Khủng hoảng nhà ở toàn cầu

GD&TĐ - Dân số thế giới đang tăng lên, kéo theo đó là số lượng người di cư từ nông thôn lên thành phố.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cảnh báo thiếu nhà ở từng được coi là vấn đề của các nước đang phát triển nhưng giờ đây đã trở thành khủng hoảng toàn cầu. Ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Australia cũng đang loay hoay giải quyết nhà ở, đặc biệt khi năm học mới bắt đầu và sinh viên quốc tế ồ ạt trở lại.

Dân số thế giới đang tăng lên, kéo theo đó là số lượng người di cư từ nông thôn lên thành phố. Dự đoán đến năm 2050, dân số tại các thành phố và đô thị sẽ tăng lên 70%. Khoảng 3 tỷ người trên thế giới sẽ sống trong các khu ổ chuột do đô thị quá đông đúc. Cuộc sống của họ rơi vào nguy hiểm nghiêm trọng vì không được tiếp cận với các nhu cầu cơ bản như nước, vệ sinh, điện....

UN-Habitat dự đoán 50% mức tăng dân số khu ổ chuột tập trung ở Nigeria, Philippines, Ethiopia, Tanzania, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập và Pakistan. Tương lai của thế giới nằm ở các đô thị nhưng cuộc sống của nhiều người dân toàn cầu không còn chỗ trong diện tích nhỏ hẹp này.

Tại thủ đô của nước Anh, theo báo cáo của Hội đồng London, cứ 50 người thì có một người vô gia cư. Gần 170.000 người, trong đó có 83.500 trẻ em, đang sống trong những nơi ở tạm bợ, thiếu thốn. Còn tại Australia, cứ 5 người thuê nhà thì một người sống trong tình cảnh nghèo đói. 1/10 người dân Australia đang sở hữu một căn nhà. Mỹ đang thiếu 1,5 triệu ngôi nhà.

Việc thiếu nhà ở kéo theo đó là chi phí nhà ở tăng nhanh hơn thu nhập và lạm phát. Theo một nghiên cứu, giá bình quân một ngôi nhà cao hơn gấp 3 lần thu nhập trung bình của người dân tại 90% trong 200 thành phố được khảo sát.

Tại một số quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu, thiếu nhà ở cho thuê còn ảnh hưởng đến việc tuyển sinh quốc tế. Năm ngoái, Hà Lan đã cảnh báo sinh viên quốc tế chưa thuê được nhà trọ không nên đến nước này du học mà chuyển sang các lựa chọn an toàn, ổn định hơn.

Sinh viên Australia cũng chật vật tìm nhà ở trước khi du học, nhiều người thậm chí bị lừa phải ở trong những ngôi nhà có điều kiện kém. Điều kiện sinh hoạt khó khăn sẽ là một trong những rào cản khiến sinh viên quốc tế giảm hứng thú du học, từ đó giảm số lượng tuyển sinh lẫn chất lượng đào tạo.

UN-Habitat cho rằng, thế giới cần xây dựng 96.000 ngôi nhà giá rẻ mới mỗi ngày để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 3 tỷ người vào năm 2030. Tăng nguồn cung nhà cũng là giải pháp hàng đầu của các quốc gia đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các chính phủ chú trọng xây thêm nhà ở là giải pháp tất yếu theo lẽ thường nhưng không thể coi là một giải pháp bền vững vì tài nguyên đô thị có hạn.

Người dân thế giới đang phải trả quá nhiều tiền cho việc thuê nhà so với mức thu nhập của họ. Nếu không có cách kìm hãm mức tăng này, con người sẽ không còn đủ khả năng thuê hoặc mua nhà, buộc phải sống ở những nơi tạm bợ hoặc rơi vào tình trạng vô gia cư.

Vì vậy, song song với việc xây mới và cải thiện môi trường sống ở đô thị, chính phủ các nước cần cung cấp nhà ở giá rẻ; mở rộng quá trình đô thị hóa; khuyến khích phát triển vùng ven đô và nông thôn. Ổn định giá nhà cho thuê và giá bất động sản cũng là biện pháp giúp kiểm soát và giải quyết khủng hoảng nhà ở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ