Dùng sự thân thiện chế ngự bạo lực học đường

Dùng sự thân thiện chế ngự bạo lực học đường

(GD&TĐ) - Thân thiện với bạn bè, sẵn sàng hòa nhập với tập thể lớp bằng tình cảm chân thành, yêu thương, bằng thái độ biết tôn trọng mọi người là phẩm chất mà mỗi học sinh cần có. Tuy nhiên, sự thân thiện ở học sinh không phải tự nhiên có mà cần sự quan tâm, giáo dục của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh.

Thân thiện, hòa nhã với mọi người sẽ giúp HS tinh thần thoải mái tích cực trong học tập
Thân thiện, hòa nhã với mọi người sẽ giúp HS tinh thần thoải mái tích cực trong học tập
 

1. Trong các trường phổ thông hiện nay, bên cạnh rất nhiều những học sinh biết cách sống vui vẻ, hoà nhã, thân thiện với bạn bè khi đến lớp, đến trường vẫn còn không ít học sinh với những nguyên nhân khác nhau chưa biết cách cư xử đúng mực, chưa biết hòa đồng với tập thể lớp. Những học sinh này trở thành nỗi lo lắng của các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô làm công tác chủ nhiệm, những người trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc giáo dục nhân cách của các em.

Những học sinh chưa thân thiện với bạn hữu trong lớp có thể chia thành hai nhóm, được hình thành theo những đặc điểm cá tính hoàn toàn trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất bao gồm những học sinh rụt rè, ít nói, ngại giao tiếp với các bạn trong những hoạt động vui chơi giải trí. Những học sinh này sống trầm cảm và chỉ muốn thu mình lại, không hòa đồng với các bạn trong lớp. Tất nhiên, tác hại của cách sống này không nặng nề nhưng cũng ảnh hưởng tới những hoạt động sôi nổi của phong trào thi đua trong lớp, ảnh hưởng tới chính tinh thần của các em. Với nhóm học sinh mang cá tính này, việc giúp đỡ các em không khó nếu các thầy cô giáo gần gũi các em, từ đó tìm đúng nguyên nhân của sự “trầm lặng” để có biện pháp giúp đỡ thích hợp, khuyến khích, động viên các em hòa nhập với tập thể, với cuộc sống học tập, sinh hoạt, vui chơi của cả lớp.

Đáng lo ngại và cần phải quan tâm giáo dục nhiều hơn là nhóm học sinh mang cá tính hiếu động, không làm chủ được bản thân, không tôn trọng kỷ cương của lớp, của trường và thường liên kết với nhau tạo nên những rắc rối trong nội bộ lớp. Có thể gọi nhóm này là những học sinh cá biệt thường gây mất đoàn kết, khiến cho không khí lớp học trở nên nặng nề, thiếu thân thiện. Những học sinh thuộc nhóm này còn khống chế các bạn tích cực trong lớp bằng cách chế giễu, châm chọc, bằng những cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa và nguy hại hơn, có khi còn đe dọa, gây gổ đánh bạn. Trong một lớp học, nếu các thầy cô giáo không có biện pháp ngăn chặn kịp thời những trò nghịch phá của nhóm học sinh này thì hậu quả sẽ khôn lường.

Bên cạnh việc học văn hóa, HS cần học cách ứng xử với mọi người xung quanh
Bên cạnh việc học văn hóa, HS cần học cách ứng xử với mọi người xung quanh
 

2. Những học sinh cá biệt thiếu ý thức kỷ luật cấp học nào cũng có nhưng ở mức độ và sự nguy hại khác nhau. Ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, các em còn nhỏ tuổi nên những khuyết điểm mắc phải nhiều khi chỉ là cá tính tự nhiên, dễ uốn nắn. Nếu được các thầy cô giáo nhắc nhở, các bậc ông bà, cha mẹ kết hợp với nhà trường thường xuyên quan tâm thì các em sẽ thấy được lỗi lầm của mình và nhanh chóng hòa nhập với tập thể lớp.

Còn đối với các em ở cấp Trung học phổ thông, tuổi đã lớn, cũng giống như một cái cây đã cứng, khó có thể uốn nắn. Những biểu hiện về tính vô kỷ luật của các em sẽ gây nên những tác hại về đạo đức như thái độ vô lễ với thầy cô giáo, coi thường kỷ cương của nhà trường và tệ hại hơn là nguồn gốc của bạo lực học đường. Tất cả những việc làm sai trái đó là hậu quả tất yếu ở những học sinh không chịu rèn luyện về ý thức kỷ luật, không tạo cho mình thói quen thân thiện với tập thể lớp, với bạn bè, với mọi người.

Đối với những học sinh này, nhà trường, gia đình, xã hội cần kiên trì giáo dục các em với biện pháp vừa chân tình chỉ dẫn, vừa kiên quyết nghiêm khắc để các em thấy được cái sai, tác hại của cách sống đó. Cần tạo cho học sinh niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự khi đến trường, từ đó, các em sẽ biết cách ứng xử văn hóa, thân thiện với nhau, với mọi người xung quanh.

Trong xã hội hiện đại, con người muốn sống tích cực và hòa nhập với cộng đồng thì cần phải được trang bị những kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống. Đó là những kỹ năng cần thiết để giúp người ta đương đầu với những thách thức, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống một cách có hiệu quả nhất.

Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường phải chủ động tạo ra môi trường GD lành mạnh, an toàn, thân thiện, giúp cho học sinh trở nên tự tin hơn, chủ động và tích cực hơn trong các hoạt động GD.

Đặc biệt, học sinh THPT và cuối THCS đang ở độ tuổi có những biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Đây là thời kỳ các em hình thành nhân cách, tập làm người lớn, ham tìm tòi cái mới, cái lạ. Có em chưa nhận thức được một cách sâu sắc cái gì nên làm, cái gì nên tránh, tốt, xấu đôi khi còn lẫn lộn. Chính vì vậy, các thầy, cô giáo cần hướng dẫn cho các em biết vượt qua khó khăn của tuổi dậy thì. Nhà trường cần xây dựng nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho HS. Các gia đình không nên cho các em tiếp xúc với các truyện tranh, đồ chơi,  phim ảnh, game...  mang tính kích thích và bạo lực.

NGND Phạm Ngọc Quang (Thanh Hóa)

Trần Cự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ