Đạo luật này được ban hành nhằm mục đích tăng số lượng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động có tay nghề và giải quyết những khoảng trống đang diễn ra trên thị trường lao động nước này.
Các biện pháp mới nhất được nêu trong Đạo luật có hiệu lực từ tháng 3/2024, trong đó có một số quy định mới đối với sinh viên quốc tế.
Trong đó, quan trọng nhất, sinh viên quốc tế ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể làm việc tới 20 giờ mỗi tuần (tăng 10 giờ mỗi tuần so với giới hạn trước đây).
Hơn nữa, quy định này cũng áp dụng cho những sinh viên đang sống nhưng chưa học đại học tại Đức, những người đang trong quá trình tìm kiếm trường đại học hoặc cho những sinh viên đang tham gia đào tạo tiếng Đức hoặc cho sinh viên đang theo học các lớp dự bị đại học.
Theo Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức: “Những bổ sung mới của Đạo luật tạo ra sự linh hoạt, giúp sinh viên đảm bảo chất lượng cuộc sống và giúp việc chuyển đổi sang thị trường lao động dễ dàng hơn. Điều đó dẫn đến việc thu hút những sinh viên nước ngoài đến Đức học tập hoặc đào tạo nghề sau đó ở lại đây như một công nhân lành nghề sau khi tốt nghiệp”.
Giống như bất kỳ điểm đến học tập nào khác nơi quyền làm việc đã được mở rộng, các biện pháp mới này rõ ràng cũng sẽ có tác dụng cải thiện khả năng cạnh tranh của Đức trên thị trường sinh viên quốc tế.
Một báo cáo đầu năm 2023 của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã đề xuất tăng cường hành động giữa các tổ chức giáo dục đại học và chính phủ để tăng gấp đôi tỷ lệ giữ chân sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp ở lại Đức.
Tiến sĩ Joybrato Mukherjee - Chủ tịch DAAD cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới việc gia tăng khoảng cách về lực lượng lao động có tay nghề trên thị trường lao động. Đồng thời, giúp Đức ngày càng trở nên phổ biến như một nơi để học tập”.
Các biện pháp tháng 3 cũng được áp dụng ngay sau thông báo chung giữa DAAD và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang vào tháng 12/2023. Trong đó nêu rõ: Tài trợ lên tới 120 triệu euro cho đến năm 2028 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ học tập sang làm việc của sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp tại Đức; Giới thiệu hai chương trình hội nhập lực lượng lao động mới được thiết kế để tăng cường giữ chân sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đức.
Theo báo cáo về sinh viên quốc tế của DAAD, năm học 2022 - 2023 có hơn 458 nghìn du học sinh theo học tại Đức, tăng 4% so với năm ngoái. So với 2014, thời điểm Chính phủ Đức phê duyệt chính sách giáo dục miễn phí, con số này đã tăng 52%.
Trong số này, gần 146 nghìn sinh viên theo đuổi ngành kỹ thuật, chiếm 31,8% và tăng 7% so với hai năm trước. Những ngành học khác được sinh viên quốc tế ưa thích là Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội, với tổng cộng hơn 87 nghìn.
“Chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ về sự phát triển của đôi bên và chỉ cho các sinh viên quốc tế con đường làm việc chuyên nghiệp ở Đức một cách hiệu quả hơn. Họ có trình độ cao và khả năng hòa nhập tốt, do đó nên tận dụng một cách chiến lược hơn tiềm năng của họ”, Tiến sĩ Joybrato Mukherjee phát biểu.