Đức thiếu nhà ở dành cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở ngày càng tồi tệ, hàng chục nghìn sinh viên Đức không thể tìm được chỗ ở trước khi bắt đầu năm học mới.

Nhiều sinh viên Đức không thuê được nhà vì giá cả đắt đỏ.
Nhiều sinh viên Đức không thuê được nhà vì giá cả đắt đỏ.

Sinh viên quốc tế là nhóm chịu tác động lớn nhất.

Nhiệt độ đang giảm xuống khi các cơ sở giáo dục đại học Đức bước vào học kỳ mùa Đông nhưng hàng chục nghìn sinh viên, học viên cao học chưa thuê được nhà ở dài hạn. Họ gần như không thể đăng ký ở trong ký túc xá của trường hoặc thuê một căn nhà ngoài khuôn viên trường với giá hợp lý.

Đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu Eduard Pestel công bố báo cáo cho thấy Đức đang thiếu hơn 700 nghìn căn hộ, đặc biệt là ở phân khúc bình dân. Giá thuê nhà đã tăng đáng kể, trước hết là tại khu vực có các trường đại học lớn.

Ông Matthias Anbuhl, người đứng đầu Hiệp hội Sinh viên Đức (DSW) cho biết, việc thiếu nhà ở giá rẻ dành cho sinh viên tại các thành phố lớn là “tình trạng tồi tệ” trong nhiều thập kỷ. Hiện nay, DSW quản lý 1.700 ký túc xá trên khắp nước Đức với khoảng 196 nghìn chỗ ở. Hơn 32 nghìn sinh viên đăng ký nhưng nằm trong danh sách chờ.

Vì tình trạng thiếu chỗ ở tăng cao, chi phí thuê nhà trung bình tại Berlin, Đức, đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Theo nghiên cứu của Viện Moses Mendelssohn, giá thuê trung bình tại Berlin là 650 euro, cao hơn 100 euro so với năm 2022. Trợ cấp chỗ ở hiện tại cho sinh viên theo chương trình trợ cấp và cho vay sinh viên liên bang là 360 euro.

Do giá thuê nhà cao, số lượng sinh viên đăng ký ở ký túc xá ngày càng tăng nhưng họ chỉ nằm trong danh sách chờ. Nhiều người mở rộng tìm nhà ở các khu vực xa thành phố, thậm chí ở vùng ngoại ô và chấp nhận mất thời gian di chuyển.

Trong tình cảnh trên, sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Ông Thomas Schmidt, đại diện về các vấn đề xã hội tại Ủy ban Chung sinh viên (AStA) cho biết, một số sinh viên có thể thuê nhà dưới sự bảo đảm tài chính từ cha mẹ nhưng sinh viên quốc tế không nhận được điều này.

Ông Stefan Grob, Phó Tổng Thư ký DSW, chia sẻ: “Chúng tôi lo ngại chúng ta đang tiến tới một xã hội hai tầng. Những người giàu có có thể học ở bất cứ đâu họ muốn và có đủ khả năng chi trả chỗ ở. Còn lại là những người không thể. Thật kinh khủng khi tiền có thể quyết định vị thế của họ. Mọi người có thể học đại học mà không cần biết họ thông minh hay thông minh đến mức nào”.

Để giải quyết tình trạng trên, Hiệp hội Sinh viên thành phố Gottingen, miền Trung nước Đức, đã thuê một khách sạn và cho sinh viên thuê lại với mức giá ưu đãi trong những tuần đầu học kỳ. Tại thành phố Munich, sinh viên có thể thuê lều trong địa điểm cắm trại để ở tạm thời.

Đầu năm 2023, Chính phủ liên minh Đức đã phân bổ khoản trợ cấp liên bang trị giá 500 triệu euro nhằm cung cấp chỗ ở giá phải chăng cho sinh viên, học viên cao học. DSW hoan nghênh động thái trên nhưng chưa đủ hiệu quả để giải quyết vấn đề.

“Sinh viên phải cạnh tranh chỗ ở với các nhóm xã hội khác như người già, gia đình trẻ, người có thu nhập thấp, người tị nạn... Điều chúng ta đang thảo luận không chỉ là vấn đề của hệ thống giáo dục mà là vấn đề xã hội”, ông Grob cho hay.

Nghiên cứu của DSW chỉ ra số lượng sinh viên ở Đức đã tăng từ một triệu lên 2,9 triệu trong 12 - 15 năm qua. Tuy nhiên, chính phủ chưa đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội để theo kịp tốc độ tăng này nên tình trạng thiếu nhà ở diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.