Em ơi, mùa Xuân đến rồi đó!

GD&TĐ - Khi lòng người phơi phới đón Xuân sang cũng là lúc những bài ca Xuân được cất lên rộn ràng khắp nơi, mọi người như xích lại gần nhau hơn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Giao thừa vừa sang, câu hát “em ơi mùa Xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời…” trong ca khúc “Mùa Xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung càng khiến lòng người náo nức: Mùa Xuân đã đến thật rồi!

Trong thời khắc giao mùa ấy, chúng ta cùng “nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương”, để đón mùa “Xuân ước vọng ngàn năm lại tới” và “mừng Xuân hát lên thôi”, để cùng thì thầm “xúc động lòng ta trước cuộc đời”, cùng “dang rộng vòng tay đón cuộc đời”.

Cảm hứng mùa Xuân cũng xuất hiện trong nhiều bài tình ca gắn với tình yêu đôi lứa. Nếu như nhạc sĩ Trần Chung đã nói giúp chàng trai “Em ơi mùa Xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta trước cuộc đời”; thì với "Lời tỏ tình của mùa Xuân", nhạc sĩ Thanh Tùng lại đưa ta đến với một không khí tươi mới của đôi bạn trẻ đang yêu nhau, thong dong “đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm”.

Họ thủ thỉ: “Em ơi nghe chăng mùa Xuân, mùa Xuân hát ở trong lòng… Em ơi nghe chăng tình yêu, tình yêu hé nở ban đầu… như con tim yêu thương nồng say…”. Với chàng trai, mùa Xuân rất hiền, còn em trong niềm vui Xuân ấy hãy cứ “lặng yên ngồi nghe lời tỏ tình của mùa Xuân”.

Khi nhạc sĩ Thanh Tùng thể hiện tình yêu đôi lứa lãng mạn trong "Lời tỏ tình của mùa Xuân", thì "Tình ca mùa xuân"  của Trần Hoàn lại là lời họ trao gửi cho nhau. Bên nhau trong mùa Xuân của đất trời, nghe “mùi hương nào rất quen” mà cảm nhận được “đất cựa mình sinh sôi”.

Mùa Xuân là mùa của đôi lứa yêu nhau, vạn vật sinh sôi nảy nở. Các cụ đã nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi”, chàng trai nhìn vào ánh mắt của cô gái mà như thấy “có màu xanh khoai sắn”. Nắm bàn tay yêu thương mà cảm nhận “có hình dòng kênh xanh”.

Để rồi khi “mùa Xuân đi qua”, họ trao gửi, hứa hẹn cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, cô gái “đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương”, còn chàng trai lên đường bảo vệ Tổ quốc, ở đó có “mùa Xuân biên giới, súng anh gác trời xa".

Cũng là thể hiện mùa Xuân với tình yêu đôi lứa, nhưng nhạc sĩ Ngọc Khuê trong "Mùa Xuân làng lúa làng hoa" lại khéo léo lồng ghép: “Bên lúa anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê… làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa”. Và trước cảnh vật nên thơ ấy, một “bà mối” của tạo hóa đã gắn kết lứa đôi: “Hồ Tây nên duyên, cho tình yêu hoa lúa cuộc đời”. Họ cùng nắm tay nhau và hát “Đôi lứa tình yêu mùa Xuân. Làng lúa, làng hoa mùa Xuân”.

Trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe ca khúc Mùa Xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải. Bài thơ được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời tại bệnh viện Trung ương Huế (tháng 12/1980).

Ngay sau đó, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc và bài hát nhanh chóng đến với thính giả. Ngôn ngữ âm nhạc độc đáo khiến người nghe cảm thấy bồi hồi xao xuyến: “Mùa xuân, mùa Xuân! Một mùa Xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa Xuân, mùa Xuân, mùa Xuân tôi xin hát…” gợi cho ta cảm giác đang hứng những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá nhành cây, mái tranh “Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về”.

Người nghe như hình dung ra cảnh vật mùa Xuân “chim hót vang trời”, có “người cầm súng” với “lộc giắt đầy trên lưng”, có “người ra đồng” với “lộc trải dài nương lúa”. Mỗi dịp Xuân về lại có thêm nhiều sáng tác mới, nhưng khi nghe giai điệu của "Mùa Xuân nho nhỏ" vang lên, ta vẫn thấy nguyên vẹn cảm giác nao nao, xao xuyến.

Theo giai điệu những khúc ca Xuân, ta trở lại chiến khu xưa cùng Xuân Hồng với bài hát Xuân chiến khu. Bài hát đã nói đến mùa Xuân nơi chiến khu, khi cuộc kháng chiến còn cam go, gian khổ nhưng giai điệu rất vui tươi, hồn nhiên trong sáng: "Mùa Xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo…cúc cu cúc cu, chim hót mừng mùa Xuân thắng lợi…”.

Mùa Xuân nơi chiến khu ấy vẫn có “mai vàng đua nở trên cành” để mừng các anh bộ đội thêm một tuổi đời, tuổi quân với “nhiều chiến công toàn dân đang mong”. Chúng ta vẫn mong một ngày “những người dân ta trẻ già, toàn dân ta, hát một bài ca” khải hoàn, chiến thắng.

Mùa Xuân dễ đem cảm hứng đến cho sáng tác nghệ thuật. Trước mỗi sự kiện lớn của dân tộc, những sáng tác ấy lại được tiếp thêm sức mạnh.

Ngày 30/4/1975, đất nước được độc lập tự do, lãnh thổ được thống nhất, trong "Mùa Xuân đầu tiên", nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một tia nắng vui cho bao tâm hồn”.

Đất nước thống nhất... "Mùa Xuân đầu tiên" của Văn Cao là mùa Xuân đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất... nhờ đó mà: “Người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người”.

Sự toàn vẹn từ “Mùa Xuân đầu tiên” đã trả lại cho con người tất cả: Niềm hạnh phúc, nỗi nghẹn ngào khi được về lại quê hương, và trên hết, là một cuộc sống tự do hạnh phúc.

Nếu như Văn Cao thành công với "Mùa Xuân đầu tiên", thì Xuân Hồng lại nói về "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" đã được giải phóng mà nghe lại thấy bùi ngùi, bồi hồi: “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi ra lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà”. Tác giả thể hiện cảm xúc vui mừng khôn tả trước mùa xuân thống nhất non sông “bao năm vẫn đợi chờ, mà niềm vui nay đến bất ngờ, ngày đi như trong đêm mơ”.

Bởi đây là niềm vui quá lớn, bất ngờ, như trong mơ, vui mà cảm động đến rơi nước mắt: “Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau, xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”.

Viết về mùa Xuân sẽ là nguồn cảm hứng vô tận của các thế hệ nhạc sĩ. Trong chùm khúc ca Xuân còn có biết bao bài hát ta chưa nói đến ở đây như Tình ca mùa Xuân (Trần Hoàn), Cung đàn mùa Xuân (Cao Việt Bách), Hơi thở mùa Xuân (Dương Thụ), Mùa Xuân gọi (Trần Tiến), Thì thầm mùa Xuân (Ngọc Châu), Sông Đắc Rông mùa Xuân về (Tố Hải)…

Những khúc ca ấy đã thể hiện nhiều cung bậc khác nhau trước mùa Xuân của đất trời vạn vật, của đất nước, dân tộc, cho ta thấy hình ảnh con người Việt Nam trong chiến đấu, lao động thật bình dị mà đẹp đẽ biết bao.

Dù ở cung bậc nào, dù nghe bao nhiêu lần đi nữa, thì những bài hát ấy vẫn mãi đem lại cảm xúc tươi mới cho mỗi chúng ta, góp thêm vào vườn Xuân của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.