Đừng để 'giẫm' chân lên giá trị cũ

GD&TĐ - Luật Di sản cần có những quy định cụ thể, sao cho việc khôi phục di tích không 'giẫm chân' lên giá trị cũ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là ý kiến của ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - tại Hội thảo góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Nước ta có hơn 10 nghìn di tích cấp tỉnh, 3.591 di tích cấp quốc gia, 123 di tích quốc gia đặc biệt. Khoảng 70 nghìn di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật. Trong đó 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt.

Trước những yêu cầu từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế. Giới bảo tồn và dư luận cả nước từng nhiều phen giật mình khi một công trình xây dựng mới toanh mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình), hay những di tích trăm tuổi bỗng được trùng tu “trẻ hóa”.

Do đó, Luật Di sản văn hóa cần phải “trùng tu” chi tiết. Kèm theo đó là hướng dẫn thi hành để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Điều chỉnh, cụ thể hóa những vấn đề vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - cảnh báo, nhiều di tích khảo cổ học sau khi khai quật đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi cả các yếu tố tự nhiên lẫn con người. Trong khảo cổ học, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ là thu thập tư liệu. Nếu không phác dựng lại quá khứ, thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích.

Phá hủy, phá hoại di tích – từ lâu đã trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Di tích cả nghìn năm tuổi, chỉ trong “nháy mắt” đã biến thành công trình mới, bởi sự vô tâm và coi thường lịch sử của không ít người làm công tác quản lý.

Thêm vào đó là nạn tôn tạo “chui” cũng khiến di tích phải ngậm ngùi. Nguyên nhân là do những “lỗ hổng” trong quản lý di sản. Muốn chặn vấn nạn này, không gì khác phải bịt những kẽ hở bằng cách phân cấp và phân quyền, đồng thời cũng “phân” luôn trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.

Đã đến lúc, kẻ nào gây thiệt hại thì phải chịu hậu quả tương xứng. Di sản văn hóa không phải thứ được tạo thành qua một vài chục năm, mà phải mất hàng trăm hoặc cả nghìn năm mới hình thành.

Thế nên, trong quá trình góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, cơ quan chức năng nên hoàn thiện các quy định liên quan. Đặc biệt, nên chi tiết việc xử lý các sai phạm đối với tập thể và cá nhân. Đồng thời, rất nên có khung hình phạt đối với các mức sai phạm cụ thể.

Vì trong lịch sử, sau mỗi câu chuyện di tích bị phá là những lời “phủi trách nhiệm”, hoặc cấp này đổ đầu cấp kia. Có xử lý, chỉ vài trăm nghìn tiền phạt hành chính, sao đủ sức răn đe đối với hành vi phá nát di sản?!.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ