Duy trì sĩ số lớp học: Tết chưa đến, nhiều học sinh đã muốn nghỉ

GD&TĐ - Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng cũng là lúc các nhà trường hoàn thành kiểm tra, đánh giá học kỳ I.

Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An giữ học sinh ở lại trường tổ chức Tết Dương lịch để duy trì nền nếp học tập, sinh hoạt.
Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An giữ học sinh ở lại trường tổ chức Tết Dương lịch để duy trì nền nếp học tập, sinh hoạt.

Học sinh thường có dấu hiệu nghỉ “xả hơi”, háo hức với kế hoạch sắm sửa, chuẩn bị ăn - chơi Tết. Nhiều trường học phải nghĩ mọi biện pháp để “giữ” học sinh ở lại trường đến Tết, đồng thời quán triệt giáo viên nghiêm chỉnh trong dạy học để duy trì nền nếp.

Trường đang dạy học, trò đã muốn về

Vừa hoàn thành học kỳ I, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã họp chuyên môn để bàn giải pháp trước thực trạng học sinh muốn nghỉ Tết sớm. Đây là trường THCS chung của xã biên giới Na Loi và Đoọc Mạy vì vậy, học sinh gồm nhiều thành phần dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, và chiếm số lượng khá lớn ở bán trú.

“Trong phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, Tết là dịp đi chơi hội, thăm thân, tìm vợ, tìm chồng. Vì vậy, gần đến Tết các em đã rạo rực muốn nghỉ ở nhà đi chợ, sắm sửa quần áo đẹp, đồ trang điểm. Điều này khiến giáo viên chủ nhiệm như tôi rất vất vả, nghĩ đủ mọi cách làm sao để “giữ” học sinh cho đến Tết”, cô Lê Thị Hạnh nói.

Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên môn Giáo dục công dân chia sẻ thực tế: Năm nào cũng vậy, thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều học sinh có tư tưởng không muốn học, ham chơi và chờ được nghỉ. Thậm chí, lớp cô chủ nhiệm có 3 - 4 em cá biệt, mỗi tuần thường tự ý nghỉ thêm ngày thứ 6 chứ không chờ đến thứ 7, Chủ nhật.

Đối với học sinh dân tộc thiểu số ở xã biên giới đặc biệt khó khăn, khi đi học, các em được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 116. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ thường được cấp về cho nhà trường vào dịp cuối tháng, cuối kỳ để phát cho học sinh. Hàng năm, dịp sau Tết Dương lịch, cũng là lúc tiền trợ cấp của học sinh về tới nơi.

Cô Lê Thị Hạnh cho hay: “Lúc này, nếu cấp phát ngay sẽ có nhiều em không chịu đến trường nữa để ở nhà sắm Tết. Vì vậy, chúng tôi thường đợi khi chế độ của tất cả học sinh về đầy đủ, sẽ gọi cả phụ huynh đến trường, cùng với con em ký nhận. Vừa “giữ” hộ học sinh khoản tiền để các em đưa về cùng gia đình ăn Tết, cũng là để giữ học sinh ở lại trường cho đến khi có lịch nghỉ”.

Ngoài dạy học, cô Lê Thị Hạnh thường xuyên phổ biến pháp luật, giáo dục giới tính cho học sinh.
Ngoài dạy học, cô Lê Thị Hạnh thường xuyên phổ biến pháp luật, giáo dục giới tính cho học sinh. 

Không để học sinh lệch guồng học tập

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An quyết định giữ học sinh ở lại trường thay vì cho các em nghỉ về bản như các năm trước. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia như: Chương trình nghệ thuật Sắc xuân nội trú, ăn cơm tất niên, thi nhảy hiện đại...

Cô Nguyễn Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu giao cho giáo viên chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh, thông báo và xin phép để học sinh không về bản. Mục đích hạn chế đi lại, phòng dịch Covid-19 trong thời điểm nhiều địa phương đang có ca F0 trong cộng đồng.

“Các hoạt động trong chương trình chào năm mới nhằm thu hút học sinh tham gia, vơi bớt nỗi nhớ nhà, rèn luyện kỹ năng sống. Trước đó, các khối lớp của trường đã hoàn thành thi học kỳ I. Vì thế, các em tham gia hoạt động rất sôi nổi với tâm lý thoải mái, hứng khởi. Chương trình chào năm mới cũng là dịp nhà trường tạo cơ hội cho học sinh được xả hơi sau thời gian học tập, ôn thi, kiểm tra vất vả, căng thẳng”, cô Kiều Hoa cho hay.

Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh có số học sinh ở nhiều thành phần dân tộc nhất tỉnh, đến từ nhiều huyện vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là năm học vất vả, vì kể từ khi nhập học, các em ít được về thăm nhà. Toàn bộ thời gian đều học tập, ăn ở, sinh hoạt trong trường nội trú, trừ những em gia đình có việc đột xuất, đặc biệt, thầy cô mới cho phép nghỉ.

Vừ Y Nhung năm nay học lớp 12 và đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhà Nhung ở xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cách trường hơn 300km. “Từ đầu năm học tới giờ em chưa về nhà nên cũng rất nhớ bố mẹ, anh chị em. Nhưng bố mẹ cũng động viên em ở lại trường, hạn chế đi lại nhiều, nguy cơ bị lây dịch bệnh. Em sẽ cố gắng tập trung học để dành hôm sau về nghỉ Tết Nguyên đán luôn”, Nhung tâm sự.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An, thông thường, học sinh khi hoàn thành học kỳ I và chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán, tinh thần học tập sẽ có dấu hiệu chùng xuống. Đây là điều dễ hiểu khi các em không còn áp lực học tập, kiểm tra, và mong ngóng được trở về nhà. Nắm bắt tâm lý này, những năm qua, nhà trường luôn chủ động các giải pháp để giữ học sinh trong guồng học tập.

Tại TP Vinh, việc đi học trực tiếp ở các nhà trường mới chỉ diễn ra đầy đủ từ cuối tháng 12/2021. Trước đó, do tính chất phức tạp của dịch bệnh tại địa bàn nên học sinh các cấp có thời gian học trực tuyến từ 3 – 4 tháng. Ngay sau khi ổn định việc dạy học trực tiếp, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Vinh) đã tổ chức kiểm tra đánh giá học kỳ I cho các khối lớp.

Theo cô Từ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, những năm học trước, thời điểm này tâm lý học sinh có phần ham chơi, mong ngóng nghỉ Tết. Nhưng năm nay, phải chờ đợi thời gian dài mới được đến trường, nên học sinh vẫn rất háo hức. Về phía nhà trường, kết quả kiểm tra định kỳ cũng là thước đo để rà soát chất lượng, năng lực học sinh. Từ đó có kế hoạch bổ sung kiến thức, tăng cường các môn chưa có điều kiện triển khai trong thời gian dạy học trực tuyến.

“Cả cô và trò đều tranh thủ thời gian vàng để dạy học trực tiếp. Đặc biệt, học sinh khối 1 đến giờ mới được gặp bạn bè, cô chủ nhiệm. Vì thế, nhà trường yêu cầu giáo viên vừa dạy học, vừa làm công tác tâm lý để trẻ yên tâm, cảm nhận niềm vui, sự yêu thương. Cùng với đó tăng cường luyên đọc, luyện viết cho các em đạt chuẩn kiến thức kỹ năng”, cô Hiệu trưởng nói.

“Quan điểm của nhà trường là thái độ, phương pháp dạy học của giáo viên sẽ quyết định đến tư tưởng, tinh thần của học sinh. Khi thầy cô dạy học nghiêm chỉnh, đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu thì học sinh sẽ thực hiện theo, không lơ là, sao nhãng. Thực tế học sinh nội trú thời gian này vẫn đang duy trì nền nếp học tập ổn định”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ