Tiếp tục trong chuỗi những ngày giáo viên cả nước hào hứng chờ đón Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019, Báo Giáo dục và Thời đại xin gửi đến độc giả những dòng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của chuyên gia giáo dục sáng tạo Toàn cầu của Microsoft Cô Hoàng Thị Hiền về hành trình trưởng thành từ chương trình chuyên gia giáo dục Microsoft
“…Hành trình trưởng thành từ chương trình chuyên gia giáo dục Microsoft
Sáng nay, trong lòng mình vui lắm. Mình vừa có cơ hội nhìn lại quãng đường đã đi qua sau 7 năm gắn với việc tự thay đổi bản thân. Trên quãng đường đó, mình may mắn được tham gia nhiều cộng đồng học tập, gặp được nhiều người Thầy và những người bạn giỏi, tâm huyết... giúp mình có nhiều quyết tâm hơn để theo đuổi những lí tưởng riêng của bản thân.
Đối với mình, việc trở thành Giáo viên không phải là mơ ước từ ban đầu. Thuở còn là học sinh, mình muốn làm luật sư, muốn học kinh tế. Nhưng, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình chọn vào sư phạm vì đấy là ngành duy nhất miễn học phí.
"Không có cái mình thích, hãy yêu lấy cái mình có", mình luôn dành thời gian để tự mày mò, tự học, tự tìm các nơi có thể được học không mất phí để học được nhiều hơn về các cách tổ chức dạy học giúp Học sinh học tập chủ động và tích cực hơn.
Mình nhận ra, bộ môn Địa Lí của mình dù luôn được xếp vào môn "Phụ" trong ưu tiên học của HS và phụ huynh, nhưng kiến thức từ hiểu biết văn hóa xã hội, dân cư, đến điều kiện tự nhiên, điều kiện và đặc điểm kinh tế các địa phương có vai trò rất lớn trong việc giúp HS sau khi tốt nghiệp có thể vận dụng để phát triển kinh doanh, nông nghiệp, dịch vụ,...Do đó, mình cần nghĩ ra những cách giúp các em hứng thú hơn trong giờ học của mình.
Khi mình còn ở trường Trần Khai Nguyên, với điều kiện trường công 45-48HS/lớp, không có mạng, không có máy tính để bàn, không có tivi, máy chiếu,...mình vẫn áp dụng dạy học ứng dụng CNTT một cách hiệu quả.
Tất cả là nhờ mình học được từ các trang web của Microsoft, của Intel, từ các tài liệu chuẩn kiến thức ICT của UNESCO, và hiểu sâu xa triết lí giáo dục: ứng dụng CNTT không phải là "chiếu chép" thay "đọc chép", mà phải làm thế nào giúp HS có cơ hội được trải nghiệm sử dụng các công cụ CNTT trong quá trình xử lí, tìm ra kiến thức, tạo ra sản phẩm phục vụ việc học tập, và cao hơn nữa là vận dụng được kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Thông qua quá trình đó, học sinh cũng phát triển được các kĩ năng cần thiết của Thế kỉ 21, có năng lực của một công dân toàn cầu.
Động lực để mình vượt qua những khó khăn về thời gian, tiền bạc, các rào cản về cơ chế điểm số, chính sách hỗ trợ,...chính là cái không khí đặc biệt của những giờ lên lớp. Những khoảnh khắc mình nhìn thấy các con dần bớt rụt rè, mạnh dạn phát biểu chính kiến, phát triển lập luận, hình thành tư duy phản biện, biết ý thức trách nhiệm với bản thân và công việc của nhóm,..,và cả những khi nhìn các con hãnh diện trên Sân khấu nhận giải thưởng trong các cuộc thi.
Những khi đó, mình biết là mình càng cần phải cố gắng hơn để làm gương cho học trò. Mình đã vượt qua cái dốt về ngoại ngữ, mù công nghệ bằng cách tham gia các khóa học hoàn toàn bằng tiếng Anh trên Pil-Network trên MVA, trên MEC và mình nhận ra ý nghĩa sâu sắc của câu nói "mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo". Mình cũng nhận ra, kiến thức là vô hạn, nếu mình chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, thì cũng như mình cho HS 1 con cá. Mình cần hướng dẫn cho các con khả năng đi câu, bởi vì tự học là 1 kĩ năng cần thiết, diễn ra liên tục và suốt đời, thầy cô và cha mẹ không thể mãi ở bên các con. Trong hành trình của mình, các con cần được trang bị kĩ năng tìm ra kiến thức, thậm chí tạo ra kiến thức mới sáng tạo hơn theo cách của riêng mình.
Sau những quá trình áp dụng các PPDH tích cực như Dạy học dự án, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn, tích hợp giáo dục STEM,... mình dần trưởng thành hơn. Mình nhận ra sứ mệnh của mình là hỗ trợ để nhiều hơn thầy cô giáo thay đổi, để nhiều hơn HS Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với các hình thức học tập tích cực giúp các em có thể phát triển kiến thức, nâng cao năng lực và phát triển phẩm chất cá nhân đáp ứng được Chuẩn kiến thức và năng lực của Bộ Giáo Dục.
Đó là lí do mình sáng lập các nhóm học tập, xây dựng các cộng đồng giáo dục, thực hiện các dự án phi lợi nhuận để nhiều thầy cô giáo cùng nhau chia sẻ những ý tưởng, PPHD, sản phẩm học tập nhằm cùng nhau chia sẻ và phát triển giáo dục. Mình chọn sáng lập công ty Giáo dục X-GEN Education và bước vào con đường học tập để có thể trở thành 1 Trainer chuyên nghiệp hơn.
Mình biết sẽ còn cần phải cố gắng tiếp tục con đường mình đã chọn một cách hoàn thiện và trọn vẹn hơn. – Hoàng Thị Hiền, chuyên gia giáo dục sáng tạo Toàn cầu của Microsoft…”