Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ có lúc mắc lỗi. Chúng ta thường sợ con hư nên vội chỉ trích lỗi sai của bé và để lỡ mất thời điểm tốt nhất giúp trẻ tự nhận thức.
Hãy bình tĩnh và đợi con bình tĩnh lại, việc đầu tiên bố mẹ nên làm là hỏi trẻ 8 câu hỏi dưới đây.
1. Đã xảy ra chuyện gì vậy?
Để cho con có cơ hội nói. Đừng nhận định vấn đề theo thói quen, càng đừng vội mắng con té tát.
Trước tiên hãy bình tĩnh nghe con giải thích, đứng trên góc độ của cháu để tìm hiểu sự việc. Hơn nữa để trẻ có cơ hội nói chuyện, cho dù là lỗi của con thì cháu cũng sẽ sẵn sàng nhận sai vì có cơ hội giải thích cho mình.
2. Con cảm thấy thế nào?
Để trẻ nói ra cảm giác của mình.
Sau khi tìm hiểu chuyện đã xảy ra, đừng vội dạy dỗ con ngay. Tác động lên tâm lý của trẻ là cảm nhận chủ quan, không có đúng sai. Nhiều lúc, chúng ta chỉ cần nói lên cảm nhận của mình thôi.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi một người xúc động mạnh thì não bộ sẽ khó tiếp nhận kích thích bên ngoài.
Cũng có nghĩa là khi một người còn xúc động, người khác nói gì thì người đó cũng đều không nghe. Luôn phải đợi đến khi họ bình tĩnh lại mới có thể suy ngẫm vấn đề.
Thế nên nếu chúng ta muốn con có thể tiếp thu ý kiến của mình thì cần phải đồng cảm với cháu, để bé nói lên cảm xúc của mình.Sau khi con đủ bình tĩnh, bạn có thể hỏi cháu câu thứ 3.
3. Con muốn thế nào?
Lúc này cho dù trẻ nói ra điều bất ngờ gì cũng đừng hoảng hốt, càng đừng sợ hãi, mà bạn phải bình tĩnh hỏi tiếp câu thứ 4.
4. Vậy con có cách nào không?
Ở giai đoạn này, chúng ta nên tôn trọng lời nói không cần đắn đo của trẻ, tôn trọng ý kiến của bé.
Chúng ta cũng có thể cùng con nghĩ cách, đưa ra lời khuyên và cùng cháu tìm ra cách giải quyết. Như vậy từ đó về sau, mỗi khi gặp phải vấn đề, con sẽ muốn nhờ bạn giúp đỡ.
Khi đợi đến lúc không nghĩ ra được cách gì hơn thì bạn có thể hỏi con câu thứ 5.
5. Hậu quả của những cách này sẽ thế nào?
Để con suy ngẫm và tìm hiểu hậu quả mà cháu sẽ phải nhận sau mỗi cách giải quyết, xem cháu có chấp nhận được hậu quả này không.
Nếu lúc này trẻ không thể suy nghĩ rõ ràng, bố mẹ cần đứng lên giúp con hiểu ra vấn đề, nói cho cháu hiểu hậu quả là gì.
Nhưng ở đây chúng ta nên tránh thuyết giáo, chỉ cần trần thuật sự việc là được.
6. Con quyết định làm thế nào?
Sau khi phân tích mọi tình huống và hậu quả, trẻ cũng biết cân nhắc ưu khuyết điểm mà chọn cách giải quyết có lợi nhất. Hơn nữa, đây cũng thường là lựa chọn hợp lý nhất, thông minh nhất.
Ngay cả khi lựa chọn của con không như mong đợi của mình, bạn cũng phải tôn trọng quyết định của cháu. Nếu bạn nói mà không làm, sợ rằng sau này con sẽ không tin tưởng bạn nữa.
Hơn nữa, cho dù trẻ chọn sai, cháu cũng có thể học được bài học quý giá khó quên hơn từ lỗi sai này.
7. Con muốn bố/mẹ làm gì?
Khi con nói ra mình cần bạn giúp đỡ thế nào, bố mẹ nhất định phải ủng hộ tích cực. Sự ủng hộ của bố mẹ là hậu thuẫn vững chắc cho trẻ. Điều này sẽ giúp con thêm tự tin.
Đợi khi sự việc qua đi, hãy hỏi con câu cuối cùng.
8. Lần sau chúng ta nên làm thế nào?
Đợi sự việc qua đi, hãy dành cho con cơ hội nhìn lại chính mình. Đối chiếu lại xem phán đoán và cách giải quyết của mình có hiệu quả không, tăng cường khả năng phán đoán cho bản thân.
Không ít phụ huynh cho rằng, con mình còn nhỏ, không có khả năng giải quyết vấn đề. Trên thực tế, mặc dù con còn rất nhỏ, cháu cũng biết vận dụng một vài sách lược và cách làm để giải quyết vấn đề.
Thế nên sau khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ đừng ngại thử hỏi con 8 câu hỏi trên trước. Luyện tập thêm vài lần, con sẽ có được khả năng tự giải quyết vấn đề, không cần chúng ta phải lo lắng.
Khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề mới là khả năng và của cải quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của con.