“Cảm ơn E2
Ban đầu, tôi không định viết dù rất nhiều cảm xúc, rất nhiều kỷ niệm trên hành trình đến với E2, tôi ngại ai đó nghĩ rằng mình “khoe”, hơn nữa, các em giáo viên trẻ bây giờ giỏi và năng động hơn nhiều, nên ngại lần hai. Nhưng có lẽ, nghĩa vụ thắp lửa, nhiệm vụ truyền cảm hứng trước hết là phải vượt qua được những cái ngại vô hình.
Tôi là người được truyền cảm hứng,
Rời trường Sư phạm, tôi nhận nhiệm vụ ở một ngôi trường trên lưng chừng dốc với hai bên là rừng thông và thấp thoáng những mái chữ A đỏ lốm đốm rêu xanh của vài ngôi biệt thự cổ với lối kiến trúc Pháp. Trường tôi cũng là biệt thự cổ nho nhỏ đã được “chế biến” lại thành trường học với chưa được 100 em học sinh.
Các em học sinh của tôi, chúng đặc biệt vô cùng – chúng chỉ có ánh mắt và nụ cười là trong sáng nhất, các em không thể nghe, không thể nói, âm thanh phát ra từ cổ họng là âm thanh ú ớ, các em ở nội trú ngay trong trường, nhiều em chỉ mới 5, 6 tuổi.
Tôi làm cô giáo ở lớp bé nhất trường, dạy các em bằng ngôn ngữ ký hiệu và lời nói rõ hình miệng, khi nhìn các em đùa giỡn, tôi nhận ra rằng dù không nói được nhưng tiếng cười các em vẫn giòn tan, tạo hóa không lấy đi âm thanh của tiếng cười – tôi được các em truyền cảm hứng từ những tiếng cười giòn như nắng ban mai đó.
Và tôi đền đáp cảm hứng đó bằng cách làm sao dạy được các em theo đúng nghĩa “dạy học” nhất, không phải theo kiểu giữ trẻ. Trường chỉ có duy nhất một máy tính để bàn – còn laptop là một điều xa xỉ, đó là giai đoạn sơ khai của việc dùng bài trình chiếu Power Point vào việc dạy học trong cả toàn ngành giáo dục.
Mỗi ngày sau khi tan trường, tôi đều nán lại tới tối, mượn máy tính ngồi mò mẫm xem làm sao soạn được bài trình chiếu, có lần một chị trong trường bảo biệt thự cổ này có ma, ui trời, tôi phải chặn chặt cửa mà vẫn nghe sống lưng lành lạnh – một hồi mê quá cũng quên mất chuyện có ma, cả tháng trời lần mò với bài trình chiếu, tải được một hình ảnh trên mạng là quý quá trời vì thời đó còn dùng VN1269 kết nối thông qua dây điện thoại, cả một giai đoạn vật vã thử - soạn – thử tiếp – soạn lại, có lúc khu nội trú gần tắt đèn đi ngủ tôi mới chịu tắt máy, càng ngày càng hăng say với bài trình chiếu vụng về thuở đó.
Ngày nối ngày, sau cùng các em đã có được một bài hoàn chỉnh, tôi mượn laptop, máy chiếu để có một tiết dạy không thể nào quên, các em khiếm thính đã được “xem phim” cùng với cách giảng đặc biệt của cô giáo, cô không phải dùng ngôn ngữ ký hiệu quá nhiều nữa, cứ hình ảnh, đoạn phim và các chuyển động của hiệu ứng trên màn hình minh họa cực kỳ sinh động cho bài giảng của cô: bài “Con gà”.
Tất cả các cô giáo trong trường đến dự giờ, ai nấy đều thấy rõ từng nét ngời ngời trên gương mặt các em – và cả trên gương mặt cô. Đó là lần đầu tiên tôi “ứng dụng CNTT vào tiết dạy” – một tiết dạy bằng bài soạn với bao tâm huyết, với sự hỗ trợ của bài trình chiếu điện tử.
Từ đó, phong trào lan rộng dần ra toàn trường, trường mua máy chiếu, các thầy cô sắm máy tính và tự học – tự nghiên cứu để có những bài trình chiếu ngày càng đẹp hơn, tư liệu ngày càng phong phú và đổi mới dần phương pháp theo hướng có CNTT hỗ trợ. Lớp học sinh động hơn rất nhiều, các thầy cô giáo dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm soạn bài bằng Power Point, nhiều ý tưởng trong bài giảng được áp dụng và có hiệu quả tốt, lớp học “hiện đại” hơn xưa nhiều.
Mười năm sau, hành trang của tôi cũng được một giải Nhất thành phố về Giáo viên có bài giảng điện tử hay nhất. Và vinh dự hơn cả là Giải Nhất quốc gia về bài giảng E-Learning vào năm 2012. Thời điểm này tôi đang dạy lớp 5 ở trường thực nghiệm, lớp học có bảng tương tác thông minh, tôi thực hiện vài dự án dạy học nho nhỏ và đều thu hút được sự thích thú của học sinh.
Dự án tôi và học sinh yêu thích nhất là dự án Dạy học môn Tiếng Việt với Paint – nghe có vẻ như môn Tiếng Việt và Paint không liên quan đến nhau nhưng kết quả lại rất ngạc nhiên, học sinh học môn Tiếng Việt tốt hơn rát nhiều, các em hiểu bài và yêu thích các hoạt động trong dự án, nhiệt tình thực hiện cùng cô, các em thích thú khi được chủ động tương tác bằng công nghệ để tự mình khắc sâu kiến thức đã được học, như một làn gió mới với bài trình chiếu thụ động. Đây cũng chính là dự án tôi trình bày ở Diễn đàn Giáo viên Sáng tạo tại New Zealand do Microsoft tổ chức vào tháng 3 năm 2013.
Tham gia Diễn đàn Giáo viên Sáng tạo là một dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp nghề giáo của tôi. Tôi như cánh chuồn mỏng manh rơi vào thế giới người khổng lồ với rất nhiều điều bổ ích. Tôi được tiếp thêm sức mạnh bởi nhiều ý tưởng học được từ các chia sẻ của các thầy cô giáo các nước, từng thế giới cứ mở ra trước mắt, nhiều phương pháp dạy học sáng tạo, nhiều dự án ý nghĩa được giới thiệu ở diễn đàn, cách truyền cảm hứng của diễn đàn đến với giáo viên rất độc đáo, mang lại nhiều cảm hứng cho từng giáo viên tham dự.
Với cảm hứng đó, tôi tiếp tục sáng tạo, nhiều dự án dạy học nho nhỏ theo môn, theo tiết bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh nay còn được chú trọng về mặt ý nghĩa hơn, và thực hiện sáng tạo hơn. Tôi nghĩ về nơi tôi được truyền cảm hứng từ những ngày đầu tiên, về những em học sinh khiếm thính, các em vẫn ở đó, trong ngôi biệt thự nhỏ nhỏ dưới rừng thông, nay trường đã khang trang hơn, phòng máy tính nối mạng và toàn trường phủ sóng wify.
Mỗi chiều thứ tư, tôi vẫn đều đặn đến dạy các em môn Tin học, có lẽ ông trời bù đắp, khả năng lĩnh hội CNTT của các em cực tốt, tốt hơn tôi nghĩ rất nhiều. Nhưng thế giới ngoài cổng trường vẫn ngăn cách các em bởi tính tự ti, tôi quyết định giúp các em bằng một dự án nhỏ.
Dưới sự hướng dẫn của tôi, các em làm các đoạn phim ngắn để kể chuyện, để giới thiệu mình bằng phần mềm Windows Movie Maker có cả ngôn ngữ ký hiệu và phụ đề rồi đăng lên Youtube và gửi đường dẫn làm quen cho trường khuyết tật khác, tôi kết nối các em với một số em học sinh lớp tôi đang dạy ở trường thực nghiệm.
Các em tự tin dần lên, các em mong được kết nối với các bạn cũng bị khiếm thính và cả với cha mẹ ở nhà, tôi liên lạc, phối hợp với giáo viên trường khuyết tật tỉnh khác và cả cha mẹ các em để chỉ cho họ cách dùng Skype, các em vô cùng mừng rỡ khi “gặp nhau” trên màn hình, dùng ngôn ngữ ký hiệu nói chuyện, giây phút đó tôi thấy hạnh phúc – một cảm giác rất lạ, như là bù đắp được cho ai đó điều gì.
Chắc chưa phòng máy của trường nào mà tối tối, các máy tính lần lượt được bật lên, từng nhóm học sinh tụ vào nhau “nói chuyện” với người ở đầu dây bên qua Skype một cách hăng say về trường lớp, thầy cô, và cả kể chuyện về khu nội trú – không khí náo nhiệt – không gian tĩnh lặng. Năm 2014, tôi may mắn tiếp tục được chọn tham gia Diễn đàn chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft tại Tây Ban Nha, tôi đã tự hào trình bày Dự án “Giúp trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng qua CNTT”.
Mỗi lần tham gia diễn đàn của Microsoft là mỗi lần thu được không biết bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm, để khi trở về tôi tiếp tục áp dụng những điều hay đã học được vào bài giảng, vào các dự án học tập khác.
Kiên trì cố gắng từ những điều nhỏ nhất, năm 2015, lần thứ hai tôi đạt giải Nhất cấp Quốc gia về bài Giảng E-Learning Dư địa chí, kiến thức học được từ những lần tham gia E2 góp phần lớn vào các thành quả mà tôi đạt được, tôi tìm và thể hiện các ý tưởng sáng tạo ở tất cả các sản phẩm giáo dục.
Cùng năm 2015, tôi chuyển công tác về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, với vai trò mới của mình, tôi dễ dàng hơn trong việc truyền cảm hứng và lan tỏa hiệu ứng tốt của diễn đàn đến với giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường.
Trong các buổi tập huấn chuyên môn, tôi đều dành thời gian chia sẻ các ý tưởng dạy học hay, các công cụ mà các thầy cô có thể sử dụng để nâng cao hiệu quả công việc, các cách tổ chức dự án dạy học ý nghĩa, sáng tạo.
Từng bước đi của tôi, ngoài nỗ lực của bản thân, đều nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè và đồng nghiệp. Cảm ơn Microsoft đã tạo cơ hội cho hàng ngàn hàng vạn giáo viên và nhà quản lý được tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, học sinh là người được hưởng lợi lớn nhất.
Với ai đó thì sẽ là “đi tới E2”, còn tôi là “về E2”, Microsoft không tạo ra bước ngoặt mà là mở một con đường.