Duy trì sĩ số lớp học: Tung “chiêu” giữ học trò

GD&TĐ - Giáp Tết luôn là thời điểm “nóng” trong việc duy trì sĩ số học sinh, ổn định kỷ luật trường lớp và đảm bảo chất lượng dạy học.

Học sinh vùng cao háo hức với hoạt động hướng về ngày Tết. Ảnh: NTCC
Học sinh vùng cao háo hức với hoạt động hướng về ngày Tết. Ảnh: NTCC

Do đó tùy theo đặc điểm từng bậc học, vùng miền…, mỗi nhà trường, giáo viên sẽ đưa ra những giải pháp để giảm căng thẳng, áp lực học tập nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng dạy học. 

Duy trì tâm lý tích cực

Cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Trước đây khi chưa có dịch Covid-19, cửa khẩu, đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc thông thương nên xuất hiện tình trạng một bộ phận học sinh gia đình khó khăn chấp nhận bỏ học để lao động kiếm sống.

“Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán tại một số địa phương, đặc biệt khu vực miền núi thường xảy ra tỉnh trạng học sinh nghỉ, bỏ học tham gia lễ hội, lao động phụ giúp gia đình kiếm sống. Cùng đó, không ít học sinh đang học trực tuyến cũng có tâm lý “xả hơi” nên học tập kém hiệu quả. Đẩy mạnh giải pháp ổn định trường lớp, nâng cao chất lượng dạy học là giải pháp tối ưu giúp các nhà trường duy trì sĩ số, bảo đảm chất lượng giáo dục…” -thầy Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai).

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây khi dịch diễn biến phức tạp, đường biên cửa khẩu đóng, học sinh không thể đi lao động nên việc duy trì sĩ số khá tốt. Thời điểm “nóng” giáp Tết một số năm trước thường chỉ đạt từ 96 - 97% tỷ lệ học sinh tại trường thì hiện nay đạt tới 99%.

Hiện tại, học sinh cơ bản nghỉ học do ốm, gia đình có việc riêng chứ tuyệt đối không bỏ học tham gia lao động sản xuất. Hơn thế, ý thức của học sinh THPT cũng cao hơn nhiều nên hiện tượng bỏ, nghỉ học đối với học sinh vùng cao miền núi đã và đang được hạn chế đáng kể.

Song để giúp học sinh không chệch nhịp học tập, đề phòng tâm lý ể oải dịp giáp Tết, nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức một số hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh (nếu không có dịch). Trường hợp dịch phức tạp, không tổ chức được hoạt động ngoại khóa thì giáo viên khéo léo lồng ghép kiến thức vào ôn tập, phụ đạo, dạy kiến thức mới… để học sinh chuyên tâm học tập. Việc dạy học và đảm bảo kỷ cương nền nếp cơ bản được giải quyết cho tới ngày nghỉ theo đúng quy định.

Cô Chi cũng cho biết thêm: Dịch bệnh tại địa phương cơ bản ổn định, không có giáo viên, học sinh nào diện F0. Với giáo viên diện F1, trường yêu cầu thực hiện cách ly theo quy định nhưng vẫn đảm bảo hoạt động dạy học trực tuyến. Với giáo viên, học sinh diện F1 buộc phải thực hiện cách ly cũng sẽ đảm bảo được dạy và học trực tuyến để không bị ngắt quãng việc học tập.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh, Ban giám hiệu Trường THPT số 1 Bắc Hà đã yêu cầu học sinh bán trú nếu về nhà ngày cuối tuần phải làm đơn đăng ký với nhà trường và được phụ huynh tới đón trực tiếp. Với số học sinh bán trú của trường không đăng kỳ về thì giáo viên quản lý bán trú phải nắm chắc danh sách và có sự quản lý phù hợp. Với cách duy trì sĩ số này, tình trạng bỏ trốn học của học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà giảm đáng kể. Hàng tuần chỉ có hơn 100/310 học sinh bán trú xin về cuối tuần.

Duy trì sĩ số học sinh dịp áp Tết bằng những bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng. Ảnh: NTCC
Duy trì sĩ số học sinh dịp áp Tết bằng những bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng. Ảnh: NTCC

Cần sự sát sao của thầy cô

Là trường học có 60 - 70% học sinh theo tôn giáo, bố mẹ làm ăn xa, ở nhà với ông bà, việc học chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý, định hướng giáo dục nói chung đặc biệt dịp giáp Tết.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B (Ninh Bình) cũng chia sẻ: Nắm được đặc thù này, trường đưa ra nhiều giải pháp để duy trì sĩ số lớp học trong bối cảnh mới. Theo đó, sau tuần 18 trường bước ngay vào dạy học theo chương trình học kỳ II với kiến thức mới. Như vậy, học sinh nói chung buộc phải chú tâm vào học liên tục, tâm lý chủ quan, học kiểu “chợ chiều” được dẹp bỏ.

Tại Trường THPT Quan Lạn (Quảng Ninh), thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng trao đổi: Do dịch bệnh nên trường không tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trước Tết mà tập trung vào dạy học theo kế hoạch. Song để giải quyết tâm lý học tập uể oải, trường tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp đến phụ huynh, học sinh. Giáo viên chủ nhiệm đẩy mạnh công tác điểm danh, nắm sĩ số hàng ngày vào các buổi sáng. Bất kỳ học sinh nào vắng mặt, giáo viên sẽ lập tức liên lạc với phụ huynh để thông tin và nắm được lý do nghỉ học.

“Thi xong học kỳ I và học tập dịp giáp Tết khiến học sinh thường có sự chểnh mảng, muốn nghỉ học… càng đòi hỏi sự sát sao về quản lý, tăng cường tuyên truyền, siết chặt kỷ luật trường lớp để nâng cao ý thức học sinh...”, thầy Hà bày tỏ.

Cũng theo thầy Hà, để giữ chân học sinh trước Tết, trường đã huy động một số tổ chức cá nhân cùng trao tiền ăn Tết (khoảng 500 nghìn đồng/suất) đến tận nhà cho khoảng 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Là trường vùng cao, với 100% học sinh dân tộc và đang triển khai thành công mô hình tăng gia sản xuất, giải pháp duy trì sĩ số theo thầy Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 là tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hoá văn nghệ truyền thống dịp sát Tết.

Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức gói bánh, liên hoan cho giáo viên và học sinh. Hoạt động này diễn ra trước khi về nghỉ Tết không lâu song mang lại tác dụng lớn trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng học. Học sinh nào cũng háo hức được tham gia hoạt động trải nghiệm mà không nghĩ đến nghỉ học sớm…

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) vẫn miệt mài học tập. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) vẫn miệt mài học tập. Ảnh: NTCC

Đổi mới, cuốn hút học sinh trong học trực tuyến

Duy trì sĩ số học sinh giáp Tết, tránh tâm lý uể oải học tập… không chỉ là vấn đề của các trường đang dạy học trực tiếp, trường vùng khó khăn… Với nhiều trường học đang triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên cũng phải linh hoạt, giải pháp để “kéo” học sinh trong từng giờ học.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Trước thi xong học kỳ I, giáo viên giao hẹn với học sinh sẽ tặng phiếu khen cho một số em có thành tích nổi trội. Dù chỉ mang giá trị tinh thần nhưng các em đều thích và háo hức. Điều đó ít nhiều giúp học sinh hào hứng, nâng cao ý thức học tập.

Đặc biệt cô Ngọc cho rằng, với đặc thù dạy học trực tuyến trong thời gian dài, vừa kết thúc 1 học kỳ…, học sinh khó tránh khỏi tâm lý lười học buộc giáo viên chủ yếu động viên, tâm sự nhằm khích lệ tinh thần học tập.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Sau nghỉ Tết Dương lịch tâm lý chung của học sinh là đã thi xong học kỳ, đã biết kết quả, nghỉ xả hơi… nên tình trạng giáo viên vào lớp 10 - 20 phút mà học sinh vẫn chưa vào đủ không hiếm. Giáo viên bộ môn phải thường xuyên phải gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để gọi phụ huynh nhắc học sinh vào lớp học. Tinh thần uể oải diễn ra ở không ít học sinh có thể nhìn thấy rõ và cần có sự đốc thúc, lên “giây cót” học tập.

Theo kinh nghiệm của cô Thúy, tùy theo lớp học, lứa tuổi… mà giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá để lôi kéo học sinh vào học tập, tránh tình trạng học sinh đang uể oải học tập mà vẫn dạy học theo cách cứng nhắc, truyền thống.

Cụ thể, với học sinh lớp 6, tâm lý thi xong học kỳ không thiết học bài cũ lẫn mới… thì ở bài đầu tiên sau khi kiểm tra học kỳ cô Thúy đã tăng cường khởi động bằng các trò chơi để cuốn hút các em.

Thậm chí, cô Thúy và nhiều giáo viên tung “mẹo” thông báo điểm số của học sinh chưa đủ, cho học sinh gỡ điểm thấp bằng điểm cao qua kiểm tra đánh giá thường xuyên. Khi học sinh được vừa học vừa chơi, được lấy điểm cao từ đánh giá thường xuyên thay điểm thấp sẽ càng hào hứng và chủ động học tập trực tuyến.

Đối với học sinh lớp 7 - 8, có sự thay đổi tâm sinh lý, tính nết do học trực tuyến dài hơi… thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần quan sát tinh ý, nắm lại thông tin, có thể gặp từng gia đình để trao đổi, khuyến khích học sinh học tập.

Đối với học sinh lớp 9 đã có ý thức tốt hơn kết hợp lo lắng thi vào THPT nên việc học tốt hơn, hiện tượng chểnh mảng học hành như học sinh các khối lớp khác hạn chế. Song không loại trừ tình trạng học sinh phân biệt môn chính và môn phụ để học.

Với môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh thì ý thức học của học sinh khá tốt, nhưng với các môn phụ như Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ… học sinh thường trốn học với nhiều lý do khác nhau (mạng không vào được, bật máy đối phó chứ không học; không bật camera…). Với những đặc thù đó, giáo viên phải linh hoạt nhiều hình thức để loại bỏ tâm lý học tập đối phó của học sinh.

“Với môn Văn học, có nhiều kiến thức gắn với đời sống thực tế nếu giáo viên dạy như SGK thì học sinh sẽ chán học, vì vậy tôi đưa các vấn đề thành diễn đàn trao đổi. Chia học sinh thành 2 nhóm để thảo luận, phản biện, đưa ra lý lẽ thuyết phục… Cách học này buộc trò phải tìm hiểu bài trước, dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức. Học sinh bị cuốn vào môn học một cách tự nhiên, không nhàm chán...”, cô Thúy chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai.

Ổn định tâm thế, giữ học trò đến với những tiết học trực tuyến dịp giáp Tết đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt các phương pháp theo từng đối tượng, đặc điểm học trò… đó cũng là khẳng định của cô Phạm Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội).

Theo cô Hải, thời điểm này có thể tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong học tập. Ví dụ cho học sinh thực hiện một số clip phóng sự cho một chủ đề văn học; Tự tìm hiểu kiến thức rồi báo cáo qua hình thức trao đổi, tranh luận, phản biện... Như vậy, việc học của học sinh vẫn hiệu quả nhưng nhẹ nhàng không áp lực.

Đổi mới cách kiểm tra đánh giá trong học trực tuyến cũng được cô Hải áp dụng thời điểm này. Bên cạnh kiểm tra định kỳ có thể dùng kiểm tra thường xuyên với nhiều cách thức khác nhau (làm bài báo cáo; làm clip, tranh luận hùng biện…), cho học sinh lấy đểm cao gỡ điểm thấp…

“Trong bối cảnh dạy học trực tuyến cùng với tâm lý “xả hơi” học tập áp Tết… thì việc đổi mới kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức chắc chắn sẽ lôi cuốn học sinh mọi cấp bậc học. Giúp học sinh được tương tác nhiều hơn trong suốt quá trình học. Từ đó việc dạy học thêm hiệu quả, đảm bảo yêu cầu chung…”, cô Hải trao đổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.