Đồng thời trong quá trình dạy học Ngữ văn, tôi nhận thấy có rất nhiều bài học có thể áp dụng phương pháp tích hợp gắn liền với giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hoá địa phương. Một trong những bài dạy tôi áp dụng thành công và có hiệu quả tích cực, khả quan đó là bài Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương thuộc chương trình Ngữ văn 10, tập hai, Nxb Giáo dục, 2006.
Chủ đề dạy học tích hợp văn bản Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương gắn liền với việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hoá địa phương được triển khai trên ba cơ sở: Thứ nhất là tích hợp những kiến thức Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tin học… ;Thứ hai là tích hợp với bốn bài trong chùm bài học về Văn nghị luận ở chương trình Ngữ văn 10, tập hai (nghĩa là biết vận dụng văn bản này như một ngữ liệu để tìm hiểu các bài học làm văn về Văn nghị luận: Lập dàn ý bài văn Nghị luận; Lập luận trong văn nghị luận; Các thao tác nghị luận; Luyện tập viết đoạn văn nghị luận); Thứ ba là tích hợp với văn hoá địa phương qua tìm hiểu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và di tích lịch sử Hiệu Yên Xuân. Từ đó, định hướng, rèn luyện cho học sinh (HS) kỹ năng liên hệ thực tiễn với văn hoá địa phương để giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hoá quê hương- nơi bản thân sinh sống, thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, đất nước mình hơn.
Bản thân tôi căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, tình hình thực tế ở địa phương, trường học, lớp học cụ thể xin mạnh dạn đưa ra cách dạy học tích hợp bài học này ở hai đối tượng học sinh khác nhau. Ở lớp 10A1 do có điều kiện về cơ sở vật chất (ở gia đình đều có máy tính và nối mạng internet), giỏi môn Tin học nên hầu hết các giờ dạy sẽ tiến hành ở phòng máy, sản phẩm của HS sẽ chủ yếu trình bày trên powerpoint còn ở lớp 10D do hoàn cảnh gia đình các em HS còn khó khăn (hầu như gia đình không có máy tính và không nối mạng), kỹ năng Tin học hạn chế hơn, các tiết học chủ yếu diễn ra trên lớp học bình thường, sản phẩm thảo luận nhóm chủ yếu trình bày trên giấy A0.
Qua tiết học này bước đầu, các lớp đã xây dựng được kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp. Sau tiết học, các nhóm HS làm việc ở nhà trong khoảng thời gian từ tuần 1 đến tuần 2 trước khi tổ chức báo cáo ở lớp. Khi đã hoàn thành sản phẩm của nhóm mình, các nhóm chuyển đến giáo viên và toàn bộ thành viên trong lớp xem trước để chuẩn bị các vấn đề cần trao đổi qua email cá nhân hoặc trực tiếp trên lớp.
Tuần 2: Tiết thứ 2, 3, 4 - Báo cáo sản phẩm và tiết thứ 5 - Đánh giá sản phẩm, nộp bài thu hoạch và rút kinh nghiệm. Ở tiết 2,3,4, GV giới thiệu đại diện các nhóm HS tiến hành báo cáo sản phẩm của nhóm. Tiếp đó, các nhóm nhận xét đánh giá, bổ sung lẫn nhau. Cuối cùng, GV nhận xét, đánh giá sản phẩm các nhóm và kết luận chung về các vấn đề đã được trình bày, thảo luận. Sau tiết học thứ hai, HS nắm được kiến thức về tác giả Hoàng Đức Lương, thể loại tựa, hoàn cảnh ra đời của văn bản và bước đầu khám phá được giá trị nội dung của Tựa “Trích diễm thi tập” trên cơ sở phân tích bố cục văn bản có sự tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, giáo dục công dân,…
Đồng thời HS hiểu hơn về con người tác giả, tự liên hệ đến chính sách văn hoá Việt Nam và trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Sau tiết học thứ 3, HS sẽ nắm đuợc chắc chắn kiến thức về Lập luận trong văn nghị luận, Thao tác lập luận trong văn nghị luận và giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài tựa này. Từ đó, có sự nhìn nhận, đánh giá, tổng kết sâu sắc, toàn diện về giá trị văn bản đồng thời biết cách rút kinh nghiệm khi làm bài văn nghị luận cụ thể. Sau tiết thứ 4, HS sẽ hiểu biết hơn về các di sản văn hoá địa phương (dân ca ví dặm Nghê Tĩnh, di tích lịch sử Hiệu Yên Xuân) và thấy rõ ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá ấy trên cơ sở tích hợp chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương.
Đồng thời, HS hiểu được cách Lập dàn ý bài văn Nghị luận và cách viết đoạn văn Nghị luận một cách cụ thể, rõ ràng để có khả năng vận dụng hiệu quả trong các bài làm văn nghị luận. Ở tiết 5, GV tổng hợp và nhận xét bài thuyết trình của từng nhóm và cho HS trả lời câu hỏi chất vấn lẫn nhau. Thông qua trao đổi phản hồi từ HS, GV điều chỉnh cách dạy cho phù hợp với đối tượng HS còn HS tự điều chỉnh cách học để nâng cao kết quả học tập. Đồng thời cả HS và GV đều đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho các dự án tiếp theo.
Tóm lại, dạy học tích hợp văn bản Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương gắn liền với việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hoá địa phương không chỉ giúp HS nắm vững bài học mà còn góp phần thay đổi về mặt nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức tự cường tự tôn dân tộc để từ đó biến thành hành động cụ thể và hữu ích đóng góp cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, giải pháp này góp phần vào việc đổi mới được phương pháp, hình thức dạy học theo yêu cầu giáo dục mới.
Cách dạy này giúp tiết kiệm thời gian, rèn luyện được tư duy khái quát, tổng hợp, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực trình bày, tạo được không khí nhẹ nhàng, sôi nổi, gây được hứng thú cho HS trong giờ học. Không chỉ thế, HS còn rút ra được cách tự học dựa trên tư duy liên hệ đa chiều các đơn vị kiến thức trong môn Ngữ văn (cụ thể ở đây là Văn bản văn học và Văn Nghị luận), giữa môn Ngữ văn với tất cả các môn học khác, giữa những kiến thức lý thuyết hàn lâm với thực tiễn đời sống văn hoá, xã hội địa phương, có sự kết hợp giữa việc nâng cao kiến thức với rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao ý thức trách nhiệm với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của quê hương, đất nước.
HS phát triển và hoàn thiện được các năng lực sau: Phát triển năng lực tự học; năng lực hợp tác; năng lực sử dụng ngôn ngữ; năng lực đánh giá; trải nghiệm hoạt động sáng tạo. Qua dạy học tích hợp văn bản Tựa “Trích diễm thi tập”, HS phát triển các kĩ năng tự nhận thức bản thân, giao tiếp, hợp tác,… Đề tài đã được triển khai, kiểm nghiệm trong năm học 2015-2016 và 2016-2017 cho học sinhHS lớp 10 tại trường THPT Anh Sơn 2. Đề tài này còn có khả năng áp dụng trong phạm vi rộng và dễ thực thi cho tất cả các nhà trường THPT trên địa bàn huyện Anh Sơn, trên phạm vi toàn tỉnh Nghệ An nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung trong thời đại hiện nay.
Từ đây, chúng tôi đề xuất đưa văn bản Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương vào bài học có chủ đề liên quan như: Nhìn về vốn văn hoá dân tộc của Trần Đình Hượu để HS có cái nhìn toàn diện về văn hoá dân tộc. Cũng như cần đưa thêm một văn bản Tựa của văn học trung đại (hoặc hiện đại) vào chương trình Ngữ văn THPT giúp HS có cái nhìn toàn diện và có sự hiểu biết hơn về thể loại. Đồng thời văn bản này cần được đưa vào dạy chính khoá để HS được tìm hiểu kĩ hơn về thể loại Tựa cũng như những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản.
Tóm lại, khi đề tài này được triển khai sâu rộng, được áp dụng vào thực tiễn, nó sẽ tạo nên nhiều hiệu ứng tốt đẹp trong việc quảng bá về di sản văn hoá địa phương, văn hoá dân tộc. Đề tài góp phần khai thác tiềm năng du lịch của mỗi địa phương nói riêng và của cả đất nước nói chung. Ví dụ đối với phạm vi đề tài mà tôi đang triển khai sẽ góp phần khai thác tiềm năng du lịch huyện Anh Sơn ở góc độ văn hoá bên cạnh du lịch tâm linh (lễ hội “Uống nước nhớ nguồn” ở nghĩa trang Việt – Lào), du lịch sinh thái (ở vùng Cao Vều),…
Từ đó, chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống văn hoá, xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Thành công khiêm tốn bước đầu trên là cơ sở để chúng ta mạnh dạn tiến hành phương pháp dạy học này trong nhiều bài học, nhiều nội dung dạy học của bộ môn ở cả ba khối lớp. Điều này hoàn toàn đúng với tinh thần của nghị quyết số 29 của BCHTW Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học (…). Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại…”.