Sau Thoả thuận Matignon (năm 1988) và Thoả thuận Noumea (năm 1998), Pháp và các đảng phái chính trị ở New Caledonia đã ký kết thoả thuận mới về tương lai cho vùng lãnh thổ này.
Đại diện của cả hai phía đều coi thoả thuận này có ý nghĩa lịch sử. Bởi nội dung cốt lõi mới đạt được là New Caledonia trở thành Nhà nước New Caledonia, có quyền tự trị sâu rộng trong khuôn khổ nhà nước Cộng hòa Pháp, đồng thời có quốc tịch riêng - song song với quốc tịch Pháp, có thể được thế giới bên ngoài công nhận ngoại giao, tự quyết định về đối ngoại và tiến tới sẽ được chuyển giao chủ quyền sâu rộng hơn về quốc phòng, tiền tệ, tư pháp và lập pháp...
Thoả thuận cũng mở đường cho New Caledonia trở thành quốc gia mới trên thế giới, làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa Pháp và New Caledonia cũng như cục diện địa chính trị, tương quan lực lượng quốc tế ở khu vực Nam Thái Bình Dương nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
New Caledonia bị Pháp xâm chiếm làm thuộc địa từ thập kỷ 50 của thế kỷ 19. Trong 3 cuộc trưng cầu dân ý, tổ chức ở đây vào các năm 2018, 2020 và 2021 về New Caledonia độc lập hay không độc lập với Pháp, cũng tức là ly khai hay không ly khai Pháp, đa số người dân ủng hộ New Caledonia tiếp tục thuộc về Pháp.
Dù vậy, mối quan hệ giữa vùng lãnh thổ này với Pháp vẫn sôi sục bất hòa bạo lực và di sản tiêu cực của quá khứ lịch sử vẫn rất nặng nề. Năm ngoái, bạo lực hỗn loạn đã bùng phát ở New Caledonia mà nguyên do có liên quan trực tiếp đến chuyện quá khứ lịch sử chung giữa Pháp và New Caledonia.
New Caledonia là lãnh thổ hải ngoại duy nhất mà Pháp còn có được ở khu vực Nam Thái Bình Dương, chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cho nên, nếu không nhanh chóng xử lý ổn thoả và lâu bền mối quan hệ với New Caledonia thì sẽ rất tai hại đối với Pháp. Thực thi triệt để phi thực dân hóa là cam kết của Pháp trong hai thoả thuận trước. Nếu Pháp không thực hiện cam kết này thì thể diện và uy tín quốc tế của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi đó, phong trào ly khai ở New Caledonia phát triển ngày càng thêm mạnh mẽ và vùng Nam Thái Bình Dương đã trở thành nơi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Mỹ, Australia và New Zealand với Trung Quốc. Cuộc ganh đua này quyết định ở mức độ không hề nhỏ về tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên mọi phương diện.
Ký kết thoả thuận mới không phải là chuyện dễ dàng nhưng gần như bắt buộc đối với Pháp. Chỉ như thế Pháp mới có thể duy trì vị thế lâu dài và ảnh hưởng ở New Caledonia, vẫn sở hữu tiền đồn và bàn đạp chiến lược ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Sách lược này là nới lỏng để níu kéo, bỏ để giữ.
Tuy nhiên, thỏa thuận mới cũng là canh bạc lớn của nước Pháp bởi nhằm tới cái chưa biết rồi chắc chắn có đạt được không? Những ẩn số là sự chấp thuận của Quốc hội Pháp và của người dân ở New Caledonia cũng như ở việc thực hiện cụ thể như thế nào?