Người dùng có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh.
Ý tưởng từ “kế hoạch nhỏ” trong nhà trường
Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi tiếng có hàng chục triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Riêng tại Việt Nam, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra 80 tấn nhựa và nilon.
Một lượng phế liệu lớn thải ra môi trường mỗi ngày chính là bài toán về rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường mà không chỉ những cơ quan lãnh đạo, chính quyền mà chính những người dân cũng đang quan ngại. Hiểu được tình huống này, VECA được Bùi Thế Bảo và cộng sự là chị Đỗ Thị Minh Trang cùng nhau thành lập.
Bùi Thế Bảo cho biết, VECA ra đời vào năm 2019 với ý tưởng bắt nguồn từ chương trình Kế hoạch nhỏ - thường được triển khai trong các nhà trường và đạt được hiệu quả không nhỏ, khi thu được hàng trăm kilogram giấy vụn mỗi đợt. Thời điểm ấy, Bùi Thế Bảo đang làm quản lý một nhà máy giấy ở Tây Ninh.
Anh nhận thấy còn quá nhiều lãng phí mà ngành phế liệu giấy chưa làm triệt để trong quy trình thu mua, xử lý… Người dân chưa có thói quen phân loại rác, hoặc nếu có phân loại rác thì ở công đoạn thu gom vẫn dồn về một mối.
Người bán không tìm được người mua nên cuối cùng mang bỏ ra bãi rác. Giải quyết bài toán này sẽ giúp hạn chế rác xả thải ra môi trường, đưa phế liệu trở thành nguyên liệu cho ngành tái chế.
Ứng dụng công nghệ được xây dựng, với mô hình tương tự theo kiểu của Grab dành cho ngành thu mua phế liệu. Người thu mua và người bán ve chai sẽ có một ứng dụng riêng. Khi có nhu cầu, người bán lên ứng dụng đặt thời gian, địa điểm và loại ve chai cần bán. Người thu mua nhận đơn và đến nhà thu mua theo đơn giá đã được niêm yết.
VECA là từ viết tắt của ve chai. Sau khi nhóm xây dựng hoàn thiện ứng dụng, phải hơn một năm sau, ứng dụng mới được đi vào sử dụng. Các loại ve chai mà VECA thu mua là giấy báo, giấy hồ sơ, giấy thùng, sắt đặc, sắt vụn, sắt tôn, mũ bình, mũ nhựa, nhôm, lon nhôm, vỏ hộp giấy.
Với những người bán, VECA có thể sử dụng các phương pháp marketing truyền thống như quảng cáo trên mạng xã hội, các hoạt động giới thiệu ở hội chợ, siêu thị, chung cư, hay chương trình đổi ve chai lấy quà. Nhưng với người thu mua, suốt ngày rong ruổi trên đường, chỉ có thể làm ‘case by case’” hoặc thuyết phục các vựa ve chai giới thiệu ứng dụng tới từng người.
Đội ngũ của VECA xuống đường, tìm đến từng người thu mua, có mặt ở từng vựa ve chai, hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng. Không chỉ để thu nhận đơn, VECA còn hoạt động như một số ghi chép, tính toán thay cho sổ tay truyền thống.
Từ giá niêm yết, người bán chỉ cần nhập số lượng từng mặt hàng là ra giá từng đơn. Cuối tháng, họ không cần tính toán cũng có được thống kê số lượng thu mua, lợi nhuận hằng tháng. VECA không thu phí cả người dùng và người bán mà chỉ quy định “người đi thu mua phải mặc áo đồng phục của VECA”.
Hai nhà sáng lập Veca Đỗ Minh Trang và Bùi Thế Bảo. |
Giảm 3 - 5% lượng rác thải bỏ ra môi trường
VECA hiện đang có mặt trên 2 cửa hàng ứng dụng phổ biến là AppStore và Google Play. Giao diện thân thiện với màu chủ đạo xanh lá - trắng, nền màu sáng thoải mái và bố cục trang chính rõ ràng, mạch lạc. Thể hiện rõ 10 mặt hàng phế liệu bao gồm: Giấy báo - giấy hồ sơ, giấy thùng, sắt đặc, sắt vụn, sắt tôn, mũ bình, mũ nhựa, nhôm và lon nhôm, VECA giúp người dùng dễ dàng lựa chọn và tham khảo giá thành của từng loại phế liệu cũng như phù hợp với người dùng ở mọi lứa tuổi.
Bảo kể, hồi cuối năm 2021, VECA đã phối hợp với Tetra Pak thu gom vỏ hộp giấy. Mỗi kilogram vỏ hộp giấy sẽ được đổi điểm và đổi lấy các phần quà là sản phẩm tái chế.
Hiện VECA có 29 nghìn lượt tải, khoảng 6.000 giao dịch, chủ yếu ở 12 quận thuộc TPHCM. Doanh thu của startup này đến từ các chương trình thu hồi bao bì cho nhãn hàng và thu mua ve chai qua các trạm thu gom.
Trong đó, phế liệu thu mua, họ bán trực tiếp cho công ty tái chế với mức chênh lệch từ 10 - 12% trở lên. Anh Bùi Thế Bảo cho biết, với doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng trong sáu tháng qua, VECA vẫn đang chịu lỗ do chi phí vận hành lớn hơn nhiều so với các vựa ve chai hộ gia đình.
Nhóm đã đi gọi vốn với các nhà đầu tư khác ngoài Shark Tank. Là startup hướng tới bảo vệ môi trường, thúc đẩy cho kinh tế tuần hoàn, VECA thích hợp hơn với những quỹ đầu tư tạo tác động xã hội, nghĩa là cân bằng cả yếu tố lợi nhuận lẫn vấn đề môi trường.
Nhóm chia sẻ tin vui, từ đầu năm 2022 đến nay, với lượng khách hàng và ve chai tăng đột biến, VECA đang xây dựng lại vựa mới thay cho hai vựa cũ. Ở giai đoạn đầu, họ đã có những tính toán không đúng về quy mô, nên diện tích nhỏ, không có chỗ để máy ép, máy băm phế liệu. Giờ đây khi số lượng tăng thì cần phải xây dựng vựa mới có diện tích lớn hơn.
Nói về mục tiêu của VECA, anh Bùi Thế Bảo đặt kỳ vọng có thể giảm được 3 - 5% lượng rác thải có giá trị bị bỏ ra môi trường. Anh giải thích: “VECA chỉ có thể tham gia vào giai đoạn đầu, nghĩa là phân loại rồi đưa cho nhà máy tái chế. Thời điểm này, không chỉ Việt Nam mà thế giới đều đang thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nên điều này là hoàn toàn khả thi. VECA như một đốm lửa nhỏ nhen lên và rất cần các ngọn lửa khác để thay đổi vấn đề này ở Việt Nam như cách mà Thụy Sĩ, Nhật Bản đang làm, xử lý từ 80 - 90% rác thải”.
Để đạt được những mục tiêu đó, anh Bảo biết đang cố gắng làm tốt ở từng khâu. Trước hết với người thu mua ve chai, VECA mang đến cho họ hai điều: Được cân đúng và được tôn trọng. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng điều này theo anh Bảo lại mang tính chất quyết định về sự gắn bó của người thu mua, điều họ không nhận được từ các vựa ve chai nhỏ lẻ, mô hình hộ gia đình.
Anh nói: “VECA có nguyên tắc không được cân thiếu. Ai cân sai là đuổi việc. Người thu mua ve chai đến vựa được tôn trọng, được quan tâm hỏi han và được thấy giá trị đóng góp cho cộng đồng, xã hội”.
Mục tiêu của nhóm trong thời gian tới là có mặt ở thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và bắt đầu có lợi nhuận với doanh số đặt ra khoảng 13 tỷ đồng. Phấn đấu có tỷ lệ thu gom thông qua ứng dụng chiếm hơn 20% tổng khối lượng phế liệu thu gom của một người mua.