Đứng dậy sau bão lũ: Hạnh phúc khi gặp lại trò

GD&TĐ - Khi bão lũ đi qua, trường lớp mở cửa trở lại cũng là lúc công tác ổn định tâm lý HS đóng vai trò vô cùng quan trọng để các em bắt nhịp học trở lại.

Học sinh Trường Tiểu học Trí Yên (Việt Yên, Bắc Giang) đi học trở lại. Ảnh: Ngô Chuyên
Học sinh Trường Tiểu học Trí Yên (Việt Yên, Bắc Giang) đi học trở lại. Ảnh: Ngô Chuyên

Không thể khắc phục một sớm một chiều

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ khiến 93 trường từ mầm non tới THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Các thiết bị, đồ dùng dạy học cũng bị hư hỏng nhiều với 80 bộ máy tính, 1 máy chiếu, 26 chiếc màn hình tivi, 2.295 quyển sách giáo khoa và 2.546 thiết bị dạy học khác. Tổng thiệt hại trên 23 tỷ đồng.

Thầy giáo Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Yên Bái) cho biết, công tác dọn dẹp vệ sinh trường lớp đã ổn, dù còn đó rất nhiều những khó khăn. Nhà trường có thầy Nguyễn Hữu Tuấn và 3 cô giáo nữa bị thương khi cứu trường, cứu lớp, cố gắng khắc phục hậu quả mưa lũ để học sinh đến trường. Có lẽ, ai cũng muốn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của học trò mình buổi đầu đến lớp học sau bão lũ, nên không có thầy cô nào vắng mặt.

Ngay khi bão qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã thống kê chi tiết về thiệt hại từng trường, mặt khác bám sát tình hình để có phương án khắc phục hợp lý. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ cũng biết rõ trường nào cần gì để giúp đỡ thiết thực nhất. Tuy nhiên, bàn ghế, sách vở hư hỏng là khó khăn lớn với nhiều trường mà không dễ tháo gỡ ngay lập tức.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mưa lũ khiến nhiều trường học bị ngập sâu, thiệt hại nặng các cơ sở vật chất như bàn ghế, tủ đồ, đồ dùng, đồ chơi học sinh.

Toàn huyện có trên 260 học sinh bị thiệt hại sách giáo khoa, trong đó lớp 1 thiệt hại 21 bộ, lớp 2 thiệt hại 26 bộ, lớp 3 thiệt hại 29 bộ, lớp 4 thiệt hại 42 bộ, lớp 5 thiệt hại 37 bộ, lớp 6 thiệt hại 28 bộ, lớp 7 thiệt hại 41 bộ, lớp 8 thiệt hại 17 bộ và lớp 9 thiệt hại 23 bộ.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương, giúp đỡ nhiệt tình từ các đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực của các thầy, cô giáo và học sinh, ngành Giáo dục huyện Phú Lương đã khắc phục được 95% sách vở, đồ dùng học tập để phát cho học sinh ngay khi trở lại trường học tập.

Tại tỉnh Bắc Kạn, toàn huyện Chợ Đồn có 9 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất. Ví như, ở điểm chính Trường Mầm non Bản Thi, mưa lũ dâng cao, nước chảy xiết tràn qua sân trường khiến một số đồ chơi và thiết bị ngoài trời trôi mất. Trường Mầm non Quảng Bạch bị sạt lở đất đến sát tường hàng rào, phía sau sân khấu và nhà 2 tầng. Trường Mầm non thị trấn Bằng Lũng bị tốc mái 1 góc nhỏ của dãy nhà lớp học…

Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Là một trong những trường học bị thiệt hại nặng do bão số 3 và mưa lũ, học sinh toàn trường phải nghỉ học nhiều ngày bởi đất taluy tràn vào tường rào và các phòng chức năng làm hỏng 4 cửa kính, vùi lấp tủ đựng tài liệu, bàn làm việc, sạt đất khu tường rào sau bán trú 20m, khối lượng đất sạt xuống lên tới 300m3.

Một thực tế cũng đáng nói, sau bão lũ nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, nước lũ đã cuốn trôi sách vở, quần áo, đồ dùng học tập của học sinh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời từ các đơn vị, cá nhân nhiều trường học đã phần nào khắc phục được về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Trường PTDTBT THCS Xuân Lạc đã nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của một số đơn vị trên địa bàn như 1.500 quyển vở cùng đồ dùng học tập và nhu yếu phẩm, chăn, nước lọc, sữa, bánh… Ngay sau khi nhận hỗ trợ, trường trao những món quà để các em có đầy đủ đồ dùng khi tới lớp. Qua đó cũng góp phần giảm gánh nặng cho gia đình.

hanh phuc khi gap lai tro (5).jpg
Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) liên hoan Tết Trung thu trước giờ học. Ảnh: Hà Thuận

Động viên nhau vượt khó

Đối với thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tất cả đều nỗ lực để những lớp học “như chưa hề có cơn bão đi qua”.

Dù bị gãy một tay, thầy Nguyễn Hữu Tuấn - giáo viên môn Toán, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên vẫn lên lớp dạy học. Thầy Tuấn chia sẻ: “Tôi bị ngã gãy tay trái nên vẫn lên lớp dạy học sinh đúng theo lịch. Buổi học đầu tiên, thầy trò cùng động viên nhau vượt qua khó khăn; tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, đồng thời thực hiện dạy theo yêu cầu của chương trình, năm học”.

Nhìn trường học đã sạch bùn đất, các hoạt động giáo dục dần đi vào nền nếp, thầy Tuấn không thể quên những ngày bản thân cùng đồng nghiệp gồng mình chống chọi với bão lũ. “Nước sông lên nhanh lại vào buổi đêm, nhà trường không kịp chạy một số đồ dùng dạy học, bàn ghế, tài liệu tại tầng 1. Khi nước rút dần, thầy cô phải đến trường bằng mọi con đường có thể vì khu vực Trấn Yên gần như bị cô lập.

Có thầy cô nhà ở dưới thành phố nên di chuyển theo đường qua xã Y Can (huyện Trấn Yên), xa hơn cung đường đi hằng ngày gần 20km. Cứ đi xe máy được tới đâu thì đi, đoạn nào không đi được thì gửi xe lại, thầy cô lội nước, bùn để vào trường…”, thầy Tuấn nhớ lại.

Vượt qua sự hiểm nguy luôn rình rập trên cung đường vào trường những ngày sau bão lũ, thầy Tuấn cùng các đồng nghiệp vẫn nỗ lực để xem xét có thể cứu được thứ gì trong số thiết bị, đồ dùng dạy học… và triển khai công tác vệ sinh trường lớp.

Khi nước rút, trường ngổn ngang bùn đất từ các lớp học, sân trường, bàn ghế… Nhìn khung cảnh ấy ai cũng oải nhưng tất cả đều quyết tâm “làm ngay, làm luôn” để học sinh có thể tới trường sớm nhất và sớm ổn định tâm thế học tập. Nhờ sự trợ giúp của 160 cán bộ giáo viên của 8 trường THPT trên toàn tỉnh đến dọn dẹp, công việc khắc phục sau lũ của nhà trường tương đối tốt.

hanh phuc khi gap lai tro (1).jpg
Nước ngập sâu tại TP Thái Nguyên đợt bão lũ vừa qua. Ảnh minh họa: Phương Thảo

“Sau một ngày ở trường từ 6 giờ sáng đến chiều tối để dọn dẹp, tôi lên xe máy đi về, không ngờ vì mệt, bùn đất trơn nên ngã gãy tay. May mắn tay trái nên tôi vẫn lên lớp bình thường. Mình phải giữ tinh thần vui vẻ để động viên cho học trò đến lớp”, thầy Tuấn lạc quan chia sẻ.

Em Vũ Vương Minh - lớp 11 A6, nhà ở thôn 9, xã Quy Mông bị ngập tới nóc, toàn bộ đồ dùng trong nhà bị lũ cuốn trôi, trong đó có cả sách vở và quần áo. Trong buổi học đầu tiên sau lũ, em đã có mặt và tham gia đầy đủ các hoạt động học tập cùng thầy cô và các bạn.

Minh chia sẻ: “Bộ quần áo em đang mặc là mượn của bạn. Đến trường, thầy cô cho vở, bút, cặp… còn sách em dùng chung với bạn. Thầy cô nói sẽ xin cho em sách giáo khoa nên em khá yên tâm. Sáng em đi học, chiều em lại về đỡ bố mẹ dọn nhà”.

Cơn bão số 3 khiến cho các lớp học, phòng thư viện bị hư hỏng nặng, khu bể bơi bị sập hoàn toàn, nhiều cây to bị đổ; nước bùn đất phù sa tràn vào trường buộc Trường Tiểu học Trí Yên (Việt Yên, Bắc Giang) phải tạm đóng cửa một tuần để khắc phục hậu quả. Ngày 17/9, nhà trường mới tổ chức đón học sinh đi học trở lại.

“Trong thời gian nghỉ học, ngoài việc dọn dẹp, sửa chữa, chúng tôi cũng phân công giáo viên thường xuyên liên lạc với học sinh, phụ huynh thông qua nhóm Zalo để cô trò nắm được tình hình, đảm bảo các hoạt động hướng dẫn, ôn bài trực tuyến, động viên học trò yên tâm.

Với những học sinh gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ, ngập, nhà trường vận động nhà hảo tâm, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, những nhu yếu phẩm cần thiết. Do có sự phối hợp với gia đình kỹ càng nên học sinh trở lại trường lớp an toàn và tâm thế bắt nhịp học tập cũng tốt hơn”, cô Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên nói.

17/9 - ngày đi học đầu tiên sau lũ, nhiều học sinh của Trường Tiểu học Trí Yên vẫn phải qua các đoạn bị ngập, nguy cơ sạt lở, nước xoáy. Do đó, nhà trường đã phân công giáo viên đến đón học sinh tới trường để đảm bảo an toàn. Sau khi học sinh quay trở lại học, nhà trường sẽ bố trí lịch học bù vào thứ 7 và các buổi chiều trống để kịp tiến độ chương trình.

hanh phuc khi gap lai tro7.jpg
Khuôn viên Trường THCS Túc Duyên (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) sau mưa lũ. Ảnh: ITN

Tương tự, Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Na Hang (Tuyên Quang) bị ảnh hưởng khá nặng do bão số 3. Có thời điểm trường bị mất điện ba ngày liên tục, thầy và trò bị cô lập, nước lũ bao vây.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên có mặt ở trường hỗ trợ, chăm sóc các em. Vì vậy, nhiều thầy cô khi nước lũ kéo về không có ở nhà để kê, cất đồ dùng sinh hoạt, thiết bị điện tử… dẫn đến hư hỏng.

Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đồng thời cho hay: “Với đặc thù trường nội trú, chúng tôi luôn đặt sự an toàn của các em lên hàng đầu. Thời điểm diễn ra bão số 3, toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên phải động viên, đảm bảo tâm lý an tâm, lo chu đáo để các em yên tâm ở lại trường. Vì thế khi lũ đến, nhiều thầy cô không kịp trở tay để thu dọn đồ đạc của gia đình”.

Sau 3 - 4 ngày bão tan, nước rút các thầy cô cơ bản đã dọn dẹp xong nhà cửa, đối với một số gia đình có nguy cơ sạt lở đã chuyển lên nhà tập thể nhà trường ở tạm. Nhà trường thường xuyên động viên về vật chất, tinh thần để giáo viên có điều kiện tốt nhất giảng dạy.

“Một cô giáo của trường là diện hợp đồng có hoàn cảnh khó khăn (bố mẹ già, con nhỏ), chúng tôi cũng lên phương án để tìm cách hỗ trợ”, thầy Tuấn trao đổi.

hanh phuc khi gap lai tro (2).jpg
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Bắc Kạn tặng vở cùng các đồ dùng thiết yếu cho Trường PTDTBT THCS Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: Phương Thảo

Yên nghỉ nhé, chúng tớ học thay phần của bạn

Trung thu năm nay thiếu 13 học sinh. Đó là chia sẻ của các giáo viên của Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh đã vùi lấp gần 40 nóc nhà. Đến chiều 15/9, có 52 người được xác định thiệt mạng, 14 người mất tích và 15 người bị thương. Trong đó có nhiều trẻ em và học sinh đang học tại Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh.

Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh cho biết, thôn Làng Nủ có hơn 100 học sinh đang học tại trường. Thôn có 2 khu vực, trong đó, khu vực xảy ra lũ quét đa phần học sinh đang ở bán trú tại trường. Trong ngày 15/9, thầy cô đã dọn dẹp các phòng bán trú và phòng chức năng của nhà trường để đón toàn bộ học sinh ở Làng Nủ về ở bán trú.

“Ngày 16/9, hơn 100 học sinh tại thôn Làng Nủ trở lại trường học. Buổi học đầu tiên sau đợt bão lũ, Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh có nhiều ghế trống. Trong đó, có 13 học sinh ở Làng Nủ vĩnh viễn không quay lại trường. Cùng đó, có 7 em bị thương đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên”, thầy Vinh thở dài.

Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh có một điểm trường đặt tại Làng Nủ cho học sinh lớp 1, lớp 2 không đủ điều kiện ở bán trú. Trước đó, chỉ có khoảng 50 học sinh ở Làng Nủ thuộc diện bán trú. Sau trận lũ, khu vực Làng Nủ không còn an toàn, nhà trường quyết định gọi tất cả học sinh của thôn ra ở bán trú tại trường.

“Hai ngày nay, nhiều chỗ ngồi đã trống vì học sinh thiệt mạng sau lũ quét. Nhiều em xúc động, không dám ngồi vào của bạn. Thầy cô phải động viên mãi mới chịu ngồi. Cùng đó, một số em mất bố mẹ, người thân cần có sự động viên và quan tâm đặc biệt từ giáo viên để các em sớm ổn định tâm lý”, thầy Phạm Đức Vinh chia sẻ.

Buổi học đầu tiên sau trận lũ quét, lớp cô Lộc Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh làm chủ nhiệm vắng 2 học sinh. 1 em vĩnh viễn đi theo dòng lũ. May mắn hơn một chút là 2 bố con em Hoàng Thị Hồng Nhung đã thoát khỏi hiểm nguy, hiện bị thương nặng, đang được chữa trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, bà nội của Nhung lại không được may mắn như thế.

“Dịp Tết Trung thu hằng năm, không khí ở đây rất vui vẻ. Nhà trường tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ để các em cảm nhận được không khí của tết đoàn viên. Thế nhưng chiều 16/9, sau khi ổn định học sinh, nhà trường chỉ tổ chức phát kẹo bánh Trung thu cho các em. Trung thu năm nay buồn lắm, thiếu đi 13 học sinh ở Làng Nủ”, cô Hiền xót xa nói.

Không khí buổi học của các học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh rất trầm lắng. Khuôn mặt ai cũng buồn bởi phải “chia tay” 2 người bạn cùng lớp, cùng làng sau gần chục năm gắn bó, ăn chung, ở chung từ thời tiểu học.

Nghẹn ngào khi kể về buổi học đầu tiên ra lớp, cô Phùng Thị Bích Phượng - giáo viên chủ nhiệm lớp nói: “Lớp tôi có 41 em nhưng giờ chỉ còn 39. Hôm nay, học sinh Ma Trường Quyền xin nghỉ học bởi em bị sốc khi chính người bạn thân đã bị mất trên tay mình. Dù đã cố gắng để cứu được bạn khỏi cơn lũ dữ nhưng khi bế bạn trên tay, em ấy lại không thể cứu bạn trước tử thần”.

Theo cô Phượng, thương tâm hơn khi cả gia đình 5 khẩu của em H.T.Q.M thì có 4 người bị nhấn chìm trong cơn lũ. “Hôm đến bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương sau lũ, nhìn thấy tôi, phụ huynh em M khóc và cho biết, vợ và con của anh đều đã mất cả mà bây giờ vẫn chưa tìm thấy. Lúc đó, tôi và những người trong phòng chỉ biết khóc nghẹn”, cô Phượng kể trong nước mắt.

Buổi học đầu tiên, bên cạnh việc tưởng niệm đến các nạn nhân bị thiệt mạng sau mưa lũ, thầy cô Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh cũng không quên gửi những lời động viên chia sẻ. “Các bạn đã mất rồi, người ở lại cần phải cố gắng học tốt. Khi có kiến thức, các em sẽ quay trở lại giúp đỡ bản làng, quê hương của mình”, thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Vinh dặn dò học sinh.

Ngành Giáo dục thiệt hại hơn 1,2 nghìn tỷ đồng

Bộ GD&ĐT tổng hợp thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa sau bão số 3 từ báo cáo của 18/26 tỉnh, thành.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ GD&ĐT tổng hợp, tính đến thời điểm ngày 16/9/2024, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.

Riêng thiệt hại về cơ sở vật chất là 514,730 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại với giáo dục mầm non là 117,637 tỷ đồng; giáo dục tiểu học: 139,515 tỷ đồng; THCS: 142,044 tỷ đồng; THPT: 115,534 tỷ đồng.

Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là 745,801 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại với giáo dục mầm non là 306,618 tỷ đồng; giáo dục tiểu học: 169,514 tỷ đồng; THCS: 156,028 tỷ đồng; THPT: 113,642 tỷ đồng.

Cùng với đó là thiệt hại 41.564 bộ sách giáo khoa. Trong đó, giáo dục tiểu học thiệt hại 23.943 bộ sách; THCS: 10.598 bộ sách; THPT: 7.023 bộ sách.

Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề. Có giáo viên, học sinh bị tử vong và mất tích; nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.