Thống kê số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 14/4, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 28.026 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tổng số trái phiếu phát hành được ghi nhận, tổng giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản phát hành lên tới 24.095 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong tháng 3, ghi nhận 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá 26.425 tỷ đồng.
Trong đó, bất động sản là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong tháng 3 với 23.735 tỷ đồng, với 7 doanh nghiệp bất động sản chiếm 89,8%.
Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công trong tháng 3 có thể kể đến như Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas (tiền thân là Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn). Doanh nghiệp này phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 2.300 tỷ đồng vào ngày 10/3. Lô trái phiếu có lãi suất kết hợp, trung bình chỉ ở mức 6%/năm, đáo hạn ngày 10/3/2028.
Cũng trong ngày 10/3, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An huy động thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13%/năm, kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Đặc biệt, doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu lớn nhất là Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên với 2 lô trái phiếu Zero Coupon (trái phiếu không trái tức) trị giá 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm.
Ngày 16/3, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam phát hành thành công 46.950 trái phiếu, với tổng giá trị là 4.695 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 16/9/2024.
Tính đến ngày 14/4, tổng số trái phiếu phát hành thành công của các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lên tới 24.095 tỷ đồng. |
Theo VNDirect, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay trên thị trường. Lạm phát hạ nhiệt, những điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Để tiếp tục gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (ban hành ngày 10/11/2021) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Một trong những nội dung được quan tâm tại Thông tư 16 là quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ngân hàng không được mua lại số trái phiếu đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán, ngân hàng cũng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán với một số điều kiện nhất định.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 16 được thể hiện là hành động nới lỏng hơn cho việc quản lý ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, kỳ vọng có thể tăng thanh khoản cho nền kinh tế qua kênh này.
Mặc dù vậy, yêu cầu quản lý ngành Ngân hàng họ vẫn cần đảm bảo cả 2 yếu tố, gỡ thanh khoản cho nền kinh tế song vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, vì số tiền ngân hàng dùng để mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tính vào dư nợ tín dụng.
Theo thống kê của VNDirect, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với 2022. Trong đó giai đoạn quý II đến quý III được đánh giá là khá thử thách với gần 160.000 tỷ trái phiếu đáo hạn.