Đừng thương cảm kẻ giết người hàng loạt!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm gần đây, Netflix bùng nổ thể loại phim kẻ giết người hàng loạt.

Kẻ giết người hàng loạt khi lên phim Netflix chỉ cho thấy ngoại hình điển trai. Ảnh: Netflix
Kẻ giết người hàng loạt khi lên phim Netflix chỉ cho thấy ngoại hình điển trai. Ảnh: Netflix

Loạt phim của Netflix về chủ đề tội phạm có thật thường chung một đặc điểm, xoáy sâu vào tuổi thơ đầy tổn thương dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách của nguyên mẫu. Nó khiến người xem xót xa, cuối cùng đi tới kết cục không mong muốn nhất: Quên mất tội sát nhân.

Biến tấu nguyên mẫu

Những năm gần đây, Netflix bùng nổ thể loại phim kẻ giết người hàng loạt. Các biên kịch và đạo diễn lấy chính tội phạm có thật, viết nên văn và dựng thành phim. Nguyên mẫu nổi bật nhất có lẽ là Ted Bundy (1946 – 1989, Mỹ), gã sát nhân đã bắt cóc, hãm hiếp và sát hại nhiều phụ nữ và trẻ em gái trong thập niên 1970.

Ted thú nhận đã giết ít nhất 30 người. Ngay từ ngày đầu tiên y bị bắt, báo giới và truyền thông Mỹ rơi vào hố mê hoặc không lối thoát. Người ta thi nhau giật tít, viết truyện, sáng tác kịch… về hắn. Năm 1986, bộ phim đầu tiên về tiểu sử Ted lên sóng.

Từ đó đến nay, hàng chục tiểu thuyết và phim về y đã chào đời. Năm 2019, Netflix ra mắt bộ phim “Tột cùng xấu xa - Kinh hoàng và hèn hạ” (Extremely Wicked, Shockingly Evil and Vile).

Trái với tựa đề, nội dung phim khiến người xem mê mẩn kẻ giết người có khuôn mặt đẹp như tượng nam thần Hy Lạp, miệng lưỡi ngọt ngào, hành vi lãng mạn và sự khôn ngoan không ai bì.

Vào vai Ted là tài tử Zac Efron (1987). Anh trẻ và cực kỳ đẹp trai. Bộ phim của Netflix tập trung vào mối tình “đẹp như mơ” giữa Ted và cô gái tên Kloepfer. Khán giả không biết trước về Ted chẳng thể nào ngờ, nhân vật “bạn trai lý tưởng” này lại là kẻ hãm hiếp, tra tấn và giết hại hàng chục, thậm chí có khả năng là hàng trăm người.

Cuối tháng 9/2022, Netflix tiếp tục dòng phim tội phạm có thật với “Quái vật: Tiểu sử Jeffrey Dahmer” (Monster: The Jeffrey Dahmer Story). Tác phẩm này lấy Jeffrey Dahmer (1960 – 1994), tên sát nhân mang biệt danh “Kẻ ăn thịt người vùng Milwaukee” làm nhân vật chính. Dahmer phạm tội sát hại, chặt xác và ăn thịt đồng loại với 17 nam giới, trong đó có người là trẻ vị thành niên.

Với tiêu đề “tiểu sử”, phim của Netflix dành nhiều thời lượng cho tuổi thơ của Dahmer. Nó phô bày chi tiết cuộc sống tổn thương từ trong bụng mẹ (mang thai trong tình trạng nghiện ngập, tinh thần bất ổn) đến thiếu cha, bị bạn bè trung học bắt nạt thậm tệ…

Nhân vật Jeffrey Dahmer do diễn viên Evan Peters thủ vai. Ảnh: Netflix

Nhân vật Jeffrey Dahmer do diễn viên Evan Peters thủ vai. Ảnh: Netflix

Khơi dậy cảm thương

Chỉ vài ngày sau khi “Quái vật: Tiểu sử Jeffrey Dahmer” công chiếu, 1 video với tiêu đề “Tại sao tôi thấy tiếc cho Jeffrey?” trên mạng xã hội Tik Tok đã thu hút hàng vạn lượt xem.

“Tôi nghĩ hắn ta điên, tôi chắc chắn hắn ta bị điên và chỉ là tên đốn mạt. Thế nhưng mặt khác, sâu trong trái tim tôi lại cảm thấy thương tiếc. Hắn đã quá cô đơn và chỉ muốn được bầu bạn mà thôi”, người quay video giải trình.

Chưa hết, người này còn nói “có thể Jeffrey đã mắc chứng tự kỷ” và “điều này khiến trái tim tôi tan nát”.

Bên dưới video, 1 bình luận viết “Jeffrey là người tốt và đó là lý do tại sao anh ấy giết người một cách dứt khoát. Bởi vì, anh ấy không muốn họ phải chịu đau đớn. Khi mà anh ấy qua đời, tôi đã rơi nước mắt”.

“Tôi cũng vậy. Ước gì anh ấy vẫn còn sống. Nếu thế, tôi sẽ viết thư an ủi”, tài khoản khác đồng cảm.

“Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi anh ấy bị phớt lờ. Giá có ai đó chịu giao tiếp với anh ấy, thảm cảnh đã không xảy ra”, tài khoản khác thương xót.

Bây giờ, chỉ cần gõ cụm từ “Jeffrey Dahmer” trên Tik Tok, bạn liền thấy hàng loạt các bài đăng cũng như video bày tỏ cảm xúc tội nghiệp. Nhiều tài khoản còn thông cảm cho hành vi giữ đầu và hài cốt nạn nhân ngay trong căn hộ đang ở của Jeffrey.

“Đừng tiếc sai người nữa!”

Giới phê bình lo ngại, phim tội phạm có thật của Netflix khơi dậy sự trắc ẩn không cần có. Ảnh: Netflix

Giới phê bình lo ngại, phim tội phạm có thật của Netflix khơi dậy sự trắc ẩn không cần có. Ảnh: Netflix

Vào vai Jeffrey là tài tử Evan Peters (1987). Giống như Efron, Peters cũng siêu đẹp trai và diễn xuất tài tình. Nhiều người đánh giá, chính diện mạo và diễn xuất của Peters mới là thứ khiến khán giả tội nghiệp và thông cảm cho Jeffrey.

“Hãy chỉ ngưỡng mộ Evan Peters với tư cách diễn viên thôi, xin đừng sùng bái anh ấy trong vai Jeffrey Dahmer”, một tài khoản Twitter van vỉ. Không phải đến tận bây giờ mà từ năm 2019, khi “Tột cùng xấu xa - Kinh hoàng và hèn hạ” khuấy đảo các rạp chiếu, nhiều nhà bình luận và người xem đã kêu gọi “đừng thương cảm kẻ sát nhân hàng loạt”.

“Chúng ta không cần có thêm bất cứ câu chuyện nào về Ted Bundy nữa”, nhà văn Shailee Koranne (Canada) than vãn. Càng về sau, các tác phẩm về Ted càng quên mất tội ác của y.

Từ thơ, truyện đến kịch, điện ảnh đều chỉ chăm chú ngoại hình điển trai, tài năng tán gái và bộ óc khôn ngoan, tránh được điều tra, trót lọt vượt ngục. Tệ hơn, một phần khán giả bắt đầu đổ lỗi cho các nạn nhân, thậm chí thấy họ “đáng đời”.

Tình tiết khiến người xem cảm thấy tiếc nhất trong “Quái vật: Tiểu sử Jeffrey Dahmer” có lẽ là mối quan hệ giữa Jeffrey và Tony Hughes, nạn nhân bị câm điếc. Đang thân thiết với Jeffrey, Hughes lại né tránh nên khiến Jeffrey nhớ lại tuổi thơ bị ruồng bỏ, cuối cùng ra tay giết người để “mãi được bên nhau”.

Thực chất, tình tiết trên chỉ là thêm thắt của biên kịch cho phim đậm nhân văn. Không có bằng chứng đời thực nào cho thấy, Jeffrey yêu hay sắp yêu Hughes mà không nhận ra, nên mới phạm tội giết người.

Sau khi “Quái vật: Tiểu sử Jeffrey Dahmer” công chiếu, Rita Isbell, em gái của nạn nhân tên Errol Lindse đã giận dữ viết trên Insider. “Tôi không hề được Netflix hỏi thăm. Lẽ ra, trước khi quay phim, họ nên liên hệ với chúng tôi để xin phép, vì nội dung có thể gây phiền hà cho người trong cuộc. Thế nhưng, họ đã không làm mà cứ tùy tiện quay”.

“Tất cả những gì Netflix làm chỉ là kiếm tiền từ thảm kịch. Đó là thói tham lam. Tôi chỉ xem một đoạn và thấy không cần phải xem tiếp. Tôi đã sống và là một phần trong đời thật của nó. Tôi biết chính xác nó diễn ra như thế nào”, Isbell viết tiếp.

Netflix liên tục phải đối mặt với nhiều cáo trạng “biến tấu nguyên mẫu vì mục đích kiếm tiền”. Các bộ phim về tội phạm hàng loạt có thật của họ hình như đánh mất phần “có thật”, tập trung quá nhiều vào tâm lý (cái không thể xác thực), lý giải nguyên nhân (chỉ mang tính suy diễn) và khơi gợi lòng trắc ẩn.

Nhiều nhà phê bình cũng lo ngại vì, trong thời đại siêu Internet và mạng xã hội ngày nay, kiểu phim này có khả năng khơi dậy “nỗi ám ảnh không cơ sở” và phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Theo vice

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ