Tin vui nối tiếp
Việc xếp hạng các đại học xanh và phát triển bền vững nhất thế giới được Tổ chức xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings (UI GreenMetric) công bố với danh sách 719 trường năm 2018. Trong đó, hai đại diện của Việt Nam nằm trong top 300 gồm: Tôn Đức Thắng hạng 182 (tổng điểm xếp hạng 5.675), Trà Vinh hạng 256 (tổng điểm 5.275).
Đây là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín trong việc đánh giá, đo lường những nỗ lực phát triển bền vững tại các trường đại học trên thế giới theo những yếu tố: Tỷ lệ không gian xanh trong khuôn viên đào tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, nguồn nước, giao thông và giáo dục.
Mới đây, ngày 11/9, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới (World University Rankings 2020) tại Hội nghị Thượng đỉnh về học thuật tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ). Lần đầu tiên ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801 - 1.000 thế giới và ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong nhóm 1000+.
Trong đó, ĐHQG Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở GDĐH của Việt Nam. ĐHQG TP Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp. Còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất. Được biết năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng.
Và cũng lại trong năm 2019 này, ĐHQG TP Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới. Bảng xếp hạng này được Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh) thực hiện, nhằm cung cấp thông tin chi tiết hơn về mối quan hệ giữa đại học với doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, tin vui đang nối tiếp tin vui, GDĐH Việt Nam đang ngày càng khẳng định về uy tín và chất lượng toàn diện từ hiệu quả đào tạo đến hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Các trường đại học đang đáp ứng hiệu quả nguồn nhân lực trước nhu cầu của xã hội |
Nỗ lực đổi thay
Hiện nay, trên thế giới có 3 bảng xếp hạng được xem có uy tín, gồm ARWU (Academic Ranking of World Universities - Trung Quốc), THE (Times Higher Education - Anh), QS (Quacquarelli Symonds - Anh). Như vậy là GDĐH Việt Nam đã có mặt trên cả 3 bảng xếp hạng trên. Với THE năm nay, trên toàn thế giới chỉ có 77 quốc gia có trường đại học trong top 1.000.
Chỉ riêng Việt Nam đã góp 2 đại diện như đã nêu trên. Có thể nói, đó là tin vui đặc biệt với GDĐH không chỉ trong lĩnh vực đào tạo, học thuật và nghiên cứu mà còn về phương diện quốc gia. Và điều đó cho thấy hệ thống GDĐH Việt Nam đã được nâng tầm đáng kể. Hiện tại, Việt Nam đang được xếp hạng vào khoảng 68/196 các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ghi nhận đầu tiên phải nói đến là nỗ lực đổi thay từ trong chính các nhà trường. Như Trường Đại học Trà Vinh, chỉ là một trường địa phương thuộc tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn với định hướng phát triển bền vững cùng quản trị hiệu quả, trường đại học này đã tạo dựng uy tín và thương hiệu mạnh.
Nhiều người nói vui rằng người ta biết đến tỉnh Trà Vinh nhờ có Trường Đại học Trà Vinh. Có lẽ đây cũng là điều mà Tổ chức xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings (UI GreenMetric) xếp hạng các trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới. Kết quả công bố tháng 12/2018, trong tổng số 719 trường được bình chọn, Việt Nam có 2 trường.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, những số liệu về xếp hạng đánh giá của các tổ chức xếp hạng trên thế giới đều hết sức khách quan. GDĐH Việt Nam đang khẳng định những giá trị hiệu quả, bền vững. Có thể thấy năng suất và chất lượng các hoạt động nghiên cứu ngày càng tăng, các nhà khoa học trong nước đã chia sẻ nhiều hơn những công trình khoa học được các nhà khoa học và các trường đại học nước ngoài đánh giá cao.
Thêm nữa, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của nhiều trường đã hướng đến thực tiễn nhiều hơn. Như đại học tham gia hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động chuyển giao tri thức (tư vấn chính sách, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo). Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng cao, một nỗ lực âm thầm và bền bỉ trong các trường đã và đang làm đổi thay diện mạo GDĐH hướng đến chất lượng ngày càng cao.