Thầy giáo cứu tiếng Đức

GD&TĐ - Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ I (1914 – 1918), thái độ bài Đức dâng cao.

Chân dung nhà giáo Mỹ gốc Đức Robert Meyer. Ảnh: Smithsonianmag.com
Chân dung nhà giáo Mỹ gốc Đức Robert Meyer. Ảnh: Smithsonianmag.com

Tại Mỹ, cộng đồng người Đức nhập cư phải đối mặt với nguy cơ đánh mất tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, bất chấp việc bị cản trở và trừng phạt, giáo viên người Mỹ gốc Đức – thầy Robert Meyer đã bằng mọi cách hợp pháp hóa việc dạy tiếng Đức cho trẻ em người Đức. Thầy vững tin, tiếng mẹ đẻ chính là di sản văn hóa mà mọi học sinh đều được quyền tiếp cận trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngược chiều thời đại

Thầy Meyer sinh cuối thập kỷ 1870. Trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ I nổ ra, thầy đã định cư và làm giáo viên ở Nebraska, tiểu bang thuộc vùng Đồng bằng Lớn và Trung Tây của Mỹ.

Theo tư liệu sử, Nebraska được công nhận là tiểu bang vào năm 1867. Lúc này, nó có khoảng 1/4 dân số là người ngoại quốc và đa phần họ đến từ Đức, Ireland, Tiệp Khắc. Nghề nghiệp chính của các cư dân nhập cư ở đây là những công việc chân tay nặng nhọc như nông dân, công nhân…

Hai thập niên đầu thế kỷ XX, tỷ lệ người Đức nhập cư ở Nebraska liên tục gia tăng. Vào năm 1920, hơn 1/4 dân số tại đây là người gốc Đức. Thầy Meyer làm giáo viên trong trường dòng của Nhà thờ Lutheran, cơ sở tôn giáo của người Mỹ gốc Đức.

Học sinh của thầy là con em của các tín đồ và dù đã định cư tại Mỹ khá lâu, phụ huynh của các em vẫn duy trì nói tiếng mẹ đẻ. Họ xem việc giữ gìn tiếng Đức như chuyện đương nhiên, kỳ vọng con cái cũng thông thạo ngôn ngữ quê hương.

Năm 1917, Mỹ tuyên chiến với Đức. Người Đức nhập cư vô tình trở thành kẻ thù chung, bị các chính trị gia, báo chí, thậm chí cả người bình thường… kỳ thị, tấn công. Tại Nebraska, giáo dục hạ quy chế cấm dạy tiếng Đức. Ngay từ lúc bắt đầu nghề giáo, thầy Meyer đã giao tiếp và giảng dạy bằng tiếng Đức.

Giống như các phụ huynh gốc Đức, thầy mong muốn thế hệ trẻ gốc Đức không quên nguồn cội, tin tưởng tiếng Đức chính là nền tảng đầu tiên để bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc kệ lệnh cấm dạy tiếng Đức, thầy tiếp tục giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ.

Ngày 25/5/1920, trong khi đang dạy khoảng 10 học sinh cấp II, thầy Meyer thoáng thấy một bóng người lướt qua ngoài cửa sổ. Người này chính là luật sư cấp quận, anh ta cố ý rình xem thầy có tuân thủ luật mới hay không và cùng ngày, thầy bị kết tội giảng dạy tiếng Đức, phạt hành chính 1 tháng tiền lương (25 USD).

Chiến thắng của thầy Meyer ấn định quyền tự do ngôn ngữ. Ảnh: Smithsonianmag.com

Chiến thắng của thầy Meyer ấn định quyền tự do ngôn ngữ. Ảnh: Smithsonianmag.com

Chiến thắng rực rỡ

Ngay sau khi bị xử phạt, thầy Meyer kháng cáo, đâm đơn kiện bang Nebraska vi phạm quyền tự do ngôn ngữ. Không may cho thầy là từ năm 1918, Hiệp hội Giáo dục quốc gia (National Education Association) đã tuyên cáo “dạy tiếng nước ngoài trong Mỹ là phi Mỹ và không yêu nước”. Vì thế, hơn 20 tiểu bang đã thông qua dự luật cấm tiếng Đức, thay thế tiếng Đức bằng tiếng Anh.

Cùng lúc, ở trên toàn nước Mỹ, nói tiếng Đức đồng nghĩa với thù địch Mỹ, ủng hộ phát xít. Bang “người Đức nhập cư” - Nebraska đi đầu phong trào bài tiếng Đức, bãi bỏ luôn quy chế “nếu có trên 50 học sinh yêu cầu ngoại ngữ nào thì cho phép mở lớp dạy ngoại ngữ đó”.

Chưa hết, thống đốc của bang còn mở nhiều buổi diễn thuyết, kêu gọi “nói tiếng Đức là xấu xa, phi dân chủ và không xứng là người Mỹ”, đồng thời cấm mọi giáo viên và học sinh, bất kể thuộc trường công hay trường tư giảng dạy và học tiếng Đức.

“Không trẻ em nào ở Nebraska có thể lớn lên mà thông thạo tiếng Đức, bởi vì chính quyền xem dạy và học tiếng Đức là tội ác”, nhà văn đương thời Willa Cather ghi lại sức mạnh của làn sóng đàn áp tiếng Đức. Trên toàn bang, sách tiếng Đức bị tịch thu và đốt. Những người dám đứng lên phản kháng thì bị bắt giữ và ép phải hôn cờ Mỹ.

Tên làng Germantown (thị trấn người Đức) bị đổi thành Garland, vinh danh người lính Mỹ quê Nebraska đầu tiên hy sinh trong Thế chiến I, thực ra chết vì viêm phổi trong doanh trại, chưa kịp lên chiến trường lần nào. Thị trấn tên Berlin thì bị đổi thành Otoe.

Các dàn nhạc không được phép chơi tác phẩm của nhạc sĩ Đức. Các nhóm sinh viên, học sinh “vì văn hóa Đức” bị giải thể. Các giáo viên, giảng viên gốc Đức bị bắt bớ, tra khảo, ép từ bỏ quốc tịch… “Nebraska đấu tranh vì an toàn dân chủ, nhưng lại đánh mất dân chủ ngay trên sân nhà”, sử gia Bruce Nicoll chỉ ra và phê phán.

Với làn sóng bài Đức dâng cao, Nebraska thành công áp chế mọi sự phản kháng. Các nhà thờ do cư dân gốc Đức xây dựng giống như Lutheran buộc phải loại bỏ tiếng Đức ra khỏi các buổi cầu nguyện.

Thầy Meyer không tìm được sự hỗ trợ nào để bảo vệ tiếng Đức, nhưng vẫn kiên quyết không đầu hàng. “Cho dù có phải vào tù, tôi cũng không thỏa hiệp với những điều sai trái”, thầy tuyên bố.

Bằng sự quyết tâm và kiên trì, thầy Meyer đưa đơn kháng cáo lên tới tận Tòa án Tối cao (Supreme Court). Luật sư Arthur Mullen ủng hộ thầy, lập luận rằng “cấm tiếng Đức là quy định thiếu khoan dung, xuất phát từ sự thù hận và định kiến dân tộc do Thế chiến gây ra nên phải được loại bỏ”.

Tại Tòa án Tối cao, thầy Meyer hùng biện “tiếng Đức không mang mầm mống nguy hại nào cả” và “chưa có trường hợp nào cho thấy, một đứa trẻ biết thêm ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh lại gây hại cho cộng đồng”. Phó tư pháp lúc bấy giờ là ông James Clark McReynolds bị thuyết phục, tuyên bố thầy Meyer trắng án.

Chiến thắng tư pháp của thầy Meyer vang khắp nước Mỹ, tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Kể từ lúc này, người Mỹ gốc Đức cũng như gốc bất cứ quốc gia nào cũng tự do tiếng mẹ đẻ. Lẽ dĩ nhiên, tiểu bang Nebraska cũng không thể tiếp tục áp luật “cấm tiếng Đức”. Có điều, nó cũng không vì vậy mà khôi phục vị trí đứng đầu của ngoại ngữ số 1 là tiếng Đức (do phần đông cư dân là người gốc Đức), mà vẫn để nguyên tiếng Anh.

Theo smithsonianmag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.