Chơi Xuân để biết yêu mùa Xuân hơn

Nhiều người giờ đây than Tết nhạt bởi những nghi thức lặp đi lặp lại hết ăn, rồi đi chúc Tết, rồi lại ăn… trong khi nghỉ Tết quá dài. Vậy là Tết biến tấu đi rất nhiều cho phù hợp với nhịp sống hiện đại, sống nhanh như mạng xã hội. 

Chơi Xuân để biết yêu mùa Xuân hơn

Thậm chí, người trẻ còn ngẩn ngơ hỏi Tết là gì mà sao mệt quá trời? Phải chăng do chúng ta cứ mãi “ăn Xuân” mà chưa biết “chơi” Xuân trong khi mùa xuân vẫn vẹn nguyên phơi phới.

Mới về làm dâu được vài tháng, N. đã hoa mắt vì những yêu cầu nội trợ, bếp núc của mẹ chồng, nào con phải mua này làm kia cho đúng nghi lễ trong khi công việc tại ngân hàng của cô vào những ngày cuối năm cực kỳ bận rộn.

Thế nhưng, nhìn sang cô bạn T. cùng phòng, cũng phận dâu mới như mình lại nhàn tênh, N. đã thắc mắc và được giải đáp rằng: Ngay từ đầu tháng chạp, T. đã nhỏ nhẹ nói chuyện với mẹ chồng mong bà thông cảm với công việc của cô. T vẫn sẽ chu toàn mâm cỗ cúng, mua đồ đầy đủ khi xin phép mẹ chồng được đặt mâm cỗ cúng bên ngoài, còn các món đồ mẹ chồng yêu cầu để biếu xén hai họ cô nhờ mẹ ghi danh sách rồi đặt mua online, ship đến tận nhà. Vậy là vẹn cả đôi đường.

Tương tự với cách giải quyết của T., nhiều chị em bận rộn công việc đã vẫn lo chu toàn cho Tết, đồng thời giản tiện các thủ tục của Tết. Thậm chí, khá nhiều gia đình còn nhỏ to thủ thỉ thay đổi được tâm lý người lớn tuổi khi đưa ông bà đi du lịch cùng gia đình, chứ không ru rú ở nhà lo cơm cúng đến hết Tết.

Chị H. ngụ tại Định Công hồ hởi khoe rằng năm nay, nhà chị sẽ ở nhà cúng bái, đi thăm họ hàng đến ngày mùng 2. Sang mùng 3, cả nhà sẽ đi du lịch Sa Pa, chuyến đi do mấy đứa con chị lên kế hoạch, đặt phòng sẵn hết.

Chị thú thực là lũ trẻ nhà chị cũng phải thuyết phục mãi chị mới đồng ý đi du lịch Tết, bởi bao năm sống trong các thủ tục cúng bái, thăm hỏi từ thời mẹ chồng chị còn sống, chị đã quen việc Tết quanh quẩn bếp núc.

Thế nhưng, giờ Tết nghỉ dài, cứ chỉ nấu ăn với dọn dẹp mãi cũng chán, mà lũ trẻ cũng ngán ngẩm khi chỉ ăn với ngủ cho hết ngày, không khí gia đình cũng rời rã, nên năm nay chị quyết định đổi mới tư duy theo bọn trẻ, bởi chẳng mấy khi gia đình được đi chơi dài ngày cùng nhau trong tiết Xuân như thế.

Trong Chương trình Cà phê sáng trên VTV3, TS. Đoàn Hương đã có lời khuyên với mọi người rằng: Đã qua cái thời chỉ chờ đến Tết để được ăn no, quá chú trọng chuyện ăn uống tạo nên gánh nặng cho người phụ nữ khi tối mặt với cỗ bàn, rửa dọn chén bát. Tết giờ là để “chơi” Xuân, thưởng thức Xuân chứ đừng “ăn” Xuân mới phù hợp thời đại.

Nếu biết cách đón Xuân, giữ nguyên tinh thần mùa Xuân phơi phới, Tết sẽ chẳng nhạt chút nào.

Cái nhạt là do mình chưa biết thưởng thức Xuân mà chỉ nhìn vào những chuyện bếp núc ăn uống , cờ bạc, rượu chè để nhìn nó xấu xí hơn. Thậm chí, người ta còn “ham công tiếc việc” đề xuất bỏ Tết Nguyên đán hoặc nhập Tết tây với Tết ta làm một.

Cũng theo TS. Đoàn Hương, bà khẳng định, Tết Nguyên đán chính là một cái Tết thuần Việt, do người nông dân của nền văm minh lúa nước nghĩ ra, mang tính văn hóa, tâm linh, mang tính cội nguồn dân tộc bao đời nay. Chính Trung Quốc cũng ăn Tết theo người Việt để luôn có cuộc “Xuân vận” lớn nhất thế giới khi di chuyển hàng nghìn km chỉ để sum họp gia đình vài ngày trong một năm.

Tết đẹp thế, ý nghĩa thế, nhạt hay không do tâm mỗi người quan niệm bởi Nguyên đán là một sự khởi đầu mới, bỏ lại những điều không vui của năm cũ để khởi đầu mùa mới, cơ hội mới của một con người, của mùa màng, của đất trời, của dân tộc, cớ sao chỉ vin vào sự ăn, sự mệt mà thấy nó thừa, nó nhạt.

Bởi vậy, nếu lắng mình lại một chút để ngắm giọt mưa xuân đọng trên cành đào vào sáng sớm đầu năm, hít hà không khí tĩnh lặng hiếm có của trời đất trong sáng mùng 1 Tết là bạn đã phần nào đang “thưởng thức” Xuân để biết “chơi” Xuân và yêu hơn mùa xuân, mùa của tình yêu với vạn sự khởi đầu.

Theo songmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ