Đừng hiểu sai về đốt pháo

GD&TĐ - Có lẽ chưa có chủ trương nào mà được toàn dân đồng thuận cao như việc cấm đốt pháo được ban hành bằng Chỉ thị 406 TTg năm 1994. Đã 27 năm trôi qua, chỉ thị trên vẫn còn mang tính thời sự.

Dù đã có sự đồng thuận của toàn dân trong việc chấp hành lệnh cấm nhưng đâu đó trong một số ít gia đình, mỗi dịp tết đến, vẫn còn phát ra những tiếng nổ “đì đùng” từ việc lén lút đốt pháo. Có thể coi, đó là những “tiếng nổ lạc lõng”, song nó phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết; nghiêm trọng hơn, nó vi phạm lệnh cấm của Chính phủ, phép nước đã không được nghiêm.

Chính vì có nhu cầu nên nguồn cung luôn sẵn sàng đáp ứng. Năm nào cũng vậy, cứ vào cữ áp Tết thế này là ở biên giới nhộn nhịp hàng nhập lậu “phục vụ Tết”, trong đó có mặt hàng pháo nổ.

Trong một tuần qua, cùng với việc bắt giữ nhiều người nhập lậu qua biên giới mang theo nguy cơ lây lan dịch Covid-19, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ nhập pháo lậu, khi thì ở Lạng Sơn, lúc thì ở cửa khẩu Lao Bảo tỉnh Quảng Trị, lại có hôm ở biên giới Tây Nam.

Dù pháo lậu được nhập về từ cửa khẩu nào thì nguồn gốc của nó vẫn được sản xuất từ Trung Quốc - quốc gia láng giềng từng cấm đốt pháo trước nước ta.

Nếu như những năm trước, việc tiêu thụ pháo lậu còn ở dạng lén lút thì năm nay, một số trang web cá nhân đã công khai việc “ship hàng tận nhà” nếu khách có nhu cầu mua pháo. Sở dĩ có việc liều lĩnh này là do một số người hiểu không đúng hoặc cố tình hiểu sai về Nghị định 137/2020/NĐ-CP hồi cuối tháng 11/2020 về quản lý, sử dụng pháo.

Một cuộc tranh luận trên mạng xã hội đã nổ ra ngay sau khi có Nghị định nói trên. Có người cho rằng, Nhà nước đã bắt đầu “nới lỏng” cho phép đốt pháo hoa “thoải mái” rồi. Sự nhập nhèm giữa nhiều cách nghĩ về một Nghị định có thể trở thành mảnh đất màu mỡ để pháo nổ có dịp “tái sinh” cũng không chừng.

Trước nguy cơ nạn đốt pháo có khả năng quay trở lại, ngành công an đã phải lên tiếng giải thích cặn kẽ về Nghị định 137 nói trên. Theo đó, người dân cần phải hiểu là, đốt pháo ở đây là “pháo hoa không có tiếng nổ”. Nghĩa là, loại pháo được đốt trong dịp Tết chỉ làm “vui mắt” chứ vô hại. Pháo hoa này không phải “bắn”, vì bắn là phải có tiếng nổ!

Những ai từng trải qua thời kỳ “cả nước đốt pháo” mỗi dịp Tết đến thì quá thấu hiểu với nhiều cảnh tang thương do đốt pháo. Cấm được chuyện đốt pháo đã là một thành công trong việc dẹp bỏ một tập tục không tốt của người Việt. Gần 30 năm qua, chúng ta sống trong bình yên mỗi dịp đón Tết. Không đốt pháo vẫn vui xuân đó thôi. 

Những ai cố tình hiểu sai chuyện đốt pháo bông để rồi “chen ngang” vô loại pháo nổ, có thể dẫn đến những chuyện đau lòng cho bản thân và xã hội, cần phải bị lên án. Chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần phải mạnh tay để diệt ngay từ trong trứng nước chuyện “phục hồi” việc đốt pháo này.

Một cái Tết bình yên không dịch dã, không tiếng nổ từ các loại pháo là mong muốn của tất cả mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ