Gần 100 cổ vật Phật giáo lần đầu tiên được triển lãm

Gần 100 cổ vật Phật giáo lần đầu tiên được triển lãm

(GD&TĐ) - Nhằm giới thiệu khái quát những đặc trưng và những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo được lưu giữ tại các ngôi chùa cổ như: Quán Thế Âm, Linh Ứng, Phổ Đà, tổ đình Phước Lâm (Hội An), Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Hội Phật giáo Việt Nam thành phố tổ chức triểm lãm “Tinh hoa cổ vật Phật giáo”.

cxcxxx
Tượng Phật nhập Niết bàn thế kỷ XVIII

Triển lãm trưng bày, giới thiệu gần 100 cổ vật tinh hoa của nền Phật giáo, với nhiều loại hình phong phú, có giá trị lịch sử khoa học và thẩm mỹ cao, gồm có: tranh, tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại sớm từ thế kỷ thứ VII – VIII cho đến những cổ vật có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu trước công chúng

Triển lãm tổ chức nhân dịp lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) - một trong những ngày lễ lớn của đạo Phật. Đến đây, du khách và người dân sẽ được chiêm ngưỡng các cổ vật Phật giáo được điêu khắc tinh xảo, độc đáo từ nhiều chất liệu khác nhau có niên đại hàng trăm năm lịch sử được thờ phụng, cất giữ.

Điểm độc đáo trong triển lãm là các bức phù điêu, điêu khắc có sự đa dạng, giao thoa giữa Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa lẫn với văn hóa Trung Hoa, văn hóa dân gian Đàng trong... Các hiện vật trưng bày tại triển lãm phần nào khái quát được những đặc trưng và giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong đời sống tâm linh người Việt suốt hàng ngàn năm qua.

vcvcv
Tượng Phật Quan Âm thiên Thủ thiên Nhãn thế kỷ XVI – XVII (bằng gỗ ở chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Trong đó, bộ tượng Thập bát La hán bằng đá Non Nước do chính các nghệ nhân làng đá chế tác và tiến cúng chùa Linh Ứng (núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Hay có thể tận mắt chiêm ngưỡng “Quả tim lửa” - Phù điêu bằng đồng do vua Minh Mạng ngự ban chùa Tam Thai (núi Ngũ Hành Sơn) khi chùa được xây dựng lại cách đây 178 năm.

“Quả tim lửa” in dập ngự bút của vua Minh Mạng, nội dung thể hiện sự tán than, kính ngưỡng công lực vô biên của Phật Tổ độ hóa chúng sinh. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta độ cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoát ẩn thoát hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiến nhật tạo”. Tạm dịch: “Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu” (1825).

Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 16/9 tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng hội nhập với văn hóa bản địa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vạt chất và tinh thần có giá trị đặc sắc.

Khối di sản này bao gồm hệ thống kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí…

Đó là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, cùng những giá trị tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ