“Sát nhân nhện” - Kẻ giết người hàng loạt gây tranh cãi tại Iran

GD&TĐ - Với biệt danh “sát nhân nhện”, Saeed Hanaei, sống tại thành phố Mashhad, Iran đã ra tay với 16 người phụ nữ hành nghề mại dâm rồi bọc kín thi thể của họ trong những lớp áo như tơ nhện.

Saeed ra hầu tòa năm 2002.
Saeed ra hầu tòa năm 2002.

Dù bị bắt, hắn vẫn cố chấp cho rằng, mình đang thực hiện lý tưởng “thanh lọc đạo đức”.

Thi thể trong “tơ nhện”

Tháng 8/2000, cảnh sát phát hiện thi thể của một người phụ nữ 30 tuổi ở thành phố Mashhad, các thủ đô Tehran của Iran 720km về phía Đông Bắc. Qua khám nghiệm tử thi, họ phát hiện nạn nhân bị siết cổ đến chết bằng chính chiếc khăn trùm đầu mà cô ấy đeo. Thi thể của nạn nhân bị quấn trong nhiều lớp áo dài truyền thống của phụ nữ Hồi giáo và bị vứt bên vệ đường.

Sau đó, liên tiếp các vụ án mạng được phát hiện với các thi thể bị vứt ngoài đường phố hoặc trong cống rãnh lộ thiên. Các nạn nhân đều là phụ nữ hành nghề mại dâm, độ tuổi trải rộng từ 18 đến 50 tuổi. Họ bị siết cổ tương tự với nạn nhân đầu tiên được tìm thấy. Đặc biệt, thi thể của họ luôn được bọc kín trong những lớp áo dài như tơ nhện.

Những vụ án mạng khiến người dân lẫn chính quyền thành phố Mashhad vô cùng bàng hoàng. Cảnh sát tin rằng, hung thủ trong các vụ án là cùng một người bởi cách thức hành động như nhau. Họ đã đưa 500 phụ nữ mại dâm vào chương trình bảo vệ. Người dân, đặc biệt là phụ nữ, được khuyến khích không ra khỏi nhà một mình vào buổi tối, không đến những nơi hẻo lánh.

Giới truyền thông liền đặt tên cho hung thủ là “sát nhân nhện” bởi hình thức bọc kín xác nạn nhân trong trang phục truyền thống như chiếc túi đựng thi thể. Họ cũng lo sợ rằng, một nhóm tôn giáo cực đoan đứng sau các vụ giết người, có thể đe dọa đến sự bình an tại thành phố này.

Tên sát thủ bí ẩn này đã đưa cả thành phố Mashhad vào tình trạng căng thẳng, u ám trong suốt một năm. Tuy nhiên, đến tháng 7/2001, hung thủ đã bị bắt khi một trong số những cô gái mại dâm hắn tiếp cận nhận ra hắn có hành vi bất thường. Người nay đã nhanh chóng bỏ trốn và báo với cảnh sát. Rất nhanh chóng, cơ quan điều tra đã có mặt tại nơi tập trung gái mại dâm và tiến hành bắt giữ nghi phạm.

Bất ngờ thay, khi nói với phóng viên tại hiện trường bị bắt, “sát nhân nhện” không những không tỏ vẻ ăn năn, mà còn tuyên bố chắc nịch rằng giết người để “làm sạch” thành phố. Nếu không bị bắt, hắn ta sẽ tiếp tục gây án bởi “kể cả giết 150 phụ nữ nữa thì tôi cũng không bận tâm”.

Gieo rắc nỗi kinh hoàng trong quá trình gây án đến khi bị bắt, “sát nhân nhện” vẫn tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi tại Iran vì những hành động và suy nghĩ tiêu cực của hắn ta nhắm vào gái mại dâm. Cho đến nay, tư tưởng của “sát nhân nhện” vẫn được nhiều người ủng hộ.

Nạn nhân của “sát nhân nhện” đều là gái mại dâm.
Nạn nhân của “sát nhân nhện” đều là gái mại dâm.

Sứ mệnh thánh thần

“Sát nhân nhện” tên thật là Saeed Hanaei, sinh năm 1962 trong một gia đình trung lưu bình thường tại thành phố Mashhad, Iran. Hắn ta có niềm tin vô cùng mạnh mẽ vào các thế lực linh thiêng dù là một công nhân xây dựng có vẻ ngoài bình thường cùng tính cách tương đối kín đáo, trầm mặc.

Các cuộc điều tra sâu vào quá khứ của Saeed cho thấy, hắn chưa từng gặp phải chấn thương tâm lý hay sự kiện tác động đủ lớn để khiến hắn trở thành kẻ giết người hàng loạt.

Sau khi kết hôn với người vợ tên Fatemah, một ngày nọ, Saeed đã nhìn nhầm một cô gái bán dâm đi cùng tài xế taxi là vợ mình. Trong cơn tức giận, sau khi về nhà, hắn đã chửi bới vợ thậm tệ và không nghe cô giải thích. Đối với một người có tín ngưỡng mạnh mẽ như Saeed, việc vợ mình bán dâm là điều không thể chấp nhận. Sự việc này châm ngòi cho những tội ác kinh hoàng sau đó, do chính tay Saeed thực hiện.

Một đêm Chủ nhật trong tháng 8/2000, Saeed tình cờ gặp nạn nhân đầu tiên, một người phụ nữ bán dâm 30 tuổi. Theo lời khai của Saeed, hắn đã dụ dỗ cô về nhà mình rồi siết cổ người phụ nữ bằng chiếc khăn trùm đầu cô đeo. Sau đó, hắn quấn cô trong những lớp áo dài rồi ném bên vệ đường.

Sự kiện đêm hôm đó đã thúc đẩy Saeed tiếp tục sát hại những người phụ nữ mại dâm. Ban ngày, hắn ta làm việc chăm chỉ tại công trường xây dựng. Đến tối, đợi khi gia đình đi cầu kinh, Saeed sẽ lẻn ra đường tìm gái mại dâm. Hắn ta sẽ đưa các cô gái về nhà và dùng khăn trùm đầu siết cổ.

Sau vụ giết người thứ ba, Saeed không còn muốn lẩn trốn. Hắn ta vứt xác nạn nhân thứ 4 ở vệ đường, đợi cảnh sát đến rồi giúp họ đưa thi thể nạn nhân vào xe cấp cứu. Những vụ án sau đó, hắn ta tiếp tục làm vậy chỉ để chứng kiến “thành tựu” của bản thân.

Saeed không có bất kỳ tiêu chí cố định nào cho các nạn nhân. Miễn là người phụ nữ đó bán dâm, hắn sẽ tìm cách giết chết cô ta. Saeed thừa nhận đã sát hại 16 người phụ nữ dù cảnh sát tìm thấy 19 thi thể ở Mashhad tính từ vụ án đầu tiên.

Mashhad vốn là thành phố linh thiêng, nơi đặt một ngôi đền Hồi giáo lớn với rất đông tín đồ. Là một người có niềm tin mạnh mẽ, Saeed cho rằng, hắn nắm giữ sứ mệnh dọn dẹp ô uế xung quanh khu vực thánh địa Mashhad. Và mục tiêu của Saeed là gái mại dâm, những người hắn cho là mang dòng máu dơ bẩn, là “liều thuốc độc với đạo đức xã hội”.

Sau khi Saeed bị bắt, sự phẫn nộ đối với hành vi độc ác của hắn đã lan tỏa khắp Iran. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người cũng bất ngờ trước mức độ mại dâm tại thành phố linh thiêng này và có hành động phản đối việc bắt giữ Saeed.

Niềm tin lạc lối

Tư tưởng cực đoan của Saeed được nhiều người ủng hộ.
Tư tưởng cực đoan của Saeed được nhiều người ủng hộ.

Nhiều người sùng bái tôn giáo cực đoan đã tổ chức các chiến dịch ủng hộ hắn. Một luật sư có tiếng tăm đã tình nguyện bào chữa cho hắn ta. Tờ Nhật báo Keyhan đưa tin rằng, nhiều người dân tại thành phố Mashhad đã tỏ ra vui mừng với những vụ giết người của Saeed.

Về bản chất, Saeed là kẻ giết người hàng loạt nhưng điều này không ngăn cản nhiều người dân ở Trung Đông ca ngợi hắn như một anh hùng Hồi giáo. Một số phương tiện truyền thông còn kêu gọi tha bổng cho Saeed. Họ đưa ra luật Hồi giáo cổ, có đoạn: “Nếu kẻ sát nhân chứng minh được nạn nhân mang “dòng máu dơ bẩn” thì sẽ được tha bổng”.

Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, tất cả các hình thức mại dâm đã bị cấm ở Iran nhưng nó đã dần phổ biến trở lại trong thế kỷ 21. Việc Saeed, một người bình thường, không có tố chất tội phạm, lại có thể bình thản gây án trong thời gian dài với tận 16 nạn nhân đã làm dấy lên tranh cãi về việc nhà chức trách “nhắm mắt làm ngơ” để Saeed phạm tội. Từ đó, chính quyền thành phố cũng đang dung túng tư tưởng “thanh lọc đạo đức”.

Nhưng nhiều người đã chịu im lặng khi kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy sau khi đưa gái mại dâm về nhà, Saeed đã có hành vi quan hệ tình dục trước khi giết họ. Hắn ta cũng bị kết tội trộm cắp, giả mạo giấy tờ để tự xưng là thành viên của cơ quan khuyến khích nhân đức, một đơn vị hoàn toàn không có thật do Saeed tự nghĩ ra.

Hắn ta thừa nhận trước tòa đã lợi dụng giấy tờ giả mạo để quấy rối tình dục những người phụ nữ mà hắn ta cho là có hành vi lệch lạc như không đeo khăn trùm đầu ngoài đường phố, gặp đàn ông lạ mặt không phải chồng của họ…

Thời điểm đó, nghị sĩ Ali Zafarzadeh tin rằng có một mạng lưới tinh vi đứng đằng sau vụ giết người. Ông đưa ra giả thuyết vụ giết người hàng loạt này tương tự như vụ giết người hàng loạt năm 1998 với nạn nhân là những phần tử trí thức và những người bất đồng chính kiến. Các nhà chức trách Iran đã phải chịu áp lực lớn khi cố gắng điều tra những vụ giết người.

Dù vậy, hành vi và tư tưởng của Saeed đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Con trai 14 tuổi của hắn đã biện minh cho hành vi của cha mình và cho hay: “Nếu cha tôi bị xử tử, hàng chục người khác sẽ thay thế ông ấy. Như hiện nay, nhiều người dân đã yêu cầu tôi tiếp nối hành động của cha mình để tiêu diệt những kẻ dơ bẩn”.

Bất chấp những tranh luận trái chiều, tháng 4/2002, Saeed bị tuyên án tử hình vì hành vi giết người hàng loạt. Hắn bị treo cổ vào sáng sớm trong khuôn viên nhà tù Mashhad. Trái với quy định của luật Hồi giáo, cả gia đình và người thân của nạn nhân đều không được có mặt. Bởi lẽ do bản chất nhạy cảm của vụ án, việc hành quyết không được thực hiện công khai cho công chúng biết.

Khi vụ việc chưa nguôi sức nóng, tháng 8/2002, nhà làm phim Maziar Bahari, Tehran cho ra mắt bộ phim tài liệu “And Along Came a Spider” để tái hiện vụ án của Saeed. Bộ phim tạo dựng lại không khí sục sôi của người dân ở Iran khi theo dõi tiến trình vụ án cũng như phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, nơi những người thiểu số có tư tưởng bảo thủ truyền thống cảm thấy bị đe dọa bởi làn gió đổi mới.

Ông Bahari đánh giá bản chất Saeed là kẻ sát nhân máu lạnh nhưng hắn được nhiều người tôn vinh là anh hùng dân tộc. Hắn ta đã phải sống trong môi trường lạc hậu, đầy độc hại dẫn đến những hành vi lệch lạc tự cho là đúng.

Bộ phim cũng cung cấp thêm cái nhìn đặc biệt về thế giới của những người lao động bình dân, thế giới tuyệt vọng của những cô gái mại dâm bị nghiện ma túy, nghèo đói và chế độ gia trưởng nặng nề tại Iran.

“Những người đồng cảm với hành động của Saeed Hanaei vẫn còn mạnh mẽ trong xã hội nhưng phần lớn người dân Iran kỳ vọng vào xã hội khoan dung, ít tư tưởng cực đoan hơn”, ông Bahari bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ