Hiện tại, Dung đang công tác tại Công ty Điện lực Thanh Hóa với chức danh kỹ sư Quản lý năng lượng.
Chọn màu áo cam
Lê Thùy Dung sinh năm 1998, cô sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống công tác tại ngành điện. Từ nhỏ, Dung đã được tiếp xúc với các cô chú công nhân viên trong ngành điện, thấu hiểu nỗi vất vả, hi sinh “thầm lặng” vì mục tiêu mang ánh sáng đến với cộng đồng của họ. Bản thân Dung cũng thích màu áo cam của ngành và định hướng ngay từ đầu sẽ chọn trường Đại học Điện lực.
Để có thể đạt được ước mơ của mình, ngay từ khi vào lớp 10, Thùy Dung đã nỗ lực học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, thời gian hai năm lớp 10, lớp 11 học lực của Dung chỉ đạt khá. Không nản chí, Thùy Dung càng chăm chỉ nỗ lực học tập hơn, sang đến năm cuối cấp, kết quả học lực cuối năm của em đã đạt loạt giỏi.
“Với em, được thỏa mãn ước mơ trở thành một kỹ sư điện, được góp sức mình làm những việc có ích cho xã hội thì bất cứ nơi đâu, đó đều là niềm hạnh phúc. Theo tìm hiểu của em, ngành năng lượng thời điểm đó là một lĩnh vực khá mới và được đánh giá là ngành hot nên em đã đăng ký ngay nguyện vọng đầu tiên là chuyên ngành Quản lý Năng lượng của trường Đại học Điện lực”, Thùy Dung chia sẻ cơ duyên đến với trường.
Thùy Dung cho biết biết, nhận thức được đặc thù của ngành điện vốn vất vả nên môi trường học tập sẽ rất nghiêm túc, đòi hỏi phải có cả kiến thức và thể lực tốt nên trong thời gian học tập tại trường THPT Lê Lợi, ngoài việc học tập các môn văn hóa, em còn tham gia rèn luyện, đi thi và đạt giải thể dục thể thao các môn bóng rổ, chạy 800m nữ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.
Nữ sinh đa tài
Năm học 2016-2017, Thùy Dung bước vào ngôi trường mà mình hằng mơ ước từ thủa nhỏ với tư cách là cô tân sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng của Trường Đại học Điện lực.
“Điểm đầu vào trường Đại học của em không quá cao so với mặt bằng chung tuyển sinh vào Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng năm đó (chỉ cao hơn điểm chuẩn của khoa vài điểm), nên trước khi nhập học em cũng có chút lo lắng, không biết có đủ sức để theo học tại trường không. Nhưng gia đình, thầy cô và bạn bè động viên nhiều nên em cũng vững tâm hơn trước khi ra Hà Nội nhập học”, Thùy Dung chia sẻ.
Dù vậy ở năm đầu tiên đại học, Dung gặp không ít khó khăn vì sự thay đổi môi trường cũng như cách học. Dung nhớ lại, trong kỳ đầu Đại học, em gặp khó khăn với việc tiếp cận với phương pháp dạy và môi trường học tập mới nên điểm tổng kết ở kỳ đầu của em còn rất khiêm tốn. Một phần nghe được một số anh chị khóa trên chia sẻ về việc khó qua môn, trong tư tưởng lúc đó Dung nhiều lúc nghĩ học chỉ để cố gắng qua môn. Nên thành tích học tập của Dung chưa được cao
Dung cho biết: “Sang kỳ học thứ 2, thay vì chán nản với kết quả học tập của kỳ đầu thì em đến lớp cố gắng chăm chú nghe thầy cô giảng bài và tiếp thu lượng kiến thức thầy cô truyền đạt, về nhà dành thời gian làm thêm bài tập và kết quả học tập tại kỳ học này của em nằm ngoài dự kiến (3.45/4).
Từ đó, em thấy bản thân mình có thể cố gắng hơn nữa, cho dù vẫn có những lúc gặp khó khăn vì những môn học khá là trừu tượng để em có thể hiểu nó. Và các kỳ học tiếp theo em cũng tiếp tục phấn đấu như vậy dưới sự giúp đỡ và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các thầy cô giáo”.
Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng là đơn vị có truyền thống trong các hoạt động phong trào đoàn viên thanh niên, và năm nào cũng tổ chức những hoạt động nhằm kết nối sinh viên với nhau và giữa sinh viên với các thầy cô giáo của khoa, điều này tạo cho Dung và những bạn sinh viên khác thấy được sự gần gũi, nhiệt huyết, sự sẵn sàng chia sẻ những khó khăn đối với sinh viên của các thầy cô, khiến sinh viên không cảm thấy xa lạ khi xa gia đình để bước vào một môi trường hoàn toàn mới.
Bất cứ một hoạt động hay hội thảo được tổ chức, nếu có cơ hội Dung đều có mặt và được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhiều cô chú, anh chị đã có nhiều năm làm việc trong ngành và học tập được từ họ những kinh nghiệm quý giá.
Với nỗ lực của mình, Dung trở thành thủ khoa đầu ra của Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng của Trường Đại học Điện lực với điểm tổng kết học tập đạt 3,42/4 (đạt loại giỏi) và điểm rèn luyện 90/100 (loại xuất sắc). Dung được nhà trường giới thiệu, đề nghị tuyên dương, khen thưởng lên Thành đoàn và UBND Thành phố với tư cách là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viên trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021. Đặc biệt, nhờ có kết quả học tập tốt, có trách nhiệm với tập thể, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể Dung được kết nạp vào Đảng ngay trong trường đại học. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà là trách nhiệm rất lớn đối với cá nhân Dung.
Thùy Dung cho rằng, điểm thi đại học cao hay thấp, là thủ khoa hay vừa đủ trúng tuyển hoàn toàn không quyết định nhiều. Điều quan trọng là khi bước vào môi trường đại học, mọi thứ có thể thay đổi nếu bản thân mỗi sinh viên có sự nỗ lực. Hãy luôn cố gắng học tập và rèn luyện, đặt mục tiêu từ nhỏ đến lớn rồi hành động. Đồng thời kết hợp giữa việc học và các hoạt động ngoại khóa một cách hài hòa, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sinh viên trong công việc sau này.
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, Dung bỏ qua các cơ hội việc làm ở Hà Nội để về quê công tác tại Công ty Điện lực Thanh Hóa với chức danh kỹ sư Quản lý năng lượng, đúng với ngành học mà mình vừa tốt nghiệp.
Bước chân chính thức vào ngành điện khi mới 23 tuổi. Dung tâm sự, mình chỉ có chút kiến thức trên giảng đường và niềm đam mê với nghề điện. Đặc thù của công việc này cần sự chính xác đến chi tiết và độ sai số là rất thấp, đòi hỏi người thực hiện có trình độ chuyên môn vững, tính cẩn trọng và chịu khó trong công việc. Muốn phát triển bản thân thì bất kể công việc dù nhỏ hay lớn đều phải đam mê, nhiệt huyết. Đồng thời, phải chịu khó học hỏi từ những người đi trước, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp tối ưu, tích cực nhất.