Đức đã âm thầm cung cấp tên lửa Taurus?

GD&TĐ - Việc Đức cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine sẽ khiến quan hệ giữa họ với Nga trở nên căng thẳng.

Đức đã âm thầm cung cấp tên lửa Taurus?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova gọi tuyên bố gần đây của Thủ tướng Đức Friedrich Merz rằng việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine "không nằm trong chương trình nghị sự" là một "cách chơi chữ".

Trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình vào ngày 18 tháng 5 năm 2025, bà Zakharova bày tỏ quan điểm về việc ông Merz đang tìm cách loại bỏ cuộc thảo luận về chủ đề này khỏi không gian công cộng nhằm che giấu ý định thực sự của Berlin.

“Nhiệm vụ của Thủ tướng Đức là xóa bỏ vấn đề chuyển giao tên lửa tầm xa khỏi cuộc thảo luận công khai, như thể chúng không tồn tại. Nhưng trên thực tế, không ai biết Berlin đã chuyển giao bao nhiêu đơn vị vũ khí cho chính quyền Kyiv”, bà Zakharova viết.

thumbs-b-c-47aae227b53e364440bf29cd3850c83b.jpg
Bà Maria Zakharova cho rằng Đức chỉ đang che giấu thời điểm chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine.

Ông Merz - người sẽ lãnh đạo chính phủ Đức sau khi liên minh CDU/CSU giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 2 năm 2025, luôn là người ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Vào tháng 4 năm 2025, trong một cuộc phỏng vấn với tờ ARD, tân Thủ tướng Đức cho biết ông sẵn sàng chuyển giao tên lửa cho Kyiv, tùy thuộc vào thỏa thuận với các đối tác châu Âu, đồng thời đề cập đến khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược, bao gồm Cầu Crimea.

Tuy nhiên sau khi nhậm chức, giọng điệu của ông đã thay đổi. Vào ngày 12 tháng 5, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố rằng chính phủ sẽ không đưa ra bình luận công khai về việc cung cấp vũ khí tầm xa nữa, và ông Merz lưu ý rằng vấn đề Taurus đòi hỏi phải đào tạo lâu dài cho binh sĩ Ukraine và "không liên quan".

Bà Zakharova cho rằng sự thay đổi cách phát ngôn này có liên quan đến mong muốn tránh sự giám sát của công chúng, đồng thời nhớ lại rằng các cuộc tranh luận công khai về Taurus trước đây đã mang lại cho Nga một "lợi thế chiến lược", cho phép nước này theo dõi các kế hoạch của phương Tây.

Nhưng với diễn biến mới, khi thông tin được bảo mật, chẳng ai có thể biết khi nào tên lửa Taurus có mặt tại chiến sự, thậm chí không loại trừ khả năng vũ khí này đã có trong thành phần tác chiến của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Tên lửa hành trình Taurus KEDP 350 do Đức sản xuất.
Theo Avia-pro

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ