James Fowler - Giáo sư Di truyền học và Khoa học chính trị tại Đại học California, người có nhiều nghiên cứu về sự lây lan các cảm xúc và thói quen xã hội đã nhận thấy những thói quen và cảm xúc như ăn uống, hút thuốc, cô đơn và thậm chí là cả sự hào phóng đều có khả năng lây lan trong một nhóm bạn bè trong thế giới thực.
Ông nói: “Tôi đã từng nghĩ rằng trong thế giới trực tuyến sẽ không có hiện tượng như vậy”.
Tuy nhiên, ông cho rằng mình đã sai. Theo ông, những cảm xúc lây lan trên Facebook cũng diễn ra giống như vậy với một mức độ đáng kinh ngạc.
Khi phân tích dữ liệu từ 100 triệu người sử dụng Facebook đăng tải gần một tỷ trạng thái từ năm 2009 đến năm 2012, Fowler và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng, mọi cảm xúc được thể hiện trực tuyến sẽ kéo theo 1 đến 2 trạng thái có cảm xúc tương tự. Điều đó có nghĩa rằng, cảm xúc đó đã lây lan sang những người khác.
Ông Fowler và nhóm của ông đã tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng tâm trạng và cảm xúc giữa những người bạn trên Facebook. Họ tìm cách xác định xem liệu một người đang buồn và một người đang vui sống cách xa nhau có ảnh hưởng gì với nhau hay không.
Kết quả là, nếu người bạn của bạn đang cảm thấy vui trong khi bạn đang thấy buồn thì bạn sẽ có thể cảm thấy vui hơn một chút và thể hiện điều đó bằng những trạng thái mang tâm trạng tích cực hơn trên Facebook.
Ngược lại với những nghiên cứu trước đó cho rằng Facebook khiến cho chúng ta cảm thấy buồn chán, thì nghiên cứu này đã chỉ ra rằng mỗi trạng thái được đăng tải mới tâm trạng tích cực sẽ giảm số những trạng thái tiêu cực của bạn bè họ tới gần 2 lần, trong khi mỗi trạng thái tiêu cực sẽ chỉ giảm những trạng thái tích cực xuống 1,3 lần.
Theo Fowler, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng kết nối trên mạng xã hội có tác động tốt, ít nhất là đối với tâm trạng của chúng ta.
Ông Fowler nói: "Thế giới trực tuyến đã giúp chúng ta có thể bày tỏ cảm xúc theo cách chưa từng có trước đây. Chúng ta kết nối được với cả bạn của bạn bè, với cả những người chúng ta chỉ biết chút ít”.