Nguyên nhân Đức tìm giải pháp thay thế chiếc ô hạt nhân Mỹ

GD&TĐ - Đức được cho là đang 'âm thầm' liên hệ với các đối tác ở Pháp và Anh để đề xuất tạo ra một giải pháp thay thế ô hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.

B61-12 - loại bom hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại nhiều căn cứ ở châu Âu.
B61-12 - loại bom hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại nhiều căn cứ ở châu Âu.

Đức bất an

Lý do chính khiến Đức - cùng với nhiều thành viên EU khác - được cho là đã bắt đầu xem xét hệ thống phòng thủ hạt nhân của châu Âu là vì "họ có những nghi ngờ nghiêm trọng" về việc, nếu đắc cử thì liệu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump "có tiếp tục bảo vệ châu Âu trong tương lai hay không", hãng RIA dẫn lời Mikael Valtersson, cựu sĩ quan của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển cho biết.

Valtersson, người cũng là cựu chính trị gia quốc phòng và chánh văn phòng của Đảng Dân chủ Thụy Điển, chỉ ra:

"Nhiều chính trị gia châu Âu không chỉ hoài nghi về cam kết của ông Trump mà còn cả cam kết của toàn bộ đảng Cộng hòa đối với an ninh châu Âu".

Theo ông Valtersson, toàn bộ tình hình là "dấu hiệu cho thấy sự mong manh trong quan hệ EU-Mỹ. Sự nổi lên của ông Donald Trump (người trước đó đã thề rằng nếu đắc cử, ông ấy sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ điều gì... họ muốn đối với các thành viên NATO không trả đúng hóa đơn ngân sách liên minh của họ) và một sự chuyển đổi của Đảng Cộng hòa đối với chủ nghĩa bảo thủ rõ ràng đã làm suy yếu mối liên kết xuyên Đại Tây Dương cũ".

Ông nhấn mạnh: "Trong thế giới an ninh mới bất ổn này, nhiều người châu Âu cố gắng tìm giải pháp thay thế để đề phòng nếu mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ sụp đổ".

Đồng thời, ông vẫn không lạc quan về khả năng của EU trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ hạt nhân chung của châu Âu, điều này rất khó xảy ra, đặc biệt là vì cả Pháp và Anh đều không có khả năng họ từ bỏ quyền kiểm soát lực lượng hạt nhân của mình.

Valtersson nhấn mạnh rằng ngay cả khi được tạo ra, năng lực hạt nhân của EU "sẽ chỉ bằng một phần nhỏ khả năng của Mỹ hoặc Nga".

"Các khí tài chống đạn đạo tiên tiến và phòng thủ khác có thể sẽ phá hủy hầu hết số ít vũ khí hạt nhân này và châu Âu sẽ có nguy cơ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân nhưng chỉ với khả năng gây thiệt hại hạn chế cho đối thủ", sĩ quan Thụy Điển nói.

Mikael Valtersson nói thêm rằng việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân tương đương với Nga hoặc Mỹ gần như là điều không thể với EU, sẽ rất tốn kém và mất rất nhiều thời gian.

"Một câu hỏi khác hạn chế việc sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân của châu Âu là câu hỏi khi nào nó sẽ được sử dụng. Tôi nghi ngờ các nhà lãnh đạo ở Tây Âu sẽ mạo hiểm bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân và họ sẽ thua để bảo vệ Đông Âu.

Một nhược điểm khác với khả năng hạn chế là: "Răn đe hạt nhân sẽ thu hút cuộc tấn công đầu tiên từ đối thủ. Nếu kẻ thù thực hiện cuộc tấn công đầu tiên thành công thì lực lượng hạt nhân sẽ không còn nhiều cơ hội để đáp trả. Dự án này có thể hữu ích về mặt chính trị nhưng không khả thi về quân sự", Valtersson nói.

Theo hướng này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ hạt nhân châu Âu đối với việc thiết lập chính sách phòng thủ thống nhất của châu Âu.

"Nếu không có chiếc ô hạt nhân chung, hệ thống phòng thủ thống nhất của châu Âu sẽ có khả năng răn đe rất hạn chế. Hệ thống phòng thủ thống nhất này cũng sẽ bị suy yếu nếu Pháp và Anh duy trì năng lực hạt nhân độc lập của mình.

Nếu không có chiếc ô hạt nhân chung, hệ thống phòng thủ thống nhất của châu Âu sẽ gần như chỉ là một con hổ giấy", cựu chính trị gia quốc phòng kết luận.

Pháp không tin vào chiếc ô Mỹ

Theo Đại tá Jacques Hogard, việc tàu ngầm Pháp phóng thành công tên lửa đạn đạo M51 hồi cuối năm 2023 cho thấy rõ học thuyết hạt nhân mới của Pháp.

Vụ phóng M51.3 được thực hiện hôm 18/11 từ một cơ sở thử nghiệm trên đất liền ở Biscarrosse, Tây Nam nước Pháp. Tên lửa đã hoàn thành chuyến bay trước khi lao xuống một địa điểm ở Bắc Đại Tây Dương.

"Chúng tôi thử nghiệm tên lửa, tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế của Pháp. Vụ phóng nằm trong chương trình phát triển tên lửa M51, một lần nữa chứng tỏ sự xuất sắc của công nghệ cao trong lĩnh vực này", Bộ Quốc phòng Pháp cho biết.

Nguyên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm M51 xuất hiện từ những năm 1980 và lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010, thay thế tên lửa đạn đạo M45 trên các tàu ngầm lớp Triomphant của Pháp.

Mỗi tàu ngầm lớp Triomphant của Hải quân Pháp có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo phóng thẳng đứng, mang lại cho Pháp đủ hỏa lực hạt nhân để tiêu diệt một quốc gia lớn trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Từ năm 2006, Pháp đã thực hiện 12 vụ phóng thử tên lửa M51, trong đó có 11 vụ thành công. Dự án phát triển biến thể M51.3 bắt đầu vào năm 2014. Phiên bản M51.3 dự kiến ​​tăng tầm bắn thêm vài trăm km so với tầm bắn ước tính hiện tại là 8.000-10.000 km và đủ sức thủng hệ thống phòng thủ đối phương.

Giữa những năm 1950, chính phủ Pháp lần đầu tiên ký kết việc thành lập một chương trình vũ khí hạt nhân. Nhà chính trị gia trở thành anh hùng trong Thế chiến thứ hai Charles de Gaulle đã là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho nỗ lực xây dựng lực lượng hạt nhân độc lập của Pháp sau khi trở thành tổng thống vào năm 1958.

Ngay từ đầu, Paris luôn tìm cách đảm bảo một lực lượng hạt nhân độc ​​lập tách biệt với Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng răn đe của Pháp bao gồm các thành phần trên bộ, trên biển và trên không, với nhiệm vụ được giao hoàn toàn cho Hải quân vào những năm 1990.

Đại tá Jacques Hogard, một cựu chiến binh 26 năm của quân đội Pháp cho biết: "Pháp là thành viên của NATO nhưng nhờ Tướng De Gaulle, chúng tôi đã duy trì sự phụ thuộc tối thiểu vào NATO về vấn đề vũ khí hạt nhân. Trọng tâm trong học thuyết hạt nhân của Pháp là không để phụ thuộc vào sự bao bọc của Mỹ".

Tiến sĩ Alessandro Politi, một chuyên gia chính trị và địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Italy, nói rằng mặc dù lực lượng răn đe của Pháp có tuổi đời tương đương với Anh song về tính phụ thuộc vào Mỹ thì nhỏ hơn nhiều.

"Ngay từ đầu, người Pháp đã khẳng định rằng biện pháp răn đe của họ mang tính quốc gia, cả về học thuyết lẫn thực tiễn. Về học thuyết, bởi vì họ không tin rằng có thể mở rộng khả năng răn đe đó sang các nước khác.

Pháp không tin bất kỳ một quốc gia nào sẽ mạo hiểm người dân nước mình để cứu người dân nước khác, bất kể các cam kết liên minh. Đó là niềm tin từ trước đến nay của Pháp. Năng lực răn đe chỉ đáng tin cậy khi nó mang tính quốc gia", nhà quan sát nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện tại, tàu ngầm là loại phương tiện có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân khó bị theo dõi nhất trong các lực lượng răn đe. Các công nghệ hiện đại vẫn chưa được tạo ra để xác định và vô hiệu hóa chính xác các tàu ngầm hạt nhân ẩn nấp trong đại dương.

Nhưng theo thời gian, các tàu ngầm cũng sẽ sớm bị phát hiện. Đây chính là lý do Pháp cần tạo ra một nền tảng tấn công mới tân tiến hơn để duy trì khả năng răn đe trong một thế giới ngày càng phát triển về công nghệ ứng dụng cho quân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.