GDĐH VN lọt bảng xếp hạng thế giới: Thành quả từ nội lực đến cơ chế chính sách

GD&TĐ - Theo kết quả bảng xếp hạng của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, với sự góp mặt của 8 ngành.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trải nghiệm thực tế tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trải nghiệm thực tế tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Kết quả này, tiếp tục đánh dấu bước phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Đây không chỉ là yếu tố nội lực, mà còn cho thấy cơ chế, chính sách đã tạo động lực mới cho các trường bứt phá.

Những “điểm +”

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng các ngành của QS, đứng thứ 101 - 150 ngành Kỹ thuật - Dầu khí. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện trong lĩnh vực này, cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam khi tham gia bảng xếp hạng các ngành của thế giới. Thầy Hiệu trưởng - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: Nhà trường đã tăng cường đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học. Đơn cử, năm 2020, nhà trường đầu tư 12 phòng thí nghiệm, với số tiền hơn 200 tỉ đồng. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Riêng năm học 2019 - 2020, số bài báo ISI cán mốc 110 bài. 

“Chúng tôi chú trọng đào tạo gắn với thực tiễn, nên sinh viên ra trường có thể “xắn tay” vào làm việc ngay. Đồng thời chú trọng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Hiện có 14 chương trình đạo tạo chuẩn quốc tế AUN-QA. 85% sinh viên tốt nghiệp, dù chưa nhận bằng nhưng đã có việc làm. Chất lượng đào tạo của nhà trường được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao” - PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ, đồng thời cho biết: Đây chính là những “điểm +” để Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được ghi danh, góp mặt trong bảng xếp hạng QS.

Cũng theo PGS Đỗ Văn Dũng, việc nhà trường được xếp hạng vào tốp thế giới, sẽ mở ra nhiều cơ hội để thu hút người tài về giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế; trong đó có liên kết đào tạo và thu hút sinh viên giỏi (cả trong nước và quốc tế) tham gia học tập tại trường. Hiện trường có khoảng 250 tiến sĩ, trong đó có khoảng 70 người tốt nghiệp từ các nước có sử dụng tiếng Anh. “Con số này sự kiến sẽ tiếp tục tăng lên” – PGS Đỗ Văn Dũng nói và khẳng định: Ngoài yếu tố nội lực, cơ chế tự chủ đã giúp nhà trường có được những đột phá trong chiến lược phát triển, bứt phá trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần tạo nên những thành quả như ngày hôm nay.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong ngày hội hướng nghiệp năm 2020.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong ngày hội hướng nghiệp năm 2020.

Động lực mới từ tự chủ

Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Văn Yêm - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Luật sửa, đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học” đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Đây là cơ hội để nhà trường đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa hoc và phục vụ cộng đồng. 

Theo GS.TS Vũ Văn Yêm, muốn có tên trong danh sách bảng xếp hạng thế giới, việc đầu tiên các trường phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng  chất lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (không nên chạy theo số lượng); đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, các trường phải tăng cường hợp tác quốc tế. 

“Việc tham gia xếp hạng không phải để làm thương hiệu, mà giúp các trường có cách nhìn đa chiều về mục tiêu, định hướng; đồng thời cũng là cơ sở để đối sánh với các trường trong nước, cũng như trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, có định hướng phát triển, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hội nhập quốc tế. Đây cũng là kênh thông tin để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, thông qua xếp hạng, các trường còn nhìn nhận, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó có định hướng hội nhập quốc tế” – GS.TS Vũ Văn Yêm trao đổi, đồng thời đề xuất: Về lâu dài, cần có bảng xếp hạng các trường đại học trong nước. Một số nước như: Mỹ, Nhật Bản cũng có bảng xếp hạng nội địa. Nhưng lưu ý, tổ chức đứng ra xếp hạng cần phải độc lập.

Theo GS.TS.Viện sĩ Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng vào nhóm trường tốt nhất trên thế giới, sẽ góp phần quan trọng để thu hút và giữ chân người tài (cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và người học). “Tôi tin, các trường ĐH của Việt Nam sẽ có đủ điều kiện để đào tạo tốt nhất cho sinh viên trong nước và quốc tế” – GS.TS Đào Trọng Thi bày tỏ.

Cho rằng, thành tích của các cơ sở giáo dục đại học được dệt nên từ nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh đến yếu tố nội lực của các trường. Chính những nỗ lực từ nội tại, sự sáng tạo, quyết tâm của từng cá nhân trong nhà trường đã giúp họ có “trái ngọt”. Rõ ràng, đó là quá trình nỗ lực, phấn đấu dài hơi của các cơ sở giáo dục đại học, chứ không thể “một sớm, một chiều”.

Không thể phủ nhận, cơ chế tự chủ đại học đã tạo ra những động lực mới để các trường bứt phá; thậm chí tự chủ đại học có những đóng góp đặc biệt vào kết quả xếp hạng của các trường. - GS.TS Đào Trọng Thi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.