Già hóa dân số - cơ hội song hành cùng thách thức

Già hóa dân số - cơ hội song hành cùng thách thức

(GD&TĐ) - Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003 – 2013), tỷ lệ tăng dân số nước ta giảm nhanh chóng, song hành với mức sinh thấp và ổn định. Thế nhưng, từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn Già hoá dân số, đồng thời với giai đoạn dân số vàng vừa được mở ra. Tình trạng dân số già hoá là bài toán đầy thách thức không chỉ ở nước ta, nhưng lại cũng có không ít cơ hội nếu tận dụng tốt…

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Có nhiều thách thức đối với vấn đề già hoá dân số cần được giải quyết, trong đó có vấn đề thu nhập không được bảo đảm, an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực hạn chế của hệ thống y tế trong việc giải quyết một loạt các vấn đề vẫn đang tồn tại mà người cao tuổi phải đối mặt; những vấn đề nhân sự trong việc đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là chăm sóc lâu dài và việc mang lại một môi trường thân thiện với người cao tuổi để khuyến khích sự tham gia tích cực của người cao tuổi vì một xã hội tốt đẹp hơn. 

Theo số liệu Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011, có 39% số người cao tuổi hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết người cao tuổi đang tự tạo công ăn việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Có 17,2% người cao tuổi thuộc diện nghèo. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với nam giới. Đó chính là những thách thức không nhỏ trong thực hiện an sinh xã hội hiện nay ở nước ta.

Tuy vậy, ở một góc độ khác, già hoá dân số cũng mang lại nhiều cơ hội. Người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Cho dù người cao tuổi chủ hỗ trợ hay tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, họ vẫn có những đóng góp to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm và bài học của các quốc gia cho thấy, cần có những chính sách và chiến lược thực tế, được xây dựng và thực hiện nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ xã hội cụ thể của người cao tuổi, bao gồm cả chăm sóc y tế.

Chăm sóc người cao tuổi là một trong những chính sách quan trọng mà Chính phủ đã nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ Hiến pháp năm 1946, chăm sóc người cao tuổi đã là một phần quan trọng của các chương trình và chính sách kinh tế - xã hội. Sau khi Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020 được phê duyệt vào năm 2012, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi đã được đưa vào các chính sách và chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vì nhóm dân số cao tuổi tiếp tục tăng lên nên Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp để bảo đảm các vấn đề và nhu cầu của người cao tuổi được đưa vào các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những vấn đề hiện đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia già hoá nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, với những kinh nghiệm giải quyết hợp lý, đã rút ra bài học quý báu cho Việt Nam khi chuẩn bị các chiến lược, chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hoá dân số. Cái cần của chúng hiện nay, đồng thời cũng là cái đang thiếu trong đối phó với tình trạng già hoá dân số, là lập kế hoạch để có thể biến các thách thức thành cơ hội, giúp người cao tuổi sống khỏe, sống hạnh phúc và thúc đẩy họ tham gia các hoạt động xã hội, từ đó xã hội có thể được hưởng lợi từ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi.

Già hoá là một quá trình diễn biến tự nhiên, quá trình này không chỉ bắt đầu từ khi con người bước vào tuổi 60. Thế hệ thanh niên của ngày hôm nay sẽ là một phần trong tổng số hai tỷ người cao tuổi toàn nhân loại vào năm 2050. Chính vì vậy, cần thiết phải đầu tư vào sức khỏe, giáo dục và công ăn việc làm phù hợp cho thanh niên. Khi mà chúng ta làm được điều này, sẽ giải quyết được những nhu cầu của các thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Một thế giới tốt đẹp hơn cho những người trẻ tuổi ngày hôm nay sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn cho người cao tuổi sau vài chục năm nữa.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ