Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên gia Tâm lý học đường và Tham vấn – Trị liệu tâm lý khuyến cáo phụ huynh cần trao cho trẻ quyền tự chủ giải quyết vấn đề để tháo gỡ khúc mắc và lấy lại động lực phấn đấu.
Uể oải do tâm lý “học để thi”
- Tình trạng học sinh “rã đám” khi Tết đến gần có nguyên nhân từ đâu và gây ra hậu quả như thế nào đến sức khoẻ tâm thần của trẻ, thưa bà?
- Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh chểnh mảng học tập như việc học quá khó, cảm thấy nỗ lực của mình không tương xứng với kết quả nhận được, chỉ dẫn của giáo viên khó hiểu, thiếu tự tin vào bản thân… Học sinh có thể mất động lực học tập bất kỳ lúc nào nếu gặp phải một trong những trở ngại trên.
Giai đoạn kết thúc học kỳ I trùng với thời điểm cận Tết Nguyên đán là điều kiện “xúc tác” để tình trạng học tập uể oải xuất hiện nhiều hơn. Học sinh có thể xao nhãng vì đã hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ I. Các em có thể không nhận thấy ý nghĩa từ việc học tập lúc này. Đặc biệt với những học sinh có tâm lý “học để thi”.
Thời điểm cận kề Tết, các gia đình cũng bắt đầu kế hoạch nghỉ ngơi hoặc vui chơi, hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ. Điều này đôi khi có thể làm học sinh bị xao nhãng khỏi việc học, bị hấp dẫn bởi các kế hoạch ngày lễ hơn.
Hệ quả tự nhiên khi học sinh giảm động lực học tập là khó đạt kết quả tốt. Nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn là sau đó, các em lại chán nản bởi học không tốt, cảm giác về tính hiệu quả của bản thân giảm.
- Học sinh nhiều địa phương phải học trực tuyến kéo dài cả học kỳ, thậm chí sang học kỳ II vẫn chưa có dấu hiệu được trở lại trường. Theo bà, học trực tuyến kéo dài tạo ra những tác động tiêu cực nào đến kết quả học tập cũng như sức khỏe tâm thần của học sinh trong thời điểm này?
- Tôi đã từng nghe nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh chia sẻ cảm thấy chán nản vì học online kéo dài. Điều này cũng khiến học sinh cảm thấy mất động lực học tập vì thiếu tương tác với thầy cô, bạn bè; khó khăn tiếp thu kiến thức khi học online; môi trường gia đình gây mất tập trung, thiếu khả năng tiếp cận không gian học tập thích hợp.
Dành nhiều thời gian cho thiết bị màn hình cũng khiến các em rơi vào trạng thái mệt mỏi cả về thể chất như mỏi mắt, đau nhức cơ xương… và tinh thần, như khó tập trung, dễ phân tán. Đặc biệt, học sinh càng nhỏ càng dễ mệt mỏi.
Vấn đề kỹ thuật và công nghệ khi học online cũng có thể gây căng thẳng cho các em. Đơn cử, với học sinh không có thiết bị hỗ trợ học online, phải mượn hoặc dùng chung điện thoại với bố mẹ, sử dụng nhờ mạng Internet gây khó khăn trong học tập, thậm chí tác động đến sự tự tin. Những trục trặc về kết nối hay thiết bị cũng phần nào khiến việc học của các em bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thành tích học tập.
Trao quyền tự chủ
- Phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ khơi gợi cảm hứng và tập trung học tập trong những ngày giáp Tết?
- Cha mẹ cần nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo ban đầu để có thể can thiệp và hỗ trợ sớm. Nếu thấy con có biểu hiệu uể oải trong học tập, thay vì bảo con phải “tập trung học hành đi”, bố mẹ hãy dành thời gian trò chuyện và hỏi thăm: “Dạo này việc học của con thế nào?”, “Có vẻ con đang gặp khó khăn gì đó?”. Cha mẹ hãy là những người bạn tin cậy của con, lắng nghe con chứ không phán xét.
Khi đã tìm ra nguyên nhân, cha mẹ có thể cùng con suy nghĩ tìm ra hướng giải quyết. Trao quyền tự chủ bằng cách khuyến khích con đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt và giúp con đánh giá ưu, nhược điểm của từng lựa chọn để tìm kiếm quyết định phù hợp nhất. Cha mẹ cũng cần trao đổi thông tin với giáo viên để có được sự phối hợp hai chiều đồng nhất trong hỗ trợ con.
Thời gian Tết gần kề, nhiều bậc phụ huynh có thể bận rộn với các hoạt động kinh tế, xã hội mà ít dành thời gian quan tâm đến con. Thậm chí việc di chuyển qua lại liên tục như về quê hay đi du lịch trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tới việc học của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý và chuẩn bị cho trẻ tâm thế sẵn sàng trước mỗi sự thay đổi.
Trẻ có thể được khơi gợi động lực nếu cha mẹ duy trì thói quen như thể hiện sự quan tâm đến tài liệu học tập của con, hỗ trợ con thực hiện bài tập ở trường, khuyến khích con hoàn thành bài tập về nhà… Một thói quen được chứng minh giúp cải thiện động lực là đọc sách. Đọc sách cho trẻ hoặc đọc cùng trẻ giúp phát triển khả năng đọc viết nhanh hơn. Cha mẹ hãy duy trì các thói quen trên một cách thường xuyên, đặc biệt là những ngày giáp Tết để khơi gợi cảm hứng và sự tập trung học tập cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dành thời gian chăm sóc bản thân để giữ trạng thái giàu động lực, truyền cảm hứng và khuyến khích trẻ.
- Theo bà, chúng ta cần làm gì để giáo viên, nhà trường duy trì kết nối, tương tác với học sinh khi học trực tuyến trong những ngày giáp Tết?
- Có rất nhiều yếu tố tác động tới động cơ học tập của học sinh như đã chia sẻ phía trên. Mặc dù không thể giải quyết tất cả thách thức học tập trực tuyến này nhưng giáo viên và nhà trường có thể cải thiện mức độ tương tác của các giờ học bằng một số chiến lược.
Đó là tăng cường cơ hội hợp tác cho học sinh. Giáo viên có thể thu hẹp sự mất kết nối khi học trực tuyến bằng cách cho học sinh cơ hội cộng tác qua các hoạt động thảo luận trực tuyến, bài tập, dự án nhóm, thuyết trình nhóm.
Tiếp đó là phản hồi thường xuyên. Động lực học tập không chỉ là thiết lập kết nối với các bạn cùng lớp mà còn với giáo viên. Phản hồi là một phần tự nhiên của quá trình học tập và giúp cho học sinh tiến bộ. Giáo viên có thể tạo ra nhiều phản hồi ở các bối cảnh khác nhau như lên lịch cho các buổi gặp 1-1; đưa ra nhận xét trên tin nhắn văn bản hoặc âm thanh; chủ động nhận xét khi học sinh có tiến bộ, liên hệ trực tuyến theo phương thức giao tiếp ưa thích của học sinh khi học sinh có thắc mắc cần hỗ trợ.
Giáo viên cần cung cấp nhiều cách học khác nhau để phù hợp với từng cá nhân, nhóm học sinh. Thầy cô có thể kết hợp các yếu tố đa phương tiện như video, slide trình chiếu, trang trình bày, mô hình 3D, phần mềm tương tác…
Bên cạnh đó là phong cách trình bày hấp dẫn. Một giáo viên nhiều năng lượng và cảm hứng có thể tạo được nhiều năng lượng và cảm hứng cho học sinh. Ngữ điệu hay vẻ mặt của giáo viên có thể tác động đến trạng thái của người học.
Cuối cùng, giáo viên cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng của việc học online kéo dài. Vì vậy, để tạo động lực cho học sinh, giáo viên cần giữ được nguồn năng lượng ổn định. Nhà trường cũng cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của nhà giáo để kịp thời hỗ trợ.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!