GD-ĐT Trung du miền núi phía Bắc đang đối mặt với nhiều khó khăn

GD-ĐT Trung du miền núi phía Bắc đang đối mặt với nhiều khó khăn

(GD&TĐ)- So với 5 năm trước đây, GD-ĐT của vùng Trung du miền núi phía Bắc đã có bước chuyển rõ rệt cả về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Tuy nhiên so với cả nước do xuất phát điểm thấp nên đây vẫn là vùng trũng về GD-ĐT. Một trong những yêu cầu cấp bách trước mắt là đầu tư cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, trang bị nhà ở công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, xa, đầu tư trang thiết bị dạy học… cùng những điều kiện quan trọng khác để nâng cao chất lượng GD-ĐT vùng theo kịp với các vùng khác.

Cao Bằng: 42 xã trắng trường học MN

Một tỉnh khá điển hình của vùng về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, Cao Bằng còn là một tỉnh còn nghèo, kết cấu hạ tầng chưa phát triển. Từ năm 2006 đến nay, ở bậc học mầm non (MN), tỉnh Cao Bằng đã và đang nỗ lực từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (CSVC), kiên cố hóa phòng học nhưng tình trạng lớp học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm còn nhiều.

DSC_0234.jpg
Điều kiện học hành hết sức tạm bợ, thiếu thốn tại huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh, gdtd.vn

Toàn tỉnh hiện còn 42 xã trắng trường học MN, 35 xã đã thành lập được trường MN nhưng chưa có CSVC, lớp học kiên cố. Ở các xã vùng khó khăn trẻ em MN vẫn phải học trong các lớp học nhờ, mượn của bậc học phổ thông. Tại các điểm trường lẻ ở thôn, bản, tình trạng trẻ học trong các phòng học tạm bợ làm từ vật liệu sẵn có trong vùng: tranh tre, lứa và cọc gỗ còn khá phổ biến.

Hiện trạng CSVC trường, lớp học ở bậc học phổ thông của tỉnh có khá hơn nhưng vẫn còn yếu kém; trong đó CSVC của tiểu học là thiếu thốn hơn cả. Hiện ở bậc học trên toàn tỉnh chỉ có 46% phòng học được kiên cố, 43% là phòng bán kiên cố, còn lại trên 10% là phòng học tạm và nhờ, mượn.

Hiện nay quy mô mạng lưới trường lớp đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Giáo dục dân tộc được trú trọng bằng việc xây dựng hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT từ huyện đến tỉnh; đảm bảo huy động cao nhất tỉ lệ học sinh là con em các dân tộc trong độ tuổi đến trường.

Tuy nhiên để đưa chất lượng giáo dục nơi đây phát triển, Cao Bằng còn gặp nhiều trở ngại, trong đó CSVC trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên là trở ngại lớn nhất. Toàn tỉnh hiện còn 1.021 phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm cần được đầu tư và 1.084 nhà ở công vụ cho giáo viên chưa được xây dựng. Số phòng này nằm trong danh mục đã được phê duyệt của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 nhưng chưa được xây dựng do hết vốn.

Bên cạnh đó là 900 phòng ở bán trú cho học sinh và 500 nhà học tạm bợ của MN bức thiết được xây dựng để học sinh có chỗ ăn ở, học tập. Đấy là nhu cầu đầu tư thiết yếu nhất chưa tính đến các công trình khác thì nhu cầu vốn đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Rõ ràng là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra hàng năm thì ngân sách địa phương này khó có thể kham nổi số vốn trên nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương. 

Bức tranh chung không đồng đều

Cho đến nay, giáo dục vùng trung du miền núi phía Bắc đã đạt được những mục tiêu lớn đề ra: nếu năm 2010, toàn vùng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi mẫu giáo đạt 85-90%, tiểu học đạt 97-99%, THCS  đạt 85-90%, trung học phổ thông đạt 45-50%. Đồng thời củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. 

Cô và trò trường Tiểu học xã Hua La- TP Sơn La vẫn phải học tập trong những phòng học tạm. Ảnh, gdtd.vn
Cô và trò trường Tiểu học xã Hua La- TP Sơn La vẫn phải học tập trong những phòng học tạm. Ảnh, gdtd.vn

Tuy nhiên, ở đây đang có sự phát triển không đồng đều thể hiện ở sự chênh lệch giữa công tác xây dựng trường chuẩn và tình trạng yếu kém CSVC trên toàn vùng; Công tác xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia của vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tính đến nay toàn vùng có 627 trường MN đạt chuẩn quốc gia tăng 5,6 lần so với 5 năm trước đây. Số trường chuẩn chiếm 21,7% tổng số trường trong vùng, cao hơn số bình quân cả nước là 20%. Trong khi số trường chuẩn đạt cao thì toàn vùng vẫn còn trên 10% số xã chưa có trường MN độc lập mà chỉ có lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học hoặc có lớp mẫu giáo độc lập nhưng CSVC còn tạm bợ, số phòng học tạm, học nhờ vẫn còn nhiều. 

Một điều đáng chú ý khác nữa là trong số 14 tỉnh của vùng thì các tỉnh có tỷ lệ trường MN đạt chuẩn quốc gia cao (trên 50%) như: Bắc Giang, Thái Nguyên lại chưa hoàn thành phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi. Trong khi đó 2 tỉnh khác là Hòa Bình và Phú Thọ lại sớm hoàn thành cập MN cho trẻ 5 tuổi, tính đến cuối năm 2012. Trong khi bậc học MN có tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia nhỉnh hơn mức bình quân chung cả nước thì ở bậc học phổ thông, tỉ lệ này lại thấp hơn ở cả 3 cấp học. Toàn vùng có 36,5% trường TH,  18,4% trường THCS và 14,2% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bình quân chung cả nước lần lượt là 46,7- 25,7 và 14,3%.

Cần sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương

Theo đánh giá của các nhà quản lý giáo dục có tâm huyết nơi đây thì để GD-ĐT các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thoát khỏi “vùng trũng”, yêu cầu cấp bách trước mắt là đầu tư cải tạo CSVC trường, lớp học, trang bị nhà ở công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, xa. Đây là những nhu cầu đầu tư CSVC thiết yếu nhất để học sinh có phòng học đủ ấm vào mùa đông, thoáng mát về mùa hè, học sinh ở xa trường có nhà bán trú, giáo viên có xa nhà có nhà công vụ để ở yên tâm bám trường, bám lớp. 

Tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, do thiếu nhà bán trú, học sinh bán trú ở tạm quanh trường trong những lán tạm do phụ huynh dựng bằng tre, nứa. Ảnh, gdtd.vn
Tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, do thiếu nhà bán trú, học sinh bán trú ở tạm quanh trường trong những lán tạm do phụ huynh dựng bằng tre, nứa. Ảnh, gdtd.vn

Trên thực tế, mạng lưới trường, lớp học bậc học MN toàn vùng chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến trường. Toàn vùng còn thiếu 7.271 phòng học, còn 5.585 phòng học tạm, 5.852 phòng học nhờ, mượn; tỷ lệ trường MN có sân chơi, nhà bếp đạt tiêu chuẩn qui định thấp (dưới 50%). Để thực hiện chương trình giáo dục MN mới và thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, vấn đề đầu tư đáp ứng yêu cầu về CSVC trường MN là thách thức đối với các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trong khi đó, bức tranh tổng thể về nhu cầu cải tạo, thay thế các phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm và nhu cầu bức thiết về nhà ở công vụ cho giáo viên trong vùng còn rất lớn. Toàn vùng còn tồn tại khoảng trên 15.400 phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm cần được kiên cố hóa và trên 15.750 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên cần được xây mới. Bên cạnh đó ở các trường PTDTNT vẫn còn khó khăn về CSVC để tổ chức các hoạt động học tập và sinh hoạt cho học sinh; các trường PTDTBT còn thiếu nhiều phòng ở, nhà bếp, công trình vệ sinh, nước sạch cho học sinh.

Trung du và miền núi phía Bắc gồm những tỉnh còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là 6 tỉnh Tây Bắc. Ở nhiều nơi trong vùng, hàng năm Nhà nước vẫn phải cấp gạo cứu đói cho người dân trong nhiều tháng giáp hạt. Chính vì vậy để đáp ứng vốn cho nhu cầu cải tạo, kiên cố hóa trường học, xây nhà ở công vụ cho giáo viên trên đây, ngân sách các địa phương này không thể kham nổi nếu không có sự trợ giúp sớm từ ngân sách trung ương.

GD-ĐT các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đang cần có những chính sách đặc thù, quan tâm đầu tư từ ngân sách, của toàn xã hội để giải quyết những khó khăn trên đây. Ngày nào còn chưa giải quyết được thì vẫn còn có hàng ngàn giáo viên không có nhà ở để bám trường, bám lớp, vẫn phải ở trọ nhà dân; hàng vạn học sinh phải học trong phòng học tạm dột nát, hoặc ở trong những lều lán dựng quanh trường để học văn hóa.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ