỗ trợ cho con em người có công. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế tại địa phương. Xúc tiến việc nâng cập Trường trung cấp Y tế, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Gia Lai, đầu tư xây dựng Phân hiệu ĐH Nông lân TP.HCM tại Gia Lai.
Đánh giá về tình hình phát triển GD&ĐT của tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Đối với vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng trong thời gian qua Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện nhiều đề án nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, ngành GD&ĐT địa phương đã đạt nhiều bước phát mới. Quy mô học sinh, sinh viên dân tộc tăng đáng kể. Vấn đề duy trì sỉ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học đã tạm thời giải quyết tốt. Chất lượng GD&ĐT đã ổn định, tỉ lệ học sinh giỏi tăng đáng kể, đặc biệt tỉ lệ học sinh giỏi DTTS có nhiều chuyển biến rõ nét.
Bộ trưởng lưu ý về việc phát triển GD&ĐT, địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tế để có hướng giải quyết hiệu quả. Triển khai thực hiện đề án dạy ngoại ngữ phải từng bước, vững chắc; căn cứ trên cơ sở các điều kiện như: đáp ứng đủ phòng lớp dạy học 2 buổi/ngày, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, ngành GD&ĐT cần phối hợp với lãnh đạo chính quyền quyết liệt ngăn chăn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử.
Phan Thắng